Thiếu kinh phí quảng bá cho chỉ dẫn địa lý: Đó là một thiệt thòi!

authorThanh Uyên 07:16 31/01/2016

(VietQ.vn) - Không chú trọng xây dựng, bảo hộ dẫn địa lý và quảng bá cho các sản phẩm hàng hóa tại địa phương thì việc mai một đặc sản địa phương là khó tránh khỏi.

Đề cập đến vấn đề chỉ dẫn địa lý, ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, chỉ dẫn địa lý không đơn thuần là giúp người tiêu dùng nhận biết được xuất xứ địa lý của hàng hóa, chỉ dẫn địa lý còn đóng vai trò tích cực trong việc liên hệ đến chất lượng của sản phẩm, bao gồm những đặc điểm của sản phẩm mà chỉ có được do nguồn gốc địa lý của nó. 

Do đó, nếu các địa phương, doanh nghiệp không chú trọng việc xây dựng, bảo hộ dẫn địa lý và quảng bá cho các sản phẩm hàng hóa tại địa phương thì việc mai một những đặc sản địa phương là khó tránh khỏi.

Thiếu kinh phí quảng bá cho chỉ dẫn địa lý: Đó là một thiệt thòi!Ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Thưa ông, hiện nay các chính sách về phát triển chỉ dẫn địa lý có khó khăn gì không và các giải pháp để khơi thông những khó khăn đó như thế nào?

Ông Trần Việt Hùng: Chính xác là như vậy, một trong những tài sản trí tuệ có thể thấy rất là rõ là chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý chẳng qua là những đặc sản của các địa phương mang tên địa lý nào đó và nó sẽ có giá trị cao hơn sản phẩm bình thường cùng loại bởi tính chất đặc thù. Cho nên nếu ta bảo hộ tốt thì có thể thu được những giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với giá trị bình thường của sản phẩm.

Một quả bưởi ví dụ chỉ có 10.000 đồng nhưng nó có chỉ dẫn địa lý ví dụ như Năm Roi, Bình Minh hay bưởi da xanh Bến Tre chẳn hạn thì theo như tôi biết thì có thể đạt đến 70-80K/quả. Rõ ràng giá trị gia tăng của nó rất lớn. Nước mắm cũng vậy, nước mắm thường thì rất rẻ nhưng nước mắm Phú Quốc thì ngay cả trong nước và quốc tế thì đều có giá trị rất cao. Nếu chúng ta xác định được chỉ dẫn địa lý liên quan đến sản phẩm nào, thực hiện việc đăng ký bảo hộ và quản lý nó một cách tốt nhất và giai đoạn cuối là phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đấy, đảm bảo luôn luôn đạt được giá trị chất lượng và uy tín đối với sản phẩm đó thì chắc chắn sẽ mang lại giá trị rất lớn cho địa phương và cho đất nước.

Vậy tại sao hiện nay trên thực tế các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý lại chưa được vào nhiều thị trường, mặc dù nó có giá trị rất cao?

Ông Trần Việt Hùng: Tôi đồng ý với quan điểm này, cho đến nay luật pháp Việt Nam đã bảo hộ 42 chỉ dẫn địa lý, đó là một kết quả rất tốt. Nhưng đó mới chỉ chủ yếu ở khâu công nhận, còn khâu quản lý chất lượng sản phẩm vẫn còn chưa được chú trọng thực hiện tốt trong thời gian qua.

Không làm tốt khâu quản lý chất lượng sản phẩm sẽ dẫn đến tình trạng các sản phẩm khác mạo danh để bán ra thị trường gây ảnh hưởng uy tín chất lượng và sẽ làm mai một chỉ dẫn và làm cho người tiêu dùng không có lòng tin nữa. 

Một điều nữa là hiện nay quảng cáo cho chỉ dẫn địa lý còn rất hạn chế, các doanh nghiệp và địa phương đều cho rằng không có kinh phí. Đây là một thiệt thòi. Ví dụ, hồi Lạng Sơn hoặc quế Văn Yên chẳng hạn, có thể bán rất chạy trong thị trường, nhất là thị trường quốc tế nhưng rất tiếc một cái bản hiệu, banner tuyên truyền về sản phẩm tại địa phương đó không có. Ngay cả điều đơn giản như vậy không làm được thì nói gì quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng hay trong hội chợ thương mại. Cho nên nếu muốn phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý chúng ta phải có những nỗ lực mới bằng hành động chứ không phải nói bằng lời nữa.

Khi gia nhập TPP, đây sẽ là động lực để phát triển mà chúng ta không nắm được điều đó thì chắc chắn sẽ lỡ cơ hội. Không áp dụng được sự phát triển của sở hữu trí tuệ trong TPP thì Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội một lần nữa.

Thiếu kinh phí quảng bá cho chỉ dẫn địa lý: Đó là một thiệt thòi!Thương hiệu các làng nghề vẫn chưa được chắp cánh vì thiếu kinh phí quảng bá

Giả mạo thương hiệu địa phương đang là một vấn đề thực tế vì nó gây thua thiệt cho các sản phẩm được bảo hộ. Ông có các lời khuyên như thế nào cho các địa phương có thương hiệu đã được bảo hộ?

Ông Trần Việt Hùng: Cơ quan quản lý các chỉ dẫn địa lý của địa phương thường là các hiệp hội, các sở KH&CN… Quản lý đó là quản lý nội bộ nhưng cũng phải rất nghiêm ngặt nếu không sản phẩm sẽ tự làm hại chính bản thân mình. Nếu một đơn vị làm không đồng bộ, có những người làm không tốt, chất lượng kém nhưng vẫn cố để gắn mác mạo danh thì sẽ làm mai một chỉ dẫn địa lý. Nếu nơi khác không có chỉ dẫn địa lý mà chỉ sang cái chỉ dẫn địa lý thì một lần nữa lại làm mất lòng tin vào chỉ dẫn địa lý.

Ở đây vài trò kiểm soát chính là các cơ quan chức năng trong hình thức thực thi quyền bao gồm Quản lý thị trường, Công An kinh tế…và sự quyết tâm của chính địa phương sở hữu chỉ dẫn địa lý trong việc ngăn chặn tình trạng mạo danh của các sản phẩm đã được bảo hộ.

Việc minh bạch nguồn gốc, truy xuất nguồn gốc của các nông sản Việt Nam khi tham gia thương mại toàn cầu có những khó khăn như thế nào đối với các thương hiệu địa phương, sản phẩm địa phương?

Ông Trần Việt Hùng: Hiện nay việc truy xuất nguồn gốc liên quan đến các cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan xuất nhập khẩu…nhưng để truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý thì có những quy chế riêng, nhìn vào sản phẩm phải biết của ai đưa ra và truy nguồn nếu sản phẩm không đạt chất lượng và quy trách nhiệm cho đơn vị quản lý. Không chỉ truy xuất nguồn gốc bình thường mà truy xuất cả việc các đáp ứng về các tiêu chuẩn đã đăng ký bảo hộ với nhà nước

Ông có thể ví dụ về sự thua thiệt của nông sản Việt Nam khi không đăng ký Bảo hộ trí tuệ cụ thể là chỉ dẫn địa lý?

Ông Trần Việt Hùng: Nếu ta không có đăng ký chỉ dẫn địa lý và bảo hộ ở nước ngoài thì rõ ràng chúng ta bán với giá rất thấp. Ví dụ như gạo Việt Nam, gạo phải tính đến chất lượng, trong khi đó gạo Việt Nam không có một thương hiệu xác định và đăng ký. Trong 42 chỉ dẫn địa lý đã đăng ký, có một số là gạo nhưng rất nhỏ lẻ và không phát triển được trong lúc thương hiệu chính cho gạo Việt Nam thì chưa có.

Gạo Việt Nam đang xuất khẩu không có thương hiệu, không đăng ký chỉ dẫn địa lý. Một chủng loại gạo chủ lực của Việt Nam ra nước ngoài không có, mà toàn là bán xô thì bao giờ cũng thua thiệt hơn gạo của nước ngoài. Nếu là loại gạo ngon thì ta thua thiệt rất nhiều lần về giá. Chè cũng vậy, chè Việt Nam rất tốt, có những loại chè ô long nhưng chúng ta không đăng ký bảo hộ được. Các nhà xuất khẩu chè chủ lực của Việt Nam không đăng ký ra nước ngoài nên cho đến bây giờ ta vẫn bán xô nên không có giá trị gia tăng đáng kể. 

Thanh Uyên (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang