Thị trường thức ăn nhanh: Doanh nghiệp Việt yếu thế?

author 11:20 05/09/2012

(VietQ.vn) - Được đánh giá là thừa tiềm năng nhưng dường như các thương hiệu đồ ăn nhanh của Việt Nam vắng bóng hoặc không thể cạnh tranh được với những thương hiệu ngoại như KFC (Mỹ), Lotteria (Hàn Quốc), Jollibee (Philippines).

Với mức tăng trưởng 26 - 30% mỗi năm, thị trường thức ăn nhanh (fast food) đang trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong các ngành hàng tiêu dùng thực phẩm hiện nay. Tuy nhiên, miếng bánh thị phần này đang nằm trọn trong tay các thương hiệu ngoại như KFC (Mỹ), Lotteria (Hàn Quốc) Jollibee (Philippine) khi họ chiếm chiếm từ 60 - 80% fastfood các loại; các thương hiệu fastfood của Việt Nam vắng bóng hoặc không thể cạnh tranh được với những thương hiệu ngoại.

Mặc dù đại đa số người dân vẫn chọn các loại phở, bánh canh, xôi và cháo các loại làm thức ăn nhanh ưa thích của mình nhưng theo khảo sát năm 2010 của Neilsen Việt Nam, có đến 42% trong số người được hỏi muốn ăn fastfood. Tại Việt Nam, 86% số người sử dụng fastfood ở nhóm tuổi 20-35, trong đó độ tuổi 20 - 30 thường xuyên sử dụng, chiếm 76%. Cũng theo nhận định, thị trường Việt Nam hiện có hầu hết các thương hiệu fastfood nổi tiếng thế giới và các đô thị lớn đang trở thành tâm điểm của cuộc chiến thị trường.

Các doanh nghiệp Việt dường như yếu thế hơn khi cạnh tranh với thương hiệu đồ ăn nhanh nước ngoài

“Dự khán sân nhà”

Kể từ năm 1997, khi chính thức xâm nhập thị trường Việt Nam, tên tuổi gà rán KFC khá mờ nhạt và chưa được người tiêu dùng (NTD) biết đến. Tuy nhiên, sau một quãng thời gian khá dài, thậm chí phải mất 7 năm chịu lỗ, KFC ngày nay đã chứng tỏ là một trong những thương hiệu fastfood hàng đầu thị trường Việt Nam. Năm 2011 mạng lưới nhà hàng KFC đã lên đến lên 100 và số lượng khách hàng hiện nay đã tăng gấp đôi so với các năm trước.

Cùng với KFC, hãng thức ăn nhanh đến từ Hàn Quốc là Lotteria cũng đang ráo riết chuẩn bị cho việc mở thêm những cửa hàng mới. Đến nay, Lotteria cũng đã mở cửa hàng thứ 100 tại Việt Nam. Xét về cơ cấu thị trường, hiện KFC có thế mạnh về gà rán khi sở hữu trên 60% thị phần, trong khi Lotteria chiếm 60-70% bánh hamburger, còn lại chia đều cho các thương hiệu bánh pizza, mì spaghetti. Không kém cạnh các tên tuổi khác, Jollibee (thương hiệu fastfood nổi tiếng Philippines) cũng vừa mới khai trương cửa hàng thứ 30 tại Việt Nam. Trả lời báo chí, đại diện của ba thương hiệu fastfood trên đều khẳng định sẽ mở rộng đại lý chính thức và cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam lên con số hàng trăm và bao phủ khắp các thành phố, thị xã.

Mặc dù không có ý định nhượng quyền thương hiệu song KFC và Lotteria đã và đang xây dựng kế hoạch mở các kênh phân phối và địa điểm kinh doanh khá đắc địa tại các thành phố lớn. Trong khi đó, thương hiệu Jollibee chủ trương vừa mở rộng kênh phân phối vừa phát triển nhượng quyền thương mại lên tới 500 cửa hàng chính thức và nhượng quyền tại Việt Nam trong vòng 2 năm tới. Đây quả là những bước đi táo bạo cho thấy các DN nước ngoài đang nhìn nhận ra tiềm năng to lớn của thị trường này. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, sự cạnh tranh sẽ trở nên ngày càng khốc liệt hơn nhất là về: vị trí, tính đa dạng sản phẩm và niềm tin khách hàng.

Bên cạnh đó, một năm trở lại đây, thông tin các hãng fastfood lớn của Mỹ và Hàn Quốc tham gia khảo sát thị trường Việt Nam để đưa kênh phân phối và nhượng quyền thương hiệu kinh doanh fastfood ngày càng làm cho ngành này trở nên hot hơn bao giờ hết, trong đó phải kể đến là Burger King, Popeye’s của Mỹ, Subway của Hàn Quốc… thậm chí, sự trở lại của McDonald’s – thương hiệu fastfood nổi tiếng của Mỹ sau khi rời Việt Nam năm 1995 đã khiến nhiều chuyên gia cho rằng, fastfood đang trở thành ngành kinh doanh có nhiều kì vọng và có mức tăng trưởng vượt lên trên cả ngành bán lẻ trong thời gian tới.

Thừa tiềm năng, thiếu khả năng!

Hiện thức ăn nhanh Việt Nam được đánh giá khá cao về sự đa dạng và mẫu mã khi vỉa hè và lòng lề đường phố la liệt những quán hàng ăn, trong đó đặc biệt là các thức ăn truyền thống như phở, xôi các loại, cơm… Tuy nhiên, để biến những sản phẩm này trở thành đối thủ cạnh tranh đối với các thương hiệu fastfood là điều không dễ.

Thực tế thời gian qua đã có nhiều DN đầu tư vào phát triển chuỗi cửa hàng fastfood tại Tp HCM và Hà Nội, điển hình là Phở 24, Bánh mỳ TA, hay chuỗi cửa hàng K-Do của Công ty Bánh Kinh Đô Sài Gòn chuyên phục vụ cà phê, bánh theo kiểu mô hình thức ăn nhanh, sandwich, pizza, hamburger và các loại thức uống. Mới đây, ngày 25/7, tại Trung tâm thương mại The Garden (Hà Nội), VietMac đã khai trương điểm bán thứ 5 và cho ra đời thêm món mới: cơm kẹp thịt đà điểu (ostrich rice-burger) và đến ngày 28/7 thương hiệu này cũng chính thức khai trương điểm bán thứ sáu sản phẩm cơm kẹp “made in Vietnam” tại khu ẩm thực tầng 6 Trung tâm thương mại Parkson (Thái Hà, Hà Nội), tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển chuỗi cửa hàng fastfood thương hiệu Việt. Tuy nhiên, số lượng khách đến với những cửa hàng này chưa nhiều và việc tiếp thị, không thể cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu ngoại về chi phí quảng cáo và truyền thông.

Theo ghi nhận của nhiều NTD, điểm hạn chế của các sản phẩm nước ngoài là hầu hết đều là khẩu vị của các quốc giá phương Tây, cay nóng và có độ ngọt, béo cao, không phù hợp với khẩu vị của đa số người Việt. Thực tế, gà rán KFC, Hamburger hay bánh mỳ ngọt… chỉ ăn nhẹ hoặc thỉnh thoảng ăn còn có thể, nếu ăn liên tục, hoặc cách nhật ăn thì khó có thể nuốt trôi. Bên cạnh đó, để thưởng thức những fastfood, NTD cũng phải bỏ ra khá nhiều tiền so với các thức ăn bình dân.

Các món ăn dân dã của Việt Nam, có truyền thống tuy nhiên, để đưa chúng trở thành những món fastfood không phải không có trở ngại. “Tôi không nghĩ là các thức ăn của fastfood thương hiệu nước ngoài ngon hơn thức ăn Việt, nhưng một điều tôi chắc chắn rằng nhiều người đến với chúng tôi là bởi thương hiệu và mong muốn giao lưu về ẩm thực. Ngồi tại Việt Nam họ có thể ăn gà rán của Mỹ sản xuất theo công nghệ và cách làm của người Mỹ; xem những bộ phim ngắn giới thiệu về đất nước, con người Mỹ. Chúng tôi hơn các DN Việt ở chiến lược marketing chiều sâu - gắn thương hiệu với xu hướng giao lưu và hội nhập giữa các nền văn hóa” ông Pomchai thuratum - Tổng giám đốc KFC Việt Nam, chia sẻ.

Thức ăn Việt như Phở 24h làm nức lòng người dân Châu Âu và người Âu phải xếp hàng dài đợi mua vậy tại sao, ở Việt Nam Phở 24h đối với người tiêu dùng Việt chưa có dấu ăn đậm nét và phải chăng câu chuyện “bụt chùa nhà không thiêng” đang diễn ra đối với fastfood Việt. “Kinh doanh fastfood tại Việt Nam những năm 2000 trở về trước là vô cùng khó khăn, lúc ấy, khái niệm về fastfood chưa được hiểu và chưa được biết đến và cũng ít được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Trong những năm gần đây, cụ thể từ những năm 2005 trở lại đây, fastfood mới thực sự phát triển ở các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội. Giai đoạn khó của thị trường là khi NTD không có khái niệm thương hiệu, ăn theo thương hiệu và sử dụng đồ ăn theo trào lưu, xu hướng. Nhưng đến nay, thưởng thức ẩm thực theo thương hiệu nước ngoài, theo trào lưu rất được mến mộ và nó đã trở thành xu hướng trong một bộ phận giới trẻ và những NTD thị thành, những người có nhu cầu giao lưu và tiếp xúc văn hóa cao hơn”, ông Nguyễn Thành Dương - Giám đốc điều hành VietMac.

Để fastfood Việt không chỉ còn là tiềm năng, theo các chuyên gia trong ngành thực phẩm thì các DN nên chọn cho mình những sản phẩm đặc trưng, có giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa và hướng đến một bộ phận khách hàng trọng tâm và khách hàng tiềm năng. Các DN cần đặt câu hỏi tại sao đa số người dân đô thị thích ăn những món ăn nhanh truyền thống như phở, bún, cháo và xôi các loại mặc dù trên vỉa hè và lòng đường mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Các thương hiệu fastfood có tiếng đã đi đến từng đường phố chính của Việt Nam rồi thì ngửa mặt cùng đối chọi với họ trên cùng một sản phẩm, cùng cạnh tranh một đối tượng khách hàng thì chắc chắn chúng ta thua.

Năm 2009, tổng doanh thu thị trường fastfood Việt Nam đạt 500 tỷ đồng, năm 2010 đạt 869 tỷ đồng và năm 2011 đạt 870 tỷ đồng.

Tuyền Nguyễn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang