Thị trường văn phòng cho thuê dự báo bứt phá kỉ lục trong năm 2019

author 16:10 08/10/2018

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản về tình hình hoạt động, chuyển biến của thị trường văn phòng cũng như sự cần thiết đối với việc cân nhắc cẩn trọng chi phí văn phòng dành cho khách thuê tại Việt Nam.

Theo đó, ông Adam Evennett, Giám đốc khu vực Hồng Kong (TQ) của Savills cho rằng: “Trong suốt nửa đầu năm 2018, tình hình cho thuê phân khúc văn phòng hạng A trong khu vực vẫn duy trì hiệu suất cao, dẫn đầu là khu vực Hồng Kong (TQ) và Tokyo (Nhật), với giá thuê không ngừng gia tăng. Rủi ro của thị trường khu vực bao gồm thỏa thuận trung tâm và ngoài trung tâm, độ nhạy cảm về giá cả cũng như sự linh hoạt”.

Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc – Savills Vietnam nhận định: “Sau khi đạt mức tăng trưởng hơn 7% vào năm 2017, thị trường văn phòng Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững mức phát triển vào năm 2018 và được kì vọng vào sự bứt phá kỉ lục trong năm 2019 cũng như thời gian tới. Việc phân tích nhu cầu văn phòng, vạch ra kế hoạch phía trước và quản lý chi phí thuê tương lai một cách hiểu quả chính là những điểm cốt yếu mà khách thuê cần quan tâm thực hiện”.

Thị trường văn phòng cho thuê của Việt Nam sẽ bứt phá kỉ lục trong năm 2019

 Thị trường văn phòng cho thuê của Việt Nam sẽ bứt phá kỉ lục trong năm 2019. Ảnh minh họa.

Còn với bà Từ Thị Hồng An - Phó Giám đốc bộ phận Cho Thuê thương mại Savills TP.HCM tin tưởng rằng mảng văn phòng tại Việt Nam đang sở hữu tiềm năng phát triển chưa từng có.

Theo đó, bà An nhận xét: “Thị trường Việt Nam có nhiều khả năng để phát triển những dự án văn phòng tinh tế, phù hợp và bắt nhịp với các xu thế lớn trên toàn cầu hiện nay. Từ thiết kế, nguồn lực, đến chức năng của văn phòng đều sẽ hoàn toàn thay đổi trong những năm tới. Nếu như chúng ta chú ý đến những yếu tố thúc đẩy nhu cầu và những yêu cầu, điều kiện của khách thuê hiện đại thì cơ hội thật sự là vô tận”

Ông Yann Deschamps - Trưởng thương hiệu Workthere khi nói về thị trường văn phòng cho thuê tại Việt Nam cũng khẳng định rằng, sự bùng nổ của mô hình coworking space cũng đã đặt ra một dấu ấn và cột mốc mới cho thị trường văn phòng.

“Co-working không chỉ là việc chia sẻ kết cấu hạ tầng hay chi phí mà còn là việc hòa nhập và thuộc về một cộng đồng. Không gian ở đây được thiết kế để mang đến môi trường làm việc hiệu quả, hợp tác cho các thành viên cá tính, năng động, thoát khỏi sự gò bó thông thường – điều mà mọi người hay hình dung về văn phòng truyền thống”, ông Yann Deschamps chia sẻ.

Ông Deschamps cũng bổ sung rằng, “vương quốc” mang tên coworking thật sự đã tiến hóa tại châu Á, nhanh chóng hơn bất kì nơi đâu trên thế giới. Riêng tại Đông Nam Á, mô hình không gian làm việc linh hoạt sẽ chiếm khoảng 15% toàn bộ nguồn cung văn phòng khu vực này cho đến năm 2030.

Đơn cử như tại Hong Kong (TQ), đã có hơn 300 khu văn phòng làm việc linh hoạt, trong khi Singapore sở hữu khoảng 176 đơn vị. “Ngũ đại” thương hiệu bao gồm TEC, Regus, CEO Suite, WeWork, và Fast Five đạt tới 80% diện tích của mô hình coworking space và serviced office (văn phòng dịch vụ) tại Seoul, trong khi Kuala Lumpur (Malaysia) chỉ có khoảng 100 trung tâm điều hành bởi hơn 60 đơn vị vận hành. Từ đây, những thương hiệu lớn cũng đang tìm kiếm thị trường mới mà điểm đến là Vietnam, Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia).

Tại Việt Nam, số lượng coworking space đã tăng trưởng đến 62% trong năm 2017, một phần bởi sự nở rộ của phong trào start-ups (khởi nghiệp) và nhu cầu cho không gian với chi phí hiệu quả. Sự tham gia của đơn vị vận hành quốc tế như Atlas tại Alpha Town sẽ đánh dấu khởi đầu giai đoạn của việc thỏa thuận và M&A (mua bán-sáp nhập).

Cuối cùng, nửa đầu 2018 cũng chứng kiến tình hình hoạt động của phân khúc văn phòng tại Việt Nam với tỉ lệ lấp đầy kỉ lục nhờ nhu cầu khách thuê lớn, nguồn cung mới hạn chế và sự tăng trưởng giá thuê nhanh chóng.

 Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang