Thiệt hại từ đợt rét kỷ lục tăng lên từng giờ

author 05:45 27/01/2016

(VietQ.vn) - Đợt rét kỷ lục đã làm hơn 700 con gia súc bị chết, hàng nghìn ha nông nghiệp bị thiệt hại. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu ban đầu.

Trâu bò chết rét hàng loạt vì rét kỷ lục

Ban chỉ đạo Phòng chống Thiên tai (PCTT) cho hay, do không khí lạnh tăng cường, tại các tỉnh miền núi xảy ra rét đậm, rét hại, nhiều địa phương có thời tiết ở mức rét kỷ lục, kèm theo mưa tuyết trên diện rộng đã gây thiệt hại về cây trồng, vật nuôi.

Rét kỷ lục làm trâu bò chết hàng loạt

Rét kỷ lục làm trâu bò chết hàng loạt tại các tỉnh miền núi cao

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La và Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đợt rét kỷ lục đã làm 773 con gia súc bị chết. Trong đó, Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nhất với 217 con gia súc bị chết, Lào Cai 174 con. Các tỉnh Lai Châu: 46 con, Yên Bái: 36 con, Sơn La: 89 con, Điện Biên: 68 con, Lạng Sơn: 7 con, Yên Bái: 22 con, Hòa Bình: 106 con, Bắc Giang: 21 con, Bắc Kạn: 9 con.

Mưa tuyết, bằng giá cũng làm hàng nghìn ha nông nghiệp bị thiệt hại. Cụ thể, gần 3.000 ha hoa mầu và 217 ha cây công nghiệp ngắn ngày tại Lào Cai bị thiệt hại. Theo  Ban chỉ đạo Phòng chống Thiên tai, đó là chưa kể con số các tỉnh khác hiện đang thống kê, chưa có số liệu cụ thể.

Đợt rét kỷ lục cũng làm nhiều đoạn dây điện tại các tỉnh vùng núi cao bị đứt, gẫy. Cụ thể, 9 xã tại các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Thuận Châu, tỉnh Sơn La phải ngừng cấp điện do mưa, tuyết rơi, đóng băng làm nhiều đoạn trên đường dây 35KV bị đứt dây, gẫy cáp.

Về giao thông, mưa tuyết khiến đường trơn trượt khiến giao thông đi lại của người và phương tiện gặp nhiều khó khăn. Sở Giao thông Vận tải và Công an các tỉnh đã phối hợp tổ chức phân luồng, hướng dẫn và triển khai các biện pháp đảm bảo giao thông qua khu vực trọng điểm bị ảnh hưởng bởi mưa, băng tuyết. Hiện tại quốc lộ 4D khu vực Thác Bạc tới đèo Ô Quy Hồ, tỉnh Lào Cai, khu vực giáp địa phận tỉnh Lai Châu, do có băng tuyết, không đảm bảo an toàn nên có khoảng 30 xe tải và xe khách phải đỗ ở khu vực này.

Riêng tại Lào Cai, một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, riêng huyện Sa Pa có 80 con đại gia súc bị chết, huyện Văn Bàn 56 con. Đây là hai huyện có nhiều gia súc bị chết rét nhất, các huyện khác rải rác cũng gia súc bị chết do không chịu được thời tiết khắc nghiệt. Ngoài ra, còn hàng nghìn diện tích nông nghiệp, nhiều diện tích thảo quả… bị thiệt hại và có nguy cơ mất trắng. Theo ước tính ban đầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, tổng thiệt hại của tỉnh Lào Cai khoảng 30 tỷ đồng.

Nhiều đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo chống rét kỷ lục

Theo ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo PCTT, để đối phó với đợt rét kỷ lục trong lịch sử này, về phía Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống rét đậm, rét hại, công điện của Ban chỉ đạo PCTT Trung ương.      

Đặc biệt, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thường xuyên liên hệ, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp phòng tránh rét, đặc biệt với người và gia súc, theo dõi chặt chẽ và chuyển kịp thời các bản tin về gió mùa Đông Bắc, rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển cho các địa phương để chủ động phòng, tránh. Ban chỉ đạo PCTT đã cử đoàn công tác đến các tỉnh Lào Cai và Lai Châu trực tiếp phối hợp chỉ đạo công tác ứng phó với rét đậm, rét hại.

UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc đã chỉ đạo các cấp các ngành quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống rét cho người, cây trồng và vật nuôi theo nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai. Các tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp xuống các xã, thôn bản để vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại cho người và gia súc.

Đặc biệt, tình hình rét đậm, rét hại được dự báo còn kéo dài hết tháng 1/2016. Do đó, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa yêu cầu các địa phương chủ động điều tiết mùa vụ, theo dõi thời tiết để xuống giống, không để xảy ra lúa chết, cây trồng thiệt hại.

Đối với công tác chống rét cho gia súc gia cầm, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đề nghị các địa phương cần cử các đoàn công tác đi hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống đói rét cho vật nuôi. “Chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô khô như  rơm, rạ, cỏ khô và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Địa phương nào để trâu, bò chết rét do không thực hiện các yêu cầu về chống rét cho gia súc sẽ không được hỗ trợ thiệt hại”, Cục Chăn nuôi lưu ý.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang