Thị trường rau quả: Phụ thuộc Trung Quốc đến bao giờ?

author 13:52 03/09/2013

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tăng đến 56% so với cùng kỳ

 Vượt xa các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… , bất chấp việc thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu.


Nhà vườn trồng rau ở Lâm Đồng. Ảnh minh họa : Cao Nguyên.
Nhà vườn trồng rau ở Lâm Đồng. Ảnh minh họa : Cao Nguyên.


Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 620,6 triệu đô la Mỹ, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Riêng thị trường Trung Quốc trong 7 tháng nhập khẩu một lượng rau quả trị giá 170,2 triệu đô la Mỹ từ Việt Nam, tăng 56% so với cùng kỳ. Thị trường Trung Quốc cũng bỏ xa thị trường lớn thứ 2 của rau quả Việt Nam là Nhật Bản với kim ngạch chỉ đạt 37 triêu đô la Mỹ và thứ 3 là thị trường Mỹ với kim ngạch 28 triệu đô la Mỹ… 

Theo nhận định của các doanh nghiệp, mặc dù biết xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu là mua bán qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng đó được xem là hướng ra thích hợp, trong khi việc tiếp cận các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… vẫn gặp nhiều khó khăn, do vận chuyển xa, bảo quản dài ngày cũng như yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm còn khắt khe.

Trái thanh long là một ví dụ. Để xuất khẩu loại trái này sang thị trường lớn, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… , các doanh nghiệp cần phải áp dụng công nghệ xử lý trái cây theo tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để xử lý, loại trừ ruồi đục quả. Chính quyền các nước nhập khẩu yêu cầu xử lý theo hai phương pháp phổ biến là chiếu xạ và hơi nước nóng.

Công ty Hoàng Phát đầu tư xây dựng nhà máy xử lý hơi nước nóng để xuất khẩu trái cây sang một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc… (những quốc gia này yêu cầu xử lý). Nhưng do ngành kiểm dịch thực vật các quốc gia này vẫn trong quá trình xem xét hồ sơ của từng doanh nghiệp trước khi cấp phép nên tạm thời hoạt động chính của doanh nghiệp là thương mại - xuất nhập khẩu, trong đó có xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Hồng Hưng, Giám đốc công ty Hoàng Phát, kể, mặc dù biết Trung Quốc là một thị trường nhiều rủi ro nhưng vì nhu cầu nhập khẩu của thị trường này quá lớn nên cũng “nhắm mắt đưa chân”.

“Doanh nghiệp xuất khẩu thanh long nào, người nào khéo thì mất một vài container, người nào không may thì thiệt hại nặng nề”, ông nói.

Thiệt hại chủ yếu trong giao dịch với khách hàng Trung Quốc chủ yếu trong quá trình vận chuyển, thanh toán. Khách hàng có thể xin khất, thanh toán chậm rồi đến khi hàng được chở ra cửa khẩu phía Bắc chờ tiếp nhận thì khách vin cớ hàng hóa không đạt chất lượng yêu cầu nên hủy hợp đồng. Trong trường hợp này chuyến hàng của doanh nghiệp xem như mất trắng.

Theo Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến nay, rau quả Việt Nam đã xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính gồm thanh long ruột trắng, ruột đỏ được chiếu xạ, chôm chôm (thị trường Mỹ); thanh long ruột trắng được xử lý hơi nước nóng (thị trường Nhật); thanh long ruột trắng, ruột đỏ xử lý hơi nước nóng (thị trường Hàn Quốc); thanh long ruột trắng, ruột đỏ được chiếu xạ (thị trường Chi lê); xoài được chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng (thị trường New Zealand).

Ngoại trừ thanh long xuất khẩu vào Mỹ đạt khối lượng 1.200 tấn/năm, các loại trái còn lại chỉ mới xuất được với khối lượng còn rất khiêm tốn, trung bình vài trăm tấn/năm.

So sánh giá trị trung bình của một ký thanh long xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm chỉ bằng 1/10 giá trị xuất khẩu vào Mỹ, nhưng con đường để các doanh nghiệp vào thị trường này gian nan hơn rất nhiều so với con đường xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thanh long lớn nhất cả nước hiện nay, nói: “Biết thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro nhưng muốn giảm vai trò của thị trường này là rất khó, nhất là đối với năng lực kinh doanh hiện tại của đa số các doanh nghiệp thanh long nói riêng và xuất khẩu rau quả nói chung”.

Theo TBKTSG
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang