Thiết bị giám sát hành trình: Lắp cho có!

author 06:54 23/04/2013

(VietQ.vn) - Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay có gần 100% phương tiện từ xe chở khách theo tuyến cố định hay xe tải, xe buýt đều đã được các doanh nghiệp vận tải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sử dụng tính năng của thiết bị này để phục vụ công tác quản lý.

Việc lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình xe khách là một bước ngoặt trong công tác quản lý vận tải. Tuy nhiên có một thực tế, những vụ tai nạn giao thông trên các phương tiện vận tải lắp đặt thiết bị giám sát vẫn thường xảy ra.

 

Tại cuộc kiểm tra mới đây của đoàn Thanh tra, Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, hầu hết các thiết bị giám sát đều được lắp đặt trong táp lô xe khách. Như vậy, thiết bị có phát ra âm thanh cảnh báo xe đi vượt quá tốc độ hoặc đi sai làn đường lái xe cũng rất khó nhận biết. Đáng nói hơn là qua đợt kiểm tra vừa qua, đoàn Thanh tra đã phát hiện nhiều thiết bị được lắp đặt, nhưng lại không đảm bảo các tính năng như quy định.

Lắp không đúng vị trí nên hộp đen không phát huy tác dụng.
Lắp không đúng vị trí nên hộp đen không phát huy tác dụng. (Ảnh minh họa)

Qua việc kiểm soát hành trình điểm dừng xe, điểm đỗ và đặc biệt là kiểm tra tốc độ xe, thiết bị giám sát hành trình là một giải pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Song với cách sử dụng thiết bị của nhiều doanh nghiệp như hiện nay, nguy cơ mất an toàn giao thông của các phương tiện chở khách vẫn luôn tiềm ẩn.

Việc kiểm soát, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới chỉ được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm. Tuy nhiên, cơ quan đăng kiểm lại không được giao kiểm tra việc lắp đặt thiết bị có đáp ứng được quy chuẩn công bố hay không. Rõ ràng những quy định về vận hành và sử dụng thiết bị cần sớm được hoàn chỉnh, bổ sung để tránh tình trạng các đơn vị vận tải chỉ làm đối phó, chiếu lệ như hiện nay. 

Không những thế nhiều thiết bị giám sát hành trình xe khách không có dấu hợp quy. Qua kiểm tra tại bến xe Mỹ Đình, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 3 thiết bị của nhà cung cấp Skysoft không có dấu hợp quy, không trích xuất được dữ liệu đầy đủ, thậm chí rút nguồn điện nhưng đèn vẫn báo. Đoàn cũng đã kiểm tra 7 nhà cung cấp và 10 doanh nghiệp vận tải lắp đặt thiết bị. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều thiết bị lỗi cổng kết nối, hiển thị tín hiệu; thiết bị không có mục hướng dẫn nên lái xe không nắm được cách sử dụng và truy nhập thông tin.

Theo ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, đợt kiểm tra kéo dài trong 3 thàng và chia làm 3 đợt, bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 6/2013. Sau đợt kiểm tra này, cơ quan chức năng sẽ công khai các nhà cung cấp uy tín để các doanh nghiệp vận tải biết. Các thiết bị chưa trích xuất đầy đủ thông tin, sẽ phải bổ sung. Những nhà cung cấp và đơn vị thử nghiệm yếu kém, nhiều vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ, thậm chí đề nghị rút giấy phép. Sau khi kết thúc kiểm tra tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp thiết bị ở TP.HCM, Đồng Nai và Đà Nẵng.

T.H

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang