Tăng chi phí, giảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp do đâu?

author 07:01 31/07/2018

(VietQ.vn) - Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN còn hạn chế đã làm tăng chi phí, giảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Nông nghiệp có bước tiến vượt bậc

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt là 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông nghiệp nước ta đã đạt được những kết quả rất toàn diện.

Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ cao theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. Năm 2017 vừa qua, Việt Nam có hơn 9 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD gồm: Thủy sản 8,3 tỷ USD; rau quả 3,05 tỷ USD; hạt điều 3,5 tỷ USD; cà phê 3,24 tỷ USD; hạt tiêu 1,1 tỷ USD; gạo 2,6 tỷ USD, sắn và các sản phẩm từ sắn 1,03 tỷ USD; cao su, gỗ và sản phẩm gỗ. Như vậy, nhiều mặt hàng như rau quả, thuỷ sản đã vượt dầu thô về giá trị xuất khẩu.

Trong quá trình từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp, quy mô, mô hình, phương thức sản xuất nông nghiệp đã có sự thay đổi đáng kể. Ngoài quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ và hợp tác xã nông nghiệp, nhiều hợp tác xã kiểu mới đã hình thành và phát triển hiệu quả. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã thành lập doanh nghiệp (DN), ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao đáng kể năng suất, giải quyết công ăn việc làm tại chỗ.

Cùng với đó, thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Chính phủ, nhiều DN trong và ngoài nước đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cho đến nay, có thể nói DN đóng vai trò trung tâm, đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, đem lại hiệu ứng tích cực đối với kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: Bảo Lâm 

DN thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tạo việc làm, từ đó nâng cao chất lượng đời sống người lao động (phần lớn là nông dân hoặc xuất thân từ nông dân); thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ của người nông dân. Số lao động được tạo ra từ các DN có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp chiếm khoảng 32% tổng số lao động trong toàn khu vực DN. Trong đó, riêng ngành chế biến, chế tạo sản phẩm nông lâm thuỷ sản hiện có trên 4,2 triệu lao động, chiếm 30,12% tổng số lao động trong toàn khu vực DN. Thu nhập bình quân của lao động trong DN nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 5,04 triệu/tháng. Các DN cũng đã tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, nâng cao giá trị cho nông sản.

Với những phát triển ấn tượng trong sản xuất kinh doanh, các DN đầu tư vào nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước. Dù chỉ chiếm tỉ trọng thấp, chưa đến 8% tổng số DN, nhưng các DN này nộp ngân sách khoảng 16% tổng số nộp ngân sách của toàn khu vực DN. Đáng chú ý, gần đây nhiều DN FDI đã đầu tư vào nông nghiệp. Tính đến tháng 3/2018, cả nước có 512 dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp, tổng vốn đăng ký 3,4 tỷ USD, chiến 1,07% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.

Còn nhiều khó khăn

Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện tại, việc khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế, trong đó nổi cộm nhất là quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của DN. Hiện nay, DN khó tiếp cận đất đai vì phải tự thoả thuận, tự đàm phán với từng người dân. Các dự án nông nghiệp hầu hết chưa có hạ tầng ngoài hàng rào (do địa phương không có nguồn lực) nên phải tự đầu tư.

Ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp còn kém phát triển. DN phải tốn nhiều chi phí để nhập khẩu các loại máy móc, dây chuyền, trang thiết bị hiện đại. Linh phụ kiện để sửa chữa, thay thế máy nông nghiệp chưa được DN cơ khí trong nước thực sự quan tâm.

Thị trường tiêu thụ còn nhiều yếu tố chưa ổn định, thiếu bền vững. Kênh tiêu thụ theo chuỗi của các nhà bán lẻ lớn còn hạn chế. Rào cản kỹ thuật của các thị trường quốc tế, năng lực phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng, giá bán… còn hạn chế. Thậm chí cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn đi sau DN, dẫn đến tình trạng dư thừa, ứ đọng nông sản.

Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN còn hạn chế, làm tăng chi phí, giảm chất lượng sản phẩm. Chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông (đường, cảng…) còn yếu. Chưa có hệ thống dịch vụ logistics hoàn chỉnh, khép kín cho nông sản.

Bản thân các DN đầu tư vào nông nghiệp cũng còn nhiều tồn tại. Số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp còn nhỏ. Tính đến hết quý II/2018 có hơn 49.000 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số DN đang hoạt động. Việc chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất từ hộ gia đình sang HTX, DN còn chậm (9,2 triệu hộ, 6.900 HTX, 4.400 DN).

Quy mô, nguồn lực của DN đầu tư vào nông nghiệp hạn chế, trong đó, 96% DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. DN đầu tư trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1% tổng số vốn sản xuất kinh doanh của toàn khu vực DN. Kết quả sản xuất kinh doanh của DN đầu tư vào nông nghiệp chưa hiệu quả.

Bảo Lâm

Đầu tư cho nông nghiệp theo chiều sâu, dựa vào đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần phải đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, trong đó phải dựa vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng cao…
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang