Thị trường gas năm 2014 còn bất ổn

author 07:39 24/01/2014

Năm 2014, vấn nạn gas dởm lộng hành, giá gas tăng... được dự báo sẽ tiếp tục phức tạp, do nhiều đối tượng làm gas dởm chưa bị xử lý nghiêm và cơ chế quản lý vẫn còn bất ổn so với thực tế.

Giá gas sẽ giảm?

Năm 2013, gas trong nước tăng giá hàng chục lần, đưa giá gas sát gần 500.000 đồng/bình loại 12 kg, trong khi gas giảm chỉ có vài ba lần, mức giảm luôn ít hơn mức tăng trước đó. Chẳng hạn, đầu tháng 12/2013, giá gas tăng 78.000 đồng/bình 12 kg, đầu tháng 1/2014, giá gas giảm 43.000 đồng/bình 12 kg.

Theo một số công ty đầu mối kinh doanh gas, giá gas đầu năm 2014 sẽ giảm, do giá gas thế giới giảm. Cụ thể, giá gas thế giới hiện giảm 135 USD/tấn còn 880 USD/tấn, giảm 39.000 đồng/bình 12 kg so với giá hợp đồng CP (giá thế giới theo hợp đồng) ký vào đầu tháng 1/2014 là 1.015 USD/tấn. Theo dự đoán giá gas thế giới có thể còn giảm vì tình hình chiến sự ở Trung Đông đang có dấu hiệu giảm nhiệt, dẫn đến giá gas trong nước sẽ giảm còn khoảng 400.000 đồng/bình 12kg.

Tuy vậy, các công ty kinh doanh gas cho biết, giá gas của thế giới giảm nhưng gas trong nước không thể giảm ngay vì gas đang cung cấp cho thị trường của tháng 2/2014 phải nhập theo hợp đồng vào đầu tháng 1, nếu giá gas sắp tới có giảm thì phụ thuộc vào giá mua theo hợp đồng ký vào đầu tháng 2/2014.

Giá gas năm 2014 sẽ giảm mạnh

Giá gas năm 2014 sẽ giảm mạnh? Ảnh minh họa

Năm 2013, Quản lý thị trường TP.HCM đã xử lý 84 vụ kinh doanh gas trái phép, trong đó có 15 vụ vận chuyển 3.765 vỏ chai gas mini đã qua sử dụng, 2 vụ chiết nạp gas chai mini không phép và tịch thu 2.808 chai gas mini, 7 vụ kinh doanh 985 chai gas 12 kg giả các nhãn hiệu, 6 vụ cửa hàng kinh doanh 253 chai gas 12 kg không có chứng từ hóa đơn.

Gas dởm vẫn tiếp tục lộng hành

Năm 2013, tình trạng sản xuất gas dởm với nhiều chiêu trò ăn gian đối với người tiêu dùng vẫn chưa được kiểm soát. Trong năm 2014, tình trạng kinh doanh gas trái phép vẫn còn tiếp diễn và phức tạp do những chính sách về quản lý gas chưa thay đổi kịp với tình hình phát sinh của thực tế thị trường, mặt khác kết quả kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm còn ít và nhẹ, chưa đủ mạnh để răn đe.

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, cả nước hiện có 20 triệu bình gas dùng cho sinh hoạt, trong đó bình gas dởm đã chiếm khoảng 5 triệu bình. Gas dởm từ đâu ra, một câu hỏi mà dân trong ngành gas ai cũng biết rõ do các cơ sở thu gom bình gas của các nhãn hiệu nổi tiếng rồi hoán cải thành vỏ bình của mình và mua gas của một số công ty đầu mối về tự san chiết để bán ra thị trường. Ông Nguyễn Quang Ninh- Chủ tịch HĐQT Công ty CP TMDV Dầu khí Vũng Tàu- bức xúc, nguồn gas cung cấp cho các doanh nghiệp san chiết gas lậu ai cũng biết và rất bức xúc vì các đối tương này không bị xử lý hoặc xử lý quá nhẹ, trong đó có cả những công ty đầu mối lớn.

Ông Trần Minh Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Dầu khí An Pha, kiêm Phó Chủ tịch Chi hội Gas Miền Nam- cho rằng, muốn chống được gas dởm trên thị trường thì các doanh nghiệp của ngành gas phải hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc không bắt tay với đầu nậu kinh doanh gas trái phép.

Ông Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Gas Petrolimex Sài Gòn nói, để chống gas dởm hiệu quả, các doanh nghiệp gas tự mình phải làm tốt hơn nữa khâu phân phối để gas lậu không thể lọt vào, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan chức năng nhằm tiếp tục tìm và diệt gas dởm trên thị trường.

Ba Lê Thị Anh Mẫn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam - đề xuất, để góp phần làm giảm sự tàn phá của gas dởm đối với thị trường, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra nguồn gas nhập khẩu và xuất bán của các doanh nghiệp đầu mối nhằm ngăn chặn nạn cung cấp gas trái phép cho các đối tượng không đủ điều kiện mua gas và phạt theo Nghị định 97 đã quy định.

Theo Congthuong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang