Thị trường nước giải khát đóng chai: Làm sao phân biệt thật giả?

authorTrần Thanh 15:25 30/09/2016

(VietQ.vn) - Thị trường nước giải khát đóng chai hiện nay còn nhập nhằng giữa hàng giả, hàng nhái khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang.

Trên thị trường hiện có hàng trăm loại nước giải khát nội và ngoại nhập được bày bán khắp nơi. Tuy nhiên, thực tế có nhiều loại nước ngọt không đảm bảo chất lượng; thậm chí có chứa các chất độc hại, chất cấm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ảnh hưởng tới sức khoẻ của người sử dụng khiến cho người tiêu dùng bất an, lo lắng…

Thị trường nước giải khát đóng chai hiện nay gây nhiều bất an cho người tiêu dùng (Ảnh minh họa) 

 Theo đó, bên cạnh các dòng sản phẩm nước ngọt của những hãng nổi tiếng như Pepsi, Cocacola, Sabeco... còn có hàng trăm nhà sản xuất khác; mỗi hãng lại có hàng chục nhãn hàng khác nhau.

Tuy nhiên, sự phong phú này khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi lựa chọn, nhất là trong thời buổi thị trường “vàng thau lẫn lộn” khi các loại hàng thật, hàng giả, hàng chất lượng và hàng kém chất lượng tràn lan khó phân biệt.

Cùng với đó, nhiều sự cố về chất lượng của các loại nước ngọt cũng liên tục bị phát hiện khiến không ít người dân hoang mang. Điều đáng nói trước tiên là tình trạng nhiều loại nước ngọt bị làm nhái, làm giả tràn lan.

Thông thường, người dân cứ vào quán là ào ào uống cho thoả cơn khát, chứ ít ai để ý xem chai nước có nguồn gốc từ đâu, thật giả thế nào và chất lượng ra sao. Tuy nhiên, cũng có những người kỹ tính, xăm soi chai nước. Song, nếu dựa vào mẫu mã để phân biệt hàng thật, hàng giả rất khó, bởi ngày nay, công nghệ làm giả tem nhãn mác đã đạt tới độ siêu đẳng. Còn dựa vào chất lượng, hương vị thì không phải ai cũng đủ tinh để nhận ra, vì nước ngọt rởm cũng ngọt, có ga và ngon, mát lạnh khi cho đá vào.

Theo báo Người đưa tin, Pepsi và Coca Cola là 2 “gã khổng lồ” của thị trường nước giải khát có gas, dường như không có bất cứ đối thủ nào xứng tầm tại Việt Nam. Cơ hội duy nhất cho các doanh nghiệp nội là ở mảng nước giải khát không gas còn lại.

Số lượng doanh nghiệp và sản phẩm không ngừng tăng khiến cho “mảnh đất” này ngày càng chật chội, “cuộc chiến” dành thị phần cũng trở lên khốc liệt hơn.

Theo Việt Nam Plus, khi đánh giá về năng lực cạnh tranh của các công ty đồ uống trong nước, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết hiện sức ép thâm nhập của doanh nghiệp ngoại vào thị phần nước giải khát Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Ngoài các hãng lớn như Coca Cola, Pepsi đã hiện diện từ lâu thì nhiều doanh nghiệp đến từ Singapore, Thái Lan, Malaysia… cũng đang thâm nhập nhiều hơn vào thị trường đồ uống của Việt Nam.

Ông Phú nhẩm tính, trong 800 điểm siêu thị Việt Nam thì có 100 điểm là của các doanh nghiệp FDI, nhưng quan trọng hơn, theo ông thì dù ít hơn về số lượng nhưng doanh số của những điểm này đã gấp 5-7 lần siêu thị trong nước.

Từ thực tế đó, lãnh đạo Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, thị phần bán lẻ của ngành đồ uống trong nước ngày càng chịu nhiều nguy cơ và sức ép cạnh tranh hơn từ hệ thống bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam.

Theo quy định của Pháp lệnh chất lượng hàng hoá ban hành ngày 1/1/2001, doanh nghiệp sản xuất hàng hoá tự công bố chất lượng trên bao bì sản phẩm, chỉ cần thông báo chỉ tiêu và chịu trách nhiệm về việc công bố với cơ quan quản lý. Lợi dụng điều này nên nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước giải khát đã tuỳ tiện quảng cáo sản phẩm của mình nào là chất lượng “hảo hạng”, tiêu chuẩn Mỹ, Châu Âu, Nhật ....nhưng thực tế chất lượng cũng như an toàn vệ sinh của những mặt hàng này không ai quản lý. Vì vậy, sức khỏe con người là trên hết, người tiêu dùng cần phải cẩn thận và thông minh khi lựa chọn đồ uống cho mình và gia đình.

Theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) chia sẻ với Báo Đại biểu nhân dân, nước giải khát nằm trong nhóm 10 mặt hàng sản xuất có điều kiện. Vì vậy, trên sản phẩm bắt buộc phải có thông tin đầy đủ theo quy định. Sản phẩm phải có thông tin về nhãn hàng hoá công bố tiêu chuẩn chất lượng, chỉ tiêu chất lượng về khoáng, hàm lượng dinh dưỡng, vitamin; thông tin về chỉ tiêu an toàn vệ sinh không được thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố; thông tin xuất xứ nhãn hàng; đồng thời trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải có tên cơ quan y tế có chức năng cấp giấy phép để sản phẩm đảm bảo tính pháp lý khi lưu thông, lưu hành trên thị trường...

Trần Thanh (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang