Thiếu minh bạch giá điện, ai chịu trách nhiệm?

author 11:39 02/12/2013

"Việc tăng giá là vì họ, nên họ phải chịu trách nhiệm". GS. TS Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

EVN không công khai vì sợ lỗ lớn
 
PV:- Theo Quyết định 69, giá điện bán lẻ bình quân sẽ được điều chỉnh khi thông số đầu vào xác định giá điện bình quân cơ sở thay đổi. Tuy nhiên, khi quyết định mức điều chỉnh thì lại căn cứ trên giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Như vậy, chức năng tham chiếu để điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của giá điện bình quân cơ sở được thể hiện như thế nào? 
 
GS Ngô Thế Chi: - Nếu chiếu theo quyết định này, sẽ thấy ngay chức năng tham chiếu để điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của giá điện bình quân cơ sở là không chính xác. Đã có sự vênh nhau giữa lý thuyết và thực tế đặt ra. 

Vì, nếu EVN căn cứ vào giá bán lẻ điện bình quân hiện hành để quyết định mức điều chỉnh giá bán điện cũng có nghĩa nếu giá bán lẻ trước đó sai thì mức điều chỉnh cũng sẽ sai. Như vậy là vô lý, ấn định giá chủ quan, không có cơ sở tham chiếu.
 
Nếu EVN muốn điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ thì phải công khai giá thành cơ sở đầu vào, từ đó mới có cơ sở tính toán giá thành bán lẻ. 
 
Phải xác định rõ ràng mức giá cơ sở, cái gì thuộc chi phí trong ngành thì ngành phải chịu, cái gì tính vào giá thành điện thì tính vào giá thành điện. Không thể đẩy lỗ cho người tiêu dùng bắt họ phải chịu.
 
Tất nhiên, để làm được việc này đòi hỏi EVN phải minh bạch, công khai. Nghĩa là khi muốn tăng giá điện lên một đồng, EVN phải công khai chi phí cho một đồng đó như thế nào, chi tiêu những gì, giá thành bao nhiêu.
 
PV:- Vậy, theo ông EVN chọn mức cơ sở tính giá nhưng lại không căn cứ vào mức giá cơ sở thực để quyết định giá điện bánh lẻ bình quân như vậy là nhằm mục đích gì và có thể gây hậu quả ra sao?  
 
GS Ngô Thế Chi: - Mục đích tăng giá của EVN là để bù đắp những thất thoát từ các khoản chi phí đầu tư thua lỗ ngoài ngành, tăng giá đề đảm bảo vốn, đảm bảo tiền lương cao, duy trì toàn hệ thống.
 
Cách làm của EVN tôi cho rằng họ không muốn công khai, không muốn làm đúng. Vì nếu làm đúng thì lỗ của EVN có thể là rất lớn. Đó là lý do, EVN không thể và không muốn công khai, minh bạch chi phí giá thành cơ sở đúng bản chất của nó. 
 
Và như vậy, giá điện sẽ tiếp tục tăng một cách không hợp lý. Sự tăng giá đó lại chủ yếu là để bù đắp cho việc quản lý yếu kém của EVN những năm qua.
 
Tăng giá, đẩy lỗ cho dân
 
PV:- Theo ông, EVN được lợi gì từ sự thiếu minh bạch này? Sự thiếu minh bạch này của EVN phải được xem xét, xử lý như thế nào? 
 
GS Ngô Thế Chi: - Cái lợi của EVN từ sự thiếu minh bạch không được gọi là nguồn lợi mà phải gọi là sự vi phạm. Nguồn lợi mang lại phải từ kinh doanh chính đáng mới được coi là nguồn lợi. 
 
Vì kết luận của thanh tra chỉ rõ nguồn lợi của của EVN có được là từ sự tăng giá do EVN tính lỗ đầu tư ngoài ngành, mua sắm ô tô, biệt thự, EVN dùng công nghệ, thiết bị lạc hậu, chi trả các chi phí không hợp lý. Xây dựng nhiều thủy điện nhưng không đem lại nguồn lợi. Tức là nguồn lợi EVN có được là nguồn lãi vô lý thông qua hình thức tăng giá bán, đẩy lỗ, móc tiền từ túi người tiêu dùng chứ không phải là lãi thực do kinh doanh hiệu quả. 
 
Tất nhiên, không chỉ EVN gặp khó khăn, thua lỗ nhưng bất cứ ngành nào cũng phải tiết kiệm chi phí, phải có mức tính toán hợp lý tiền lương với mặt bằng chung của xã hội. Không phải lấy lý do đặc thù mà EVN một mình một mức lương, trong khi lương cơ bản hiện nay chỉ khoảng 1.150.000 ngàn đồng thì lương của cán bộ, công chức của EVN cao hơn gấp 7 lần. 
 
Nghĩa là cả tiền lương của cán bộ, công nhân cũng được tính vào giá bán điện thì giá điện tăng lên là đúng rồi. 
 
EVN viện cớ do tính đặc thù ngành mà một mình một cơ chế giá thì đó cũng chỉ là lý lẽ của EVN. Phải xem xét lại trong cơ cấu tính giá của Chính phủ có cho phép EVN làm như vậy không. 
 
PV:- Vậy khi, Bộ Công thương vừa hướng dẫn tính giá điện bình quân cơ sở và giá điện bán lẻ bình quân. Đồng thời Bộ Công thương lại kiểm tra giám sát việc điều chỉnh giá điện bình quân hàng năm, thì việc minh bạch giá điện của EVN có thể thực hiện được không, thưa ông? 
 
GS Ngô Thế Chi: - Ở nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước chứ không riêng EVN, tính công khai minh bạch hiện nay còn rất hạn chế. 
 
Nếu Bộ Công thương vì nền kinh tế, có trách nhiệm với dân họ sẽ thực hiện khách quan. Tuy nhiên, nếu có vấn đề khác chi phối thì sẽ không thể thực hiện được. Tất nhiên, không chỉ mình bộ Công thương, như Bộ Tài chính, Thanh tra chính phủ… kiểm toán tất cả cũng phải chịu trách nhiệm.
 
Nhưng, để làm được việc đó phải có chế tài cụ thể. Công khai vấn đề gì, thời điểm như thế nào, nếu không công khai minh bạch thì phải xử lý như thế nào. Những người đứng đầu trách nhiệm đến đâu, trách nhiệm ra sao. 
 
PV:- Dư luận băn khoăn, việc Bộ Công thương đồng tình với mọi quyết định tăng giá của EVN mà chưa thực hiện đầy đủ vai trò giám sát của mình, ông có chia sẻ với băn khoăn của dư luận hay không và tại sao?
 
GS Ngô Thế Chi: - Muốn thực hiện chức năng giám sát tốt, bắt buộc phải có một đơn vị độc lập với Bộ Công thương. Khi Bộ công thương vừa là đơn vị quản lý trực tiếp từ giá thành, giá bán tới con người và tiền lương thì khó có thể minh bạch được. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, giám sát thì sẽ phải xử lý như thế nào mới là quan trọng. 
 
Thực tế, Thanh tra Chính phủ cũng đã tiến hành thanh tra, kết luận sai phạm tại EVN rồi, cũng biết có nhiều chi phí ngoài ngành bị tính vào giá điện rồi nhưng có xử lý ai đâu. Vì trên thực tế, nếu muốn xử lý thì Chính phủ đã không ra Quyết định 69 này.
 
Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm
 
PV:- Vậy như ông nói thì khó có thể hi vọng EVN sẽ thực hiện việc công khai, minh bạch và việc người tiêu dùng tiếp tục phải chịu thua thiệt là điều hiển nhiên nhìn thấy trong tương lai? 
 
GS Ngô Thế Chi: - Nếu muốn EVN công khai minh bạch cũng chưa thể thực hiện được ngay và trong tương lai người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận việc tăng giá. Để thực hiện được việc công khai minh bạch, trước tiên phải bắt tay, rà soát lại toàn bộ hệ thống tài chính, chi phí trong ngành, dòng tiền, nguồn vốn đồng thời công khai, minh bạch vấn đề tính đúng, tính đủ cơ cấu giá thành điện.
 
Để làm được việc đó không hề đơn giản. Quan trọng khi làm được rồi thì sẽ thế nào.
 
PV:- Trong trường hợp này phải xem xét trách nhiệm thế nào thưa ông. Ai là người phải chịu trách nhiệm và việc xử lý thế nào?
 
GS Ngô Thế Chi: - Trách nhiệm trước tiên phải là Bộ Công thương và EVN. Đơn vị chủ quản trực tiếp sẽ phải chịu trách nhiệm trước hết. 
 
Việc đẩy giá lên là vì họ nên họ phải chịu trách nhiệm. Nhưng để xử lý được thì phải có chế tài và phải biết rõ mức độ sai phạm thế nào, có bao che không mới có thể xử lý được. 
 
Điều quan trọng là xử lý thế nào, ai là người thực hiện chế tài đó và họ có muốn xử lý hay không?
 
Xin cảm ơn ông!
Theo DV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang