Thi tốt nghiệp THPT 2014: Ôn Văn-Sử-Địa thế nào cho đúng?

author 07:26 30/05/2014

(VietQ.vn) - Chỉ còn vài ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp 2014 sẽ diễn ra. Thí sinh đã chuẩn bị ôn tập như thế nào cho các môn thi?

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của các giáo viên, chuyên gia nhận định về hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT 2014 năm nay cho các môn: Văn-Sử-Địa

Môn Văn:Thời gian rút ngắn, vừa sức cho học sinh

Năm nay, đề thi ngữ văn sẽ có những thay đổi đáng kể so với đề thi các năm trước nhưng chắc chắn sẽ vừa sức với học sinh. Chẳng hạn thời gian thi rút ngắn còn 120 phút thì dung lượng kiến thức và yêu cầu sẽ phù hợp để học sinh làm được bài; ngữ liệu trong cả hai phần đọc hiểu và làm văn sẽ gần gũi và dễ hiểu… Vì vậy, các em cần yên tâm để ôn tập và làm bài thi cho tốt.

Thí sinh đang trong những ngày "gút" lại kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014

Với phần đọc hiểu, học sinh chú ý ngữ liệu được sử dụng trong phần này có thể ngoài chương trình - sách giáo khoa. Như vậy, bên cạnh việc ôn tập kiến thức cơ bản ở những bài học trong SGK, học sinh cần luyện tập đối với những đoạn văn bản, hoặc những văn bản ngắn hoàn chỉnh (có thể là văn bản văn học hoặc nhật dụng).Với văn bản văn học, đặc biệt là văn bản có tính chất hư cấu, các em cần phân biệt nội dung cụ thể của văn bản với ý nghĩa toát ra từ nội dung đó. Học sinh cần tìm thêm các văn bản ngắn ngoài SGK như những câu chuyện gần gũi, có ý nghĩa nhân văn trên các trang mạng xã hội để dùng làm ngữ liệu rèn luyện việc đọc hiểu. 

Một điểm mới trong yêu cầu ở phần đọc hiểu năm nay là tích hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt của học sinh.Với phần làm văn, ngữ liệu được sử dụng trong đề bài nghị luận văn học vẫn là những tác phẩm, đoạn trích đã học trong CT - SGK nhưng cách hỏi có thể mới và “mở”.

Với đề bài này, dù trình bày bằng cách này cách khác, các em vẫn phải xác định một lập luận chặt chẽ thuyết phục với hệ thống ý: vài hiểu biết về tác giả, tác phẩm - xuất xứ nhân vật, những đặc điểm nổi bật ở nhân vật, nghệ thuật xây dựng nhân vật, đánh giá ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm; ý nghĩa của nhân vật đối với bản thân...

 Với cả hai dạng bài nghị luận, cần rèn cách viết ngắn gọn, chặt chẽ mà thuyết phục để đảm bảo được yêu cầu của bài văn nghị luận và phù hợp

Môn Địa: Nóng biển Đông

Có lẽ chưa bao giờ chuyện thời sự đất nước: chuyện về chủ quyền biển đảo, chuyện giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép... lại nóng trong những ngày ôn thi tốt nghiệp THPT như vậy, nhất là ở các môn văn, sử, địa...

Ông Trần Văn Quang, giáo viên môn địa Trường Quang Trung Nguyễn Huệ, cho biết: “Chương trình lớp 12 có ba bài học nói về biển đảo: hai bài dạy trong học kỳ 1, còn lại bài 42 (Vấn đề phát triển kinh tế - an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo của nước ta) chúng tôi mới dạy cho học sinh ở thời điểm tháng 4-2014.

“Với vai trò quan trọng chiến lược của biển Đông và đáp ứng yêu cầu giáo dục tư tưởng - chính trị xuyên suốt quá trình dạy - học, có thể dự đoán nhiều khả năng vấn đề biển Đông xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp địa lý năm nay. Các bài học liên quan nhiều đến biển Đông là vị trí, phạm vi lãnh thổ; thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển, vấn đề phát triển ngành thủy sản; vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo” - thầy Nguyễn Quốc Lịch, giáo viên dạy địa lý Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, chia sẻ.

Theo một giáo viên dạy địa lý khác ở Trường THPT Trần Phú thì “Xu hướng ra đề thi mở được Bộ GD-ĐT chú trọng không chỉ với môn ngữ văn mà có thể xuất hiện ở những môn thi khác, trong đó có môn địa lý. Rất nhiều kiến thức địa lý nằm trong phạm vi nội dung có thể ra đề thi liên quan tới biển Đông... Đề thi có thể từ những yêu cầu tái hiện kiến thức trong chương trình - sách giáo khoa, yêu cầu học sinh đánh giá về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc giữ gìn chủ quyền biển đảo... 

Lịch sử: cần tóm lược các giai đoạn

 Cấu trúc đề thi môn Lịch sử bao gồm 2 phần: phần lịch sử Việt Nam (khoảng 7 điểm) và phần lịch sử thế giới (khoảng 3 điểm).Các em cần có cách ôn tập khoa học, có nghĩa là phải nắm vững kiến thức cơ bản của bài học, từ đó mới trình bày bài làm của mình thật đầy đủ, đúng yêu cầu của câu hỏi.

Để có thể nhớ bài học một cách lâu dài thì các em nên có những bảng tóm lược các giai đoạn lịch sử. Ví dụ bảng tóm lược về các chiến thắng quan trọng của ta trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp như: Chiến thắng Việt Bắc (1947), Thu Đông (1950), Đông Xuân (1953- 1954)... hoặc là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cần phải lập bảng tóm lược về những chiến lược mà Mỹ đã thực hiện ở miền Nam Việt Nam.

Điều quan trọng là các em phải nắm vững kiến thức"Khi lập bảng tóm tắt các giai đoạn lịch sử, học sinh cần nhớ các sự kiện quan trọng bởi trong sách giáo khoa có rất nhiều sự kiện. Điều này các thầy cô bộ môn đã hướng dẫn trong quá trình ôn tập. Khi đã chọn lọc các sự kiện quan trọng để học thì việc nhớ ngày tháng năm sẽ dễ dàng hơn".

Tuy vậy, Lịch sử là một môn khoa học xã hội nên khi làm bài thí sinh cũng phải chú ý cách hành văn, không nên làm theo cách viết rời từng ý và không dùng dấu -> trong bài làm của mình.


Hạ Lan (tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang