Thị trường sữa trẻ em: Hàng xách tay tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn

authorDương Phương Ngọc 14:58 01/09/2017

(VietQ.vn) - Gắn mác “hàng xách tay”, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có nhãn phụ tiếng Việt kèm theo, nhiều loại sữa trẻ em vẫn ngang nhiên bày bán công khai. Cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo còn người tiêu dùng mua bán bằng… niềm tin.

Sữa lậu “đội lốt” hàng xách tay

Mỗi ngày tại cửa hàng tạp hóa của chị Vũ Thu H. trên đường cầu Diễn (Hà Nội) luôn có đông khách hỏi mua hàng sữa xách tay cho trẻ em. Chị H. - chủ quán cho biết: Khách của chị phần lớn là khách mua buôn, mỗi đợt lấy hàng về, chị thường lấy khoảng 100 thùng sữa (mỗi thùng 12 hộp). Tuy lượng hàng khá lớn nhưng số sữa này luôn bán hết veo chỉ trong vòng mấy ngày.

“Không chỉ khách mua buôn, có một số khách lẻ quen cũng thường xuyên ra lấy hàng. Có 2 chị dạy tiếng Nhật lần nào ra cũng mua 1 thùng sữa Meji về. Sữa Meji ngoại thường đắt hơn sữa nội khoảng vài chục ngàn nhưng chất lượng thì chắc chắn là hơn đứt” – chị chủ quán phân trần.

Nhiều cửa hàng vẫn ngang nhiên bán sữa trẻ em nhập lậu. Ảnh: P. Ngọc 

Tuy vậy, khi phóng viên hỏi về các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của sản phẩm thì chị này chỉ im lặng và nói lảng sang vấn đề khác. Chị H. chỉ trấn an: “Cứ tin tưởng, lấy dùng thử, cứ uống được là được. Quan trọng là tin tưởng ở người bán. Cửa hàng này có mối ở bên Nhật nên lấy được hàng chuẩn… cứ yên tâm”.

Mặc dù thế, theo quan sát của phóng viên, các hộp sữa ngoại (xách tay) hay nhập khẩu của cửa hàng chị H. đều không có nhãn phụ tiếng Việt kèm theo. Trong khi đó, theo Nghị định 43 về nhãn hàng hóa trên bao bì sản phẩm, đối với các sản phẩm nhập khẩu, trên bao bì đều bắt buộc phải có nhãn phụ tiếng Việt (nội dung tương ứng với nhãn gốc), đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về đơn vị phân phối (nhập khẩu). Điều này sản phẩm sữa cho trẻ em tại cửa hàng của chị H. hoàn toàn không hề có.

Không ít trường hợp, các lực lượng chức năng đã “bóc trần” thủ đoạn làm giả hàng ngoại ngay từ trong nước để trà trộn bán cùng “hàng xách tay”. Cả 2 loại hàng hóa này giống nhau ở chỗ là không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Nếu nhìn ở các nước, quy định pháp luật của họ rất nghiêm minh, chặt chẽ và rõ ràng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thực phẩm, sức khỏe, dinh dưỡng và quyền lợi của trẻ em. Ở Việt Nam, theo các chuyên gia nhận định, các quy định của pháp luật đều có nhưng còn lỏng lẻo, đặc biệt việc thực thi rất khó.

Bởi thế, nếu không cẩn thận khi mua phải hàng không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng là người thiệt thòi nhiều nhất, chịu tổn hại rất nặng nề về cả sức khỏe cũng như tổn hại về kinh tế.

Hàng loạt vụ nhập lậu sữa giả bị phanh phui

Còn nhớ tháng 3/2015, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận 10 Tp. Hồ Chí Minh đã triệt phá một cơ sở sản xuất sữa giả nhái các nhãn hiệu nổi tiếng dành cho phụ nữ có thai và trẻ em trong đó có sữa thành phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng như Ensure gold, Glucerna, Ensure grow…

Đối tượng khai nhận mua sữa rẻ tiền trôi nổi trên thị trường và thu gom lon sữa cũ của các nhãn hiệu nổi tiếng ở các vựa ve chai mang về pha chế, rồi đóng gói mang bỏ cho các đại lý bán sữa kiếm lời.

Tiếp đó, tháng 6/2015, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã ra quyết định khởi tố Cty TNHH Bảo Cửu Phong (Bình Dương) về hành vi buôn lậu hơn 7.800 thùng thực phẩm bổ sung sữa, gồm: 7.664 thùng thực phẩm bổ sung sữa Ensure hương vani (hiệu Abbott) và 200 thùng thực phẩm bổ sung sữa Glucerna hương vani (hiệu Abbott), xuất xứ Mỹ.

Thực tế, nhiều năm qua, tại Trung Quốc cũng thường xuyên xảy ra các vụ làm sữa giả, sữa kém chất lượng, đặc biệt là sữa bột công thức dành cho trẻ em ở quy mô lớn, không chỉ tổn hại đến lòng tin của người tiêu dùng, gây tác hại khôn lường đến sự phát triển của trẻ nhỏ mà còn làm hoang mang dư luận trong và ngoài nước này.

Điển hình là sự kiện hồi năm 2004, 179 em bé ở tỉnh An Huy, Trung Quốc được chẩn đoán mắc hội chứng đầu to và 13 em bé đã thiệt mạng vì suy sinh dưỡng lâu ngày do uống loại sữa được các cơ sở sản xuất sữa giả, sữa kém chất lượng ở nước này sản xuất.

Hay vụ phát hiện hơn 700 tấn sữa bột nhiễm melamine, một chất hoá học độc hại sử dụng trong các sản phẩm nhựa, phân bón và hoá chất làm sạch trong các sản phẩm sữa công thức của Công ty Sanlu (Trung Quốc) hồi năm 2008.

Mới đây, dư luận Trung Quốc xôn xao trước bê bối sữa giả sau khi Tòa án Nhân dân Trung cấp số 3 thành phố Thượng Hải ngày 28/7 đã tuyên phạt 11 kẻ tham gia đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa công thức trẻ em giả mạo, giá rẻ, chất lượng thấp (15.000 hộp sữa công thức trẻ em giả mạo thương hiệu Abbott và 9.000 hộp sữa công thức trẻ em giả mạo thương hiệu Beingmate) với mức án từ 3 đến 15 năm tù giam.

Tình trạng sữa giả, sữa kém chất lượng tại Trung Quốc trên khiến người tiêu dùng Việt Nam lo lắng, bởi rất có thể số sữa giả được đóng trong vỏ hộp của các thương hiệu nổi tiếng có thể dễ dàng tuồn vào Việt Nam qua các con đường khác nhau.

Thực phẩm gây táo bón kéo dài ở trẻ em bà mẹ đã biết?(VietQ.vn) - Trẻ nhỏ thường xuyên bị táo bón phần lớn do chế độ ăn không khoa học, ngoài ra còn có một số thực phẩm ít chất xơ khiến trẻ bị táo bón mà bà mẹ không hề hay biết.

Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình

Đứng trước thực trạng sữa giả, sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ ngang nhiên bày bán công khai trên thị trường, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Người tiêu dùng tuyệt đối không nên tin dùng các sản phẩm được quảng cáo là “hàng xách tay” bởi sản phẩm không được kiểm chứng của cơ quan quản lý Nhà nước nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

“Khi mua bất kỳ một sản phẩm nào, người tiêu dùng cần đề nghị nhà phân phối cho xem giấy phép của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm cấp cho sản phẩm đó hoặc tự tra thông tin sản phẩm qua trang website chính thức của Cục An toàn thực phẩm để biết sản phẩm đang mua có được cấp phép không và có thực sự là hàng chính ngạch không” – Ông Phong nhắn nhủ với những người tiêu dùng thông thái để tránh mua phải hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng.

Đại diện cho các doanh nghiệp chuyên phân phối các mặt hàng cho trẻ em, bà Phạm Thị Thu Hương – Giám đốc ngành hàng FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) của chuỗi bán lẻ mẹ và bé Bibo Mart cũng chia sẻ: “Mỗi loại sữa ngoại khi nhập khẩu vào Việt Nam đều có một công ty được các hãng sản xuất ủy quyền phân phối chính thức. Các nhà phân phối sẽ phải cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lương sản phẩm bao gồm: Giấy phép nhập khẩu và Bộ chứng từ Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do Bộ Y tế cấp”.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để người tiêu dùng kiểm định được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, bà Hương cho biết: “Có thể việc yêu cầu các đơn vị xuất trình các giấy tờ liên quan đến Giấy phép nhập khẩu và giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm sẽ mất thời gian và không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cách hiệu quả nhất để người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm sữa mình mua là yêu cầu các cửa hàng xuất hóa đơn Giá trị gia tăng (hóa đơn đỏ). Bởi đây là chứng từ rõ ràng nhất chứng minh đơn vị đó minh bạch được nguồn gốc đầu vào và đầu ra của sản phẩm họ bày bán.”

Tiếp theo, các ba mẹ cần kiểm tra sản phẩm sữa đó có đầy đủ tem, nhãn, mác, tem phụ bằng tiếng Việt hay không. Điều này thể hiện sản phẩm đó được nhập khẩu vào Việt Nam qua công ty nào và đã được qua các cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm tra, cho phép kinh doanh trên thị trường, bà Hương cho biết thêm.

Thiết nghĩ, đối với mặt hàng sữa trẻ em, vì có liên quan trực tiếp tới sức khỏe của trẻ, nên khi lựa chọn sản phẩm sữa cho con, các bà mẹ cần đến các địa chỉ uy tín, minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, có sự đảm bảo về chất lượng của sản phẩm. Đây là điều tối cần thiết mà các bà mẹ cần lưu ý.

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang