Thị trường địa ốc ảm đạm, VPBank có 'đau đầu' với khoản nợ khủng của Novaland?

author 11:49 08/11/2018

(VietQ.vn) - Xét theo giá trị truyệt đối, Novaland nằm tốp đầu danh sách những doanh nghiệp bất động sản khi vay nợ tài chính lên đến con số "khủng".

Sau nhiều năm thực hiện chiến lược sáp nhập, mua bán các dự án bất động sản (M&A) tạo lập quỹ đất lớn, đến nay Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã chứng khoán: NVL) đã sở hữu danh mục tới hơn 40 dự án, trở thành một trong số ít nhà phát triển địa ốc hàng đầu thị trường. 

Báo cáo tài chính hợp nhất công ty mẹ đến hết tháng 9 của Novaland cho thấy, tập đoàn này có tổng nợ vay lên tới hơn 31.000 tỷ đồng, gồm nợ vay tài chính ngắn và dài hạn, vay bên thứ ba và các khoản nợ trái phiếu.

Mới đây nhất, đại gia bất động sản này đã thông qua quyết định góp thêm 5.481 tỷ đồng vào Công ty Địa ốc No Va Mỹ Đình, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 99,99%. No Va Mỹ Đình cũng chính thức trở thành công ty con thứ 40 của tập đoàn địa ốc này. Động thái của Novaland được cho nhằm mục đích gia tăng quỹ đất tại khu Đông TP.HCM, nơi tập đoàn này đang phát triển nhiều dự án lớn thông qua hoạt động M&A của Địa ốc No Va Mỹ Đình.

Hồi tháng 5, tập đoàn này cũng đưa ra quyết định rót thêm 1.059 tỷ đồng vào Công ty No Va Nippon và gia tăng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 99,98% vốn điều lệ. Trước đó là đợt tăng tỷ lệ vốn góp tại Công ty Địa ốc Thành Nhơn với số tiền tăng thêm 760 tỷ đồng, nâng sở hữu tại công ty này lên 79,39%.

Novaland nằm tốp đầu danh sách những doanh nghiệp bất động sản khi vay nợ tài chính lên đến con số "khủng". 

Cuối năm 2017, Novaland cũng chi hàng trăm tỷ đồng tăng vốn góp vào các công ty như 955 tỷ đồng vào Sun City; 132 tỷ đồng vào Nova An Phú; 119 tỷ đồng vào Nova Property Management và hơn 529 tỷ đồng thành lập Công ty Hoa Linh Ngọc và Công ty TNHH Nova Asset Management… Xét theo giá trị tuyệt đối, tính đến cuối 2017, Novaland đứng đầu danh sách những doanh nghiệp bất động sản niêm yết có nợ phải trả lớn nhất. Với Novaland, nợ phải trả cuối 2017 lên mức 35.968 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm 2017.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ của công ty cũng cho biết Novaland đã chi tổng cộng 6.421 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các công ty khác trong 6 tháng qua, tăng 70% so với cùng kỳ. Song song với việc rót vốn, Novaland cũng thực hiện hàng loạt đợt huy động vốn từ trái phiếu. Hối cuối tháng 4, tập đoàn này huy động được 160 triệu USD từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Công ty cũng huy động thành công 150 triệu USD từ việc phát hành cổ phần riêng lẻ, nâng tổng số vốn huy động sau nửa năm lên 310 triệu USD. Đây cũng là đợt huy động vốn lớn nhất từ trước đến nay của một doanh nghiệp Việt từ phát hành cổ phần và trái phiếu.

Ngoài ra, Ngân hàng Credit Suisse cũng giải ngân thêm khoản vay 50 triệu USD không tài sản đảm bảo, nâng giá trị cho vay lên 125 triệu USD với Novaland. Công ty này cũng phát hành thêm trái phiếu CTCK Ngân hàng Quân đội 400 tỷ đồng, các khoản vay Sacombank, VPBank cả ngắn và dài hạn lên đến hơn 2.300 tỷ đồng.

Trong cấu nợ vay, VPBank là một trong số các tổ chức tín dụng đứng đầu giải ngân cho Novaland vay vốn. Có một thực tế là tình trạng nợ xấu tăng cao thời gian qua phần lớn tập trung ở lĩnh vực bất động sản, Novaland cũng không ngoại lệ, và việc xử lý thu hồi nợ vay hiện nay tương đối chậm, do khó phát mãi tài sản đảm bảo là bất động sản. Rất nhiều hợp đồng bảo lãnh được ký kết giữa chủ đầu tư và ngân hàng thời gian gần đây chủ yếu là để “nuôi” con nợ.

Hàng năm Novaland vẫn phải chi hàng trăm tỷ để chi trả nợ lãi. Như năm 2016 số tiền trả nợ lãi của công ty là 863 tỷ đồng và tăng lên 1.205 tỷ đồng vào năm 2017. Trong kỳ nửa năm vừa qua, đại gia bất động sản này cũng phải chi tổng cộng 713 tỷ đồng chỉ để trả lãi vay, tăng hơn 55% so với cùng kỳ. 

Đối với các khoản vay bằng trái phiếu, một số tổ chức đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu của đại gia bất động sản này như The Bank of New York Mellon với lượng trái phiếu trị giá 3.678 tỷ đồng; Ngân hàng Techcombank 1.500 tỷ đồng, Công ty chứng khoán Techcombank 1.250 tỷ đồng... Riêng với khoản vay bên thứ 3, hiện chủ nợ lớn nhất của Novaland chính là Công ty cổ phần Kinh doanh nhà No Va với hơn 2.895 tỷ đồng dư nợ, Credit Suisse AG với 1.812 tỷ đồng; GW Supernova với 1.149 tỷ đồng hay Crane Investment với 917 tỷ đồng dư nợ… 

Việc các khoản nợ vay ngày càng tăng nhanh trong bối cảnh kinh doanh lao dốc và hàng tồn kho chưa được xử lý như hiện nay là bài toàn khó mà Novaland đang phải đối mặt và tìm cách giải quyết. 9 tháng đầu năm, Novaland thu về 6.733 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 1.412 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 5% so với cùng kỳ. Nhưng nếu so với kế hoạch doanh thu đạt 21.780 tỷ và 3.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đặt ra hồi đầu năm, đại gia bất động sản này mới chỉ hoàn thành chưa tới 50% kế hoạch dù đã đi hết 3/4 quãng đường.

Trước đó, chính lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận, kế hoạch doanh thu năm 2018 có khả năng chưa đạt mục tiêu. Trong quý IV/2018, Novaland tung ra dự án tọa lạc tại trung tâm quận 1 quy mô khoảng 1.000 căn hộ có giá bán trung bình từ 6.000 USD mỗi m2 trở lên. Doanh nghiệp cũng tiếp tục theo đuổi phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố có tiềm năng du lịch lớn như Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Bình Thuận, Cam Ranh - Khánh Hòa... Tại Mũi Né - Phan Thiết, công ty chuẩn bị giới thiệu dự án biệt thự hướng biển.

Việc ông lớn bất động sản như Novaland lo ngại khó hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2018 không nằm ngoài quỹ đạo giảm tốc của thị trường địa ốc những quý vừa qua.

Trên sàn chứng khoán, người mất nhiều tiền trên sàn chứng khoán nhất tuần từ 29/10-2/11 là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland với hơn 381 tỷ đồng sụt giảm. Theo đó, cổ phiếu NVL đã giảm 2,7% giá trị, từ mức giá 73.100 đồng xuống còn 71.100 đồng/cổ phiếu trong khoảng thời gian này, và tiếp tục giảm sâu xuống còn 69.200 đồng/cp hết phiên ngày 7/11. Cổ phiếu đại gia bất động sản phía Nam này giảm mạnh có thể đến từ việc kết quả kinh doanh 9 tháng mới công bố tăng trưởng không quá nhiều so với kỳ vọng đặt ra trước đó.

Thực tế, việc cổ phiếu của NVL giảm là nằm trong dự đoán của nhiều người trước đó, khi doanh nghiệp này có động thái phát hành cổ phiếu để trừ nợ nhằm hoán đổi toàn bộ khoản vay 60 triệu USD, tương ứng 1.367,4 tỷ đồng tại ngân hàng Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore (Báo cáo Tài chính đã kiểm toán năm 2016). Tổng giá trị cổ phiếu phát hành theo mệnh giá gần 334,6 tỷ đồng. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian phát hành trong Quý 2/2017. Sau phát hành Novaland dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 6.300 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, việc phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ là 1 trong những biện pháp cực chẳng đã của doanh nghiệp này. Điều này tác động trực tiếp lên lượng cổ phiếu mà Novaland đang lưu hành. Sự tăng trưởng chậm của BĐS, mà đặc biệt là phân khúc hạng sang, cao cấp đang ngày càng trầm lắng đã khiến cho doanh thu cũng như những mục tiêu mà Novaland đưa ra khó có thể đạt được. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của khoản vay nợ lớn để thực hiện các dự án sẽ khiến cho lượng cổ phiếu tăng thêm so với tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Do đó, việc dự đoán xu hướng giá cổ phiếu của tập đoàn có thể sẽ giảm khi lượng cổ phiếu này được tung ra để cấn trừ nợ là có cơ sở. 

Điều này khiến cổ đông có cơ sở để lo ngại việc doanh nghiệp niêm yết huy động tiền cổ đông để trả nợ hoặc dùng chính cổ phiếu để cấn trừ nợ. Dù rằng, doanh nghiệp lấy lý do rất chính đáng là “cứu” doanh nghiệp, nhưng việc phát hành đó sẽ khiến EPS trong năm tới, thậm chí vài năm tới luôn loanh quanh ở mức thấp. Những nhà đầu tư dài hạn ít có hy vọng về cổ tức, giá cổ phiếu vì thế khó có cơ hội phục hồi bền vững.

Về phần VPBank, tính đến hết nửa đầu năm nay, nợ xấu tại ngân hàng này tăng từ gần 6.200 tỷ đồng cuối năm 2017 lên 8.090,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng nhanh từ 1.067 tỷ đồng lên 1.606,6 tỷ đồng, tăng hơn 50% trong vòng 6 tháng. Tính chung đến 30/6, nợ xấu tại VPBank đạt xấp xỉ 4,07%, tăng khá so với mức 3,39% cuối năm 2017, vượt ngưỡng 3% so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Được biết, tới giữa năm nay, cả tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này đều ở mức trung bình là gần 8% và 6,8% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2017 thì huy động vốn tăng 10,3% nhưng tín dụng tăng tới 18,9%.

Đến quý III/2018, Chi phí dự phòng rủi ro của VPBank cũng tăng mạnh 69% so với quý III/2017, lên tới 2.748 tỷ đồng. Do đó, dù lợi nhuận thuần trong kỳ tăng 13% song lợi nhuận trước thuế lại giảm 26%, chỉ đạt 1.749 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, VPBank đã dành 8.194 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm tới 57% lợi nhuận thuần 9 tháng của ngân hàng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn lại 6.124 tỷ đồng, nhưng vẫn đạt tăng trưởng 9% so với 9 tháng năm 2017.

An Nhiên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang