Thiếu công nghệ xử lý rác thải nhựa thải ra biển và đại dương

author 06:51 11/12/2018

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, nhiều nhà máy tại Việt Nam hiện chưa có những công nghệ xử lý rác thải một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn với môi trường.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Ông Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng nghiên cứu biển, hải đảo Việt Nam cho biết thêm, có tới 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển và đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương và rất nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn hoặc mắc kẹt giữa các ngư cụ.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng, ô nhiễm rác thải biển là thách thức toàn cầu và cần có sự chung tay của nhân loại để giải quyết. Ảnh: báo TN&MT

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) Trần Hồng Hà nhấn mạnh, với đặc thù là một không gian liên thông, được chi phối bởi các hoàn lưu biển, ô nhiễm rác thải nhựa ở biển đã trở thành vấn đề của toàn thế giới.

“Ô nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng”, ông Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, ô nhiễm rác thải biển là thách thức toàn cầu, đòi hỏi nhân loại phải sớm chung tay hành động. Và tính đến nay, đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa bằng cách giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần nói chung, rác thải nhựa ra biển và đại dương nói riêng.

Liên quan tới vấn đề áp dụng các công nghệ để xử lý rác, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hơn 90% lượng rác ở Việt Nam được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Phương pháp này vô cùng độc hại và nguy hiểm. Rác chôn lấp khiến ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất. Rác đốt thì sinh ra chất dioxin (chất da cam) gây biến đổi gen. Trong khi đó, các nhà máy rác ở Việt Nam gần như không có phương án nào khác để xử lý rác hiệu quả.

"Việc phân loại rác ban đầu gần như không có nên các công nghệ xử lý rác hiện nay không thể đáp ứng được. Nhà máy rác rất hiện đại ở Sóc Sơn (Hà Nội) hoạt động được một tháng phải tạm ngừng vì lý do này", ông Đặng Huy Đông nói.

Theo ông Đông, hiện có nhiều đơn vị xây dựng nhà máy rác với công nghệ tiên tiến nhưng thực chất là "công nghệ ảo", không áp dụng được vào thực tế. Vậy nên, Nhà nước cần phải thị trường hóa việc đấu thầu xây dựng bãi rác. Các công ty sẽ tham gia đấu thầu công khai bằng giá và công nghệ.

"Bộ TN&MT chọn ra phương án nào thích hợp nhất thì đưa vào áp dụng trên diện rộng. Khi có nhà thầu chứng minh được công nghệ của mình hiện đại hơn thì phải tạo điều kiện cho họ áp dụng", ông Đông nhấn mạnh.

Xử lý rác thải nhựa ra biển gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Dân trí 

Về mặt giải pháp để giải quyết rác thải nhựa đại dương trên phạm vi toàn cầu, khu vực cũng như ở Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần phải xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa; có cơ chế tài chính khuyến khích chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng việc tái chế và tái sử dụng nhựa.

Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp về thông tin dữ liệu quản lý rác thải nhựa trên biển, giải pháp khoa học công nghệ...; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp thay đổi hành vi; tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa... 

Đại diện Bộ TN&MT cũng cho biết, tháng 5/2018, Việt Nam đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược điều chỉnh này đặt ra mục tiêu cần đạt được đến năm 2025 như: Thu gom, vận chuyển và xử lý 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề; 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; thay thế túi nilon khó phân hủy được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị bằng các túi nilon thân thiện với môi trường; thu gom và xử lý 80% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn.

Theo thống kê của Liên Hợp quốc, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa đổ ra các đại dương trên toàn thế giới. Con người và các công ty thải ra khoảng 100 đến 150 tỷ USD trị giá bao bì đóng gói bằng nhựa/nilon mỗi năm. Trong đó, có tới khoảng 90% các sản phẩm nhựa được làm từ nguyên liệu hóa thạch.

Bảo Lâm

Rác thải bủa vây người dân ngoại thành do nước lũ dâng caoTình hình ngập lụt tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày càng nghiên trọng khi nước lũ dâng cao không thể rút kèm theo đó là rất nhiều rác thải với nguy cơ ô nhiễm, bệnh tật.
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang