Sức mua ô tô tăng trưởng đột biến

author 14:09 16/07/2014

(VietQ.vn) - Thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng mạnh vào 6 tháng đầu năm 2014, trong đó tỉ lệ tăng trưởng của xe lắp ráp trong nước chỉ ở mức 24% thì xe nhập khẩu nguyên chiếc là 60%.

Thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng 31% trong nửa đầu năm 2014

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng bán hàng cộng dồn 6 tháng đầu năm 2014 đã đạt 65.389 chiếc, tăng mạnh so với mức 49.837 chiếc của cùng kỳ năm 2013. Tỉ lệ tăng trưởng so với cùng kỳ đạt 31% . Riêng tháng 6 năm 2014 đạt 11.884 chiếc, tăng 23% so với tháng 6/2013. Trong đó, lượng xe con đạt 7.407 chiếc, xe tải đạt 4.477 chiếc. Tính đến tháng 6-2014, thị trường Việt Nam đã có 15 tháng liên tiếp sản lượng bán hàng ô tô đạt cao hơn cùng kỳ.

Tháng 6/2014 thị trường ô tô đạt 11.884 chiếc, tăng 23% so với tháng 6/2013

Tháng 6/2014 thị trường ô tô đạt 11.884 chiếc, tăng 23% so với tháng 6/2013. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, dấu hiệu hồi phục ở từng lĩnh vực chưa thực sự rõ ràng, mức tăng trưởng của lượng ô tô bán ra được xem là một kết quả ngoạn mục. Hơn nữa, không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được mức tăng trưởng 31% như thị trường ô tô Việt Nam.

Đây là một kết quả cần ghi nhận của ngành công nghiệp ô tô khi nhìn lại quãng thời gian từ đầu năm 2012 đến quý III.2013. Thời gian đó, do sức mua ô tô tại thị trường trong nước yếu, nên VAMA đã điều chỉnh tăng trưởng trong năm 2013 giảm từ 19% xuống còn 10%. Sức mua ô tô chỉ tăng mạnh trong tháng 12.2013, và duy trì được đà tăng trưởng từ tháng 3.2014 đến nay.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đạt, phòng kinh doanh cửa hàng Toyota Pháp Vân (Hà Nội) cho biết khoảng 4-5 tháng trở lại đây, doanh số bán hàng của cửa hàng ổn định ở khoảng 80 xe/tháng, tương đương với giá trị 70-80 tỉ đồng. Mức doanh số này tăng khoảng 10%-15% so với cùng kỳ năm 2013. Nhiều đại lý lớn khác của Toyota cũng có lượng xe bán ra khá ấn tượng trong tháng 6, như: Toyota Thăng Long 265 chiếc, Toyota Mỹ Đình 235 chiếc; tốc độ tăng trưởng cũng đạt trên 15%.

Có thể thấy, từ năm 2012 đến nay, chính sách thuế hay hàng rào kỹ thuật đối với ô tô không có thay đổi đáng kể. Trong khi đó, ngành lắp ráp, kinh doanh, nhập khẩu ô tô cũng chịu tác động của tình hình kinh tế khó khăn như các ngành khác. Do đó, mức tăng trưởng cao trong 6 tháng qua là một tín hiệu tích cực của thị trường, phản ánh nhu cầu và khả năng chi trả của người tiêu dùng đã tốt hơn thời gian trước.

Ô tô nhập khẩu áp đảo thị trường

Thị trường giai đoạn nửa đầu năm nay chứng kiến một cuộc ganh đua mạnh mẽ giữa ôtô lắp ráp trong nước (CKD) với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Cụ thể hơn, tổng sản lượng bán hàng ôtô CKD 6 tháng 2014 đạt 49.091 chiếc, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó, lượng xe CBU đạt tỷ lệ tăng trưởng đến 60% với 16.298 chiếc.

Ô tô nhập khẩu đạt tỷ lệ tăng trưởng đến 60% trong nửa đầu năm 2014

Ô tô nhập khẩu tăng trưởng lên đến đến 60% . Ảnh minh họa

Số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy lượng nhập khẩu ô tônguyên chiếc đang tăng với khoảng 3.000 chiếc/tháng trong 2 tháng đầu năm, tăng lên mức 4.000 chiếc/tháng trong 2 tháng tiếp theo. Mức “đỉnh” rơi vào tháng 5 với khoảng 5.000 chiếc xe được đưa về nước, đạt giá trị kim ngạch 106 triệu USD. Số liệu ước tính của tháng 6 cũng đạt khoảng 5.000 chiếc.

Tổng lượng nhập khẩu xe nguyên chiếc đạt 25.000 chiếc trong nửa đầu năm, tương đương 497 triệu USD, tăng đến 44,4% về lượng và 53,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường đứng đầu về cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam là Hàn Quốc, sau đó đến Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ.

Nguyên nhân xe nội địa “lép vế” trên thị trường ô tô

Việc xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng thị phần ở nước ta là điều không nằm ngoài dự đoán. Bởi từ khi lộ trình cắt giảm thuế quan thuộc khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) được thực hiện, thì các liên doanh ô tô tại nước ta đã thu hẹp danh mục sản phẩm lắp ráp trong nước và thay bằng các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia.

Trên thị trường hiện có 10 mẫu xe đang được các nhà phân phối tại Việt Nam nhập khẩu từ hai quốc gia này. Trong khi đó, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về 0%. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không thể chủ quan khi sức mua của thị trường có sự bứt phá như hiện nay. Ngược lại, họ phải có những tính toán dài hơi để chuẩn bị cho thời điểm hàng rào thuế quan sẽ bị dỡ bỏ trong năm 2018.

Rõ ràng, ô tô nhập khẩu đang áp đảo thị trường và đây là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh thuế nhập khẩu đang vào sâu lộ trình cắt giảm, còn các nhà máy lắp ráp trong nước chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện mạnh mẽ.

Thu Hường (Tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang