Thị trường bán lẻ Việt Nam: Tiềm năng lớn nhưng dễ bị thâu tóm, vì sao?

author 15:00 23/08/2016

(VietQ.vn) - Được đánh giá là rất tiềm năng, nhưng thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam bị các doanh nghiệp xâm chiếm, nguyên nhân chính đến từ đâu?

Thị trường bán lẻ Việt Nam cực tiềm năng và luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Hầu hết các tên tuổi lớn trên thị trường bán lẻ của thế giới đều đã hiện diện tại Việt Nam như Big C, Metro, Lotte, Aeon…

Nổi bật hơn cả là sự xuất hiện của những đại gia người Thái trong thời gian gần đây. Với thế lực tài chính hùng hậu, những ông chủ Thái đang khuynh đảo thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua việc thâu tóm các hệ thống phân phối bán lẻ. Ngay sau khi Tập đoàn TCC của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Metro Cash & Carry Việt Nam bao gồm tất cả 19 trung tâm và các bất động sản liên quan, trị giá 876 triệu USD thì đầu năm 2016, một ông lớn khác trong ngành bán lẻ của Thái Lan là Tập đoàn Central Group cũng đã bỏ ra số tiền hơn 1 tỷ USD để nắm quyền sở hữu hệ thống kinh doanh Big C ở Việt Nam (gồm 32 siêu thị và 10 cửa hàng tiện lợi) từ tay Tập đoàn Casino (Pháp).

Mới đây nhất, theo một số báo đưa tin thì sắp tới 7-eleven - thương hiệu “đáng sợ” bậc nhất thế giới sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam. Theo giới phân tích, việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuyển mình nếu không muốn chính sân nhà bị nước ngoài phủ sóng.

Vậy tại sao thị trường bán lẻ Của Việt Nam lại dễ bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập vậy?

Các doanh nghiệp ngọai sử dụng phương thức M&A

Với khả năng tài chính khủng, M&A chính là phương thức được ưa chuộng nhất khi các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ thông qua các thương vụ mua bán diễn ra lên tục từ đầu năm đến giờ của người Thái. Ưu điểm lớn nhất của M&A là giúp cho các doanh nghiệp sẽ tiếp cận thị trường rộng rãi chỉ trong một thời gian ngắn nhờ lợi dụng được hệ thống phân phối có sẵn từ các công ty được mua lại, với hệ thống đã trở nên rất quen thuộc đối với người tiêu dùng Trong khi đối với các doanh nghiệp trong nước, việc hình thành hệ thông phân phối này phải diễn ra trong vòng mười đến mười lăm năm, một thời gian rất dài.

 Big C- Nơi mua sắm quen thuộc đã về tay người Thái

Xuất phát từ chính bản thân các doanh nghiệp trong nước

Thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng, nhưng không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng nhìn ra hay có nhìn ra cũng không đủ khả năng tài chính  để đầu tư vào đó. Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết, tính đến năm 2015, khối ngoại chiếm khoảng 51% thị phần bán lẻ, phần còn lại chia cho khối nội và khối không xác định gồm các nhà bán lẻ nhỏ lẻ. Đây là một cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các nhà bán lẻ nội - ngoại.

Trao đổi với báo Hà Nội Mới, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội phân tích, các điểm bán lẻ của doanh nghiệp ngoại chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3 - 4 lần, thậm chí 7 - 8 lần so với một điểm của siêu thị nội do quy mô lớn. Như vậy, dù có tham gia được vào nhưng với kinh nghiệm, cách thức quản lý lạc hậu sẽ khiến họ khó khăn trong việc tiếp cận thị trường . Đa số các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là quy mô vừa và nhỏ, ít vốn vì phụ thuộc vào vay ngân hàng 60-70%. Chi phí vay cao hơn các doanh nghiệp nước ngoài 3-4%/năm. Trong khi đó, mối liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa sản xuất và phân phối còn nhiều trở ngại, manh mún, nên chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp chung của đội ngũ bán lẻ Việt Nam... Hay như chính các doanh nghiệp sản xuất, không có cho mình một tư tưởng là phải phát triển hệ thống phân phối mà cứ chăm chăm đi làm sản phẩm thì thật khó để các sản phẩm đó đến được với tay người tiêu dùng

Nhưng cũng phải nhìn nhận điểm sáng là Vinmart - với tốc độ tăng trưởng được đánh giá là nhanh lịch sử trong ngành phân phối bán lẻ - hiện đang là top các thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế đang kỳ vọng, Vingroup sẽ “vẽ” lại thị trường ngành bán lẻ trong nước, tạo cán cân cân bằng cho doanh nghiệp Việt Nam trước “cơn bão” thâu tóm của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

 Vinmart trở thành điểm sáng của bán lẻ nội địa

Thói quen, tư tưởng của người dân khi ưa hàng ngoại

Dân Việt Nam dù thay đổi phần nào trong thời gian gần đây nhưng trong tư tưởng vẫn luôn tồn tại quan niệm trọng “hàng ngoại”, với lý do "muôn thủa" là hàng ngoại chất lượng hơn. Hơn nữa, khi công tác quản lý thị trường không được tốt với việc hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng xuất hiện tràn lan , thì việc người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng Việt cũng là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, sự lựa chọn của họ sẽ chính là các gian hàng đến từ nước ngoài, nơi được đánh giá là chất lượng sản phẩm tốt hơn, an toàn hơn. Và đây lại chính là phương tiện để các mặt hàng nước ngoài xâm nhập mạnh vào thị trường trong nước, tạo ra sức ép cạnh tranh lớn đối với hàng nội địa.

Người Việt thích dùng hàng ngoại 

Chính sách bảo hộ của nhà nước

Theo báo Doanhnhansaigon, nhiều quốc gia, quy định ENT (Kiểm tra nhu cầu kinh tế - Economic Need Test) được sử dụng như một biện pháp để chống việc chèn ép và cạnh tranh không lành mạnh từ phía các DN bán lẻ nước ngoài. Ví dụ, các DN nước ngoài không được phép mở các siêu thị lớn quá gần các siêu thị có trước đó để tránh xảy ra tình trạng vi phạm nguyên tắc là đáp ứng vừa đủ nhu cầu kinh tế cần thiết của một khu vực dân cư, đồng nghĩa với việc tránh để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.Quy định này được xem như một biện pháp bảo hộ cần thiết với các DN bán lẻ trong nước trước áp lực từ các DN bán lẻ nước ngoài vốn có tiềm lực tài chính và trình độ quản lý tốt hơn.

Tuy nhiên tại Việt Nam, điều này dường như chưa được quan tâm đến. Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cơ quan này đã từng đề xuất lên Bộ Công Thương đề án quy hoạch, trong đó nội dung các đại siêu thị phải cách nhau khoảng 30 km, nhưng không được chấp thuận.

Tình trạng cấp phép tràn lan, thiếu quy hoạch cụ thể của các cơ quan quản lý trong nước cho các DN bán lẻ nước ngoài thời gian vừa qua cũng được xem là một nguyên nhân khiến cho các DN bán lẻ trong nước đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Tại một số địa phương, những dự án lớn của các DN bán lẻ nước ngoài thường được ưu tiên ở những vị trí đẹp với mục đích cải tạo bộ mặt đô thị, nhưng lại đang trở thành nguyên nhân bóp chết các DN bán lẻ trong nước.

Kết luận

Thị trường bán lẻ VIệt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng được 25 % nhu cầu. Thời gian tới, khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, chắc chắn cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên khốc liệt hơn. Do vậy, để giữ vững thị phần và phát triển ngành bán lẻ nội địa, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức từ nhiều phía: nhà nước, doanh nghiệp và chính người tiêu dùng. Có như vậy mới chúng ta mới không gặp phải tình trạng “thua trên chính sân nhà”

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang