Thiếu nhân lực cho chương trình phát triển vi mạch

author 05:56 11/10/2013

Đối với TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, ngành công nghiệp này chỉ mới được nhắc đến, bên cạnh những thành quả bước đầu thì đến nay, nhiều dự án vẫn chậm trễ và chưa tìm được hướng đi phù hợp.

Từ năm 2005, TP Hồ Chí Minh đã có những chủ trương, định hướng, đặt nền móng xây dựng và phát triển ngành thiết kế vi mạch. Ðối với nhiều nước phát triển trên thế giới, công nghiệp vi mạch đã được phát triển từ cách đây vài ba thập kỷ. Tuy nhiên, đối với TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, ngành công nghiệp này chỉ mới được nhắc đến, biết đến trong vòng gần một thập kỷ trở lại đây.

Với những nỗ lực tiếp cận và sáng tạo, thời gian qua, đội ngũ kỹ sư thiết kế mà chủ lực là Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Thiết kế vi mạch (ICDREC) cũng đã bước đầu nghiên cứu và "trình làng" những công trình của mình. Có thể kể đến như: Chip VN8-01, chip VN16-32, chip năng lượng, chip sinh học... giành được các giải thưởng lớn trong các cuộc thi về khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, ICDREC đang sở hữu hơn 35 lõi IP có giá trị kinh tế cao có mặt trên các sàn giao dịch quốc tế như Chip Estimate, Design and Reuse... Những sản phẩm này hiện đã và đang được ứng dụng trong lĩnh vực giao thông, xã hội... và tiến tới sẽ  thương mại hóa rộng rãi trong đời sống. Với những thành quả đó, TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực vi mạch.

Tám năm thực hiện chương trình phát triển vi mạch nhưng đến nay vẫn thiếu nhân lực.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, từ tháng 6/2012, UBND thành phố đã phê duyệt "Chương trình phát triển Công nghệ thông tin - truyền thông giai đoạn 2011- 2015", trong đó, Chương trình ba về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin có chương trình nhánh là: Chương trình phát triển công nghiệp phần cứng. Tiếp đó, tháng 12/2012, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Mạnh Hà tiếp tục ban hành quyết định về phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2013- 2020.

Ðiều đáng mừng, tất cả các quyết định trong lĩnh vực này đều thống nhất và có định hướng chung với chương trình, định hướng phát triển ngành vi mạch của Chính phủ và Chương trình phát triển công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Là người tâm huyết trong lĩnh vực này, đồng chí Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban chỉ đạo chương trình vi mạch thành phố nhấn mạnh: Chương trình sẽ tạo cuộc cách mạng trong phát triển ngành công nghệ thông tin, chuyển công nghiệp phần cứng đang từ lắp ráp sang chế tạo những linh kiện trọng yếu và sản phẩm điện tử hoàn chỉnh; cung cấp các linh kiện thiết bị phục vụ an ninh quốc phòng; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển công nghiệp phần mềm thông qua các phần mềm nhúng trong vi mạch. Thông qua bảy dự án gồm: Dự án Design house - Ngôi nhà phần mềm dùng chung; Dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử; Ðào tạo nhân lực vi mạch; Ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng; Thiết kế và sản xuất thử nghiệm; Quảng bá vi mạch, TP Hồ Chí Minh đang hướng đến những bước đột phá mới trong tương lai đối với lĩnh vực này.

Theo Tổng Thư ký Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn thành phố (HSIA) Ngô Ðức Hoàng, hiện phần lớn các dự án đang triển khai đúng kế hoạch. Tuy nhiên, một số dự án có thể không hoàn thành đúng tiến độ do khó khăn về nhân lực. Cụ thể, theo chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch thành phố  đến năm 2017, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành dự án nhà máy sản xuất chip (vi xử lý) điện tử đầu tiên trong cả nước. Dự kiến, nhà máy này sẽ cần khoảng 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên thiết kế và chế tạo. Tuy nhiên, đến nay, các yếu tố này vẫn chưa có tiến triển.

Báo cáo dự án tiền khả thi về xây dựng nhà máy vẫn chưa đi vào hồi kết. Trong khi đó, việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip khó khăn và phức tạp do những yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Các chuyên gia đầu ngành về vi mạch cho rằng: Ðây là dự án lớn và quan trọng nhất của chương trình. Có nhà máy, không những Việt Nam sẽ chủ động không chỉ trong  sản xuất mà còn cả các lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Bởi tính cấp bách này mà dư luận cũng đang đặt ra câu hỏi: Liệu có nên xã hội hóa việc xây dựng nhà máy để đẩy nhanh tiến độ hay không?

Bên cạnh đó, nhu cầu cấp thiết về nhân lực cũng đang đặt ra một dấu hỏi lớn. Cả nước hiện có 13 viện, trường, trung tâm đào tạo về vi mạch, mỗi năm đào tạo được khoảng 7.000 kỹ sư nhưng đội ngũ này chưa có những kiến thức chuyên sâu. Về nhân lực, hiện mới chỉ có thể yên tâm đối với đội ngũ thiết kế nhưng về đội ngũ chế tạo thì con số này hầu như bằng không. Theo ông Ngô Ðức Hoàng, để đào tạo một kỹ sư chế tạo, yếu tố thực hành rất quan trọng, nhưng,  cơ sở vật chất của chúng ta không đáp ứng được. Việc đào tạo ở nước ngoài  chi phí lại rất lớn. Thực trạng này sẽ càng căng thẳng hơn nếu như tới đây, nhà máy đi vào hoạt động mà nguồn nhân lực chưa sẵn sàng.

Có thể thấy, ngoài những thành quả mà chương trình vi mạch đã đạt được vẫn còn những điểm khuyết cần khắc phục. Ðể kịp thời sửa đổi, các chuyên gia cho rằng: Bên cạnh việc tổ chức đào tạo dài hạn, việc hợp tác đào tạo tốt với các công ty quốc tế đang đầu tư ở Việt Nam cũng giúp sinh viên tiếp cận với công nghệ và kinh nghiệm. Ðể đẩy nhanh hoạt động và nâng cao chất lượng đào tạo, vừa qua, HSIA cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội Công nghệ thiết bị và vật liệu bán dẫn quốc tế (SEMI) về việc trao đổi học thuật và kinh nghiệm giữa các bên nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của TP Hồ Chí Minh tiến tới hòa nhập ngành công nghiệp vi mạch thế giới.

Theo Nhân Dân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang