Thiết bị hỏng do cắt điện chập chờn: Dân có kiện điện lực được không?

author 11:29 07/07/2015

(VietQ.vn) - Tủ lạnh nhà tôi bị hỏng do điện lực Nam Từ Liêm thường cắt điện đột ngột. Xin hỏi, tôi có thể kiện điện lực Nam Từ Liêm được không?

Đó là câu hỏi của anh Nguyễn Văn Khoa (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) về việc khu vực anh ở thường bị mất điện đột ngột, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như các thiết bị điện trong gia đình.

tủ lạnh hỏng do điện chập chờn

Cắt điện đột ngột khiến đồ điện rất dễ bị hỏng. Tuy nhiên, thường thì người dân chịu thiệt chứ không biết kêu ai. Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên VietQ.vn, Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp, cho biết nội dung quan tâm của anh Khoa được quy định tại Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31/10/2013 của bộ công thương về Quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện. Theo đó, sự việc anh Khoa hỏi liên quan tới việc tranh chấp hợp đồng mua bán điện.

Điều 25, Thông tư 27 quy định: Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện phải căn cứ vào thỏa thuận tại hợp đồng đã ký giữa bên mua điện và bên bán điện. Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương chỉ giải quyết tranh chấp trong trường hợp hai bên không tự thương lượng được và có thỏa thuận đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết.

* Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện được quy định tại Điều 26, Thông tư số 27 như sau:

1. Trước khi đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp, các bên phải tiến hành tự thương lượng.

2. Trường hợp tự thương lượng không thành, một bên hoặc hai bên có quyền gửi văn bản đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền.

3. Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp

a) Văn bản đề nghị giải quyết tranh chấp;

b) Biên bản làm việc hoặc tài liệu khác chứng minh tranh chấp không tự giải quyết được;

c) Bản sao hợp lệ Hợp đồng mua bán điện;

d) Giấy phép hoạt động điện lực (nếu có);

đ) Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu giải quyết tranh chấp là có căn cứ và hợp pháp;

e) Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc.

4. Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm thông báo tới các bên liên quan về việc tiếp nhận xử lý tranh chấp, yêu cầu các bên liên quan cung cấp hồ sơ tài liệu; kiểm tra thực tế (trong trường hợp cần thiết) và xác minh hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp từ chối đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Chậm nhất sau 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức họp hòa giải và ra kết luận giải quyết tranh chấp.

Đối với vụ việc có tính chất phức tạp, việc tổ chức họp hòa giải và ra kết luận giải quyết tranh chấp không quá 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

6. Nếu một trong hai bên không nhất trí với kết luận của Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương thì có quyền đưa ra Trọng tài thương mại hoặc khởi kiện tại Tòa án để giải quyết.

Ngoài các quy định trên, Luật sư Cường cho biết, người sử dụng điện có thể khởi kiện tới tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh được thiệt hại đã phát sinh trên thực tế; Đồng thời cần chứng minh rằng những thiệt hại đó là do bên kia gây ra. Mức bồi thường sẽ trên cơ sở thiệt hại thực tế phát sinh.

Thiệt hại khi bên cung cấp điện vi phạm đôi khi không chỉ là những hư hỏng của thiết bị, mà còn những thiệt hại liên quan đến sản xuất, kinh doanh do mất điện đột ngột, không báo trước.

Tuy nhiên Luật sư Cường cũng lưu ý rằng: “nếu khởi kiện tranh chấp hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo thủ tục tố tụng dân sự mà bên khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không chứng minh được thiệt hại thực tế đã xảy ra do lỗi của bên kia thì tòa án sẽ bác yêu cầu khởi kiện, khi đó người khởi kiện sẽ mất khoản tiền án phí tương đương khoảng 4-5% giá trị số tiền mà người đó yêu cầu bồi thường. Do vậy, người sử dụng điện nên cân nhắc giá trị chứng minh của các chứng cứ khi có yêu cầu bồi thường”.

Người dân không ngại kiện ngành điện nhưng rào cản lớn nhất theo luật sư Thêm, Công ty Luật Đại Việt thì đó là qui định trong trường hợp cắt điện do bất khả kháng, bên bán điện được miễn trách nhiệm bồi thường. “Trong thực tế, việc “đổ tội” cho sự cố bất khả kháng không có cơ quan nào giám sát, kiểm chứng độc lập điều đó thì người dân cũng đành chịu. Được biết hiện nay khi có sự cố thì chính ngành điện biết với nhau và người dân chỉ được thông báo lại, vì thế rất dễ có chuyện cắt bừa vẫn bảo là cắt vì sự cố’- Luật sư Thêm nói.

Dẫn chứng cho điều đó, một cán bộ của Tổng Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội cho rằng: “Đợt nắng nóng đỉnh điểm trong tháng 6 vừa qua, Hà nội cắt điện khiến người dân phản ứng dữ dội. Nhưng giải thích của điện lực Hà Nội là cắt theo kế hoạch để nâng cấp hệ thống, chuẩn bị cho mùa mưa bão…Trong ngành phục vụ như ngành nước chúng tôi, không thể chấp nhận giải thích đó, không thể có kế hoạch cắt điện để nâng cấp hệ thống vào thời điểm nắng nóng gay gắt như thế. Có nghĩa là kiểu gì ngành điện cũng nói được, dân kiện vào đâu được”.

Thực tế, khi bị cúp điện người dân phải chịu nhiều thiệt hại nhưng điện lực thường có rất nhiều lí do "chính đáng". Hơn nữa, để tính thành tiền những thiệt hại đó thì không đơn giản. Kiện để đòi được số thiệt hại này lại là chuyện khó hơn nhiều. Vì vậy, người dân hầu như ít nghĩ đến chuyện kiện ngành điện. Và cứ thế, dân còn bị thiệt hại dài dài.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang