Ý kiến chuyên gia về độ độc hại của thịt lợn tiêm thuốc

author 11:41 22/04/2015

(VietQ.vn) - Ăn phải loại thịt lợn bẩn, mất vệ sinh do bơm nước, bơm hóa chất trước khi bị đưa vào lò mổ, người tiêu dùng sẽ phải trả giá đắt bằng sức khỏe của bản thân và gia đình.

Sự kiện: Hóa chất trong thực phẩm

Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, ngày 19/4 vừa qua, Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) và Chi cục Thú y Biên Hòa bắt quả tang một cơ sở bơm nước vào bụng lợn đã được tiêm thuốc ngủ trước khi bơm nước tại cơ sở kinh doanh tại số 563, tổ 9, ấp 3, xã An Hòa, TP Biên Hòa, tại do ông Phan Văn Vui (46 tuổi, ngụ xã An Hòa) làm chủ. Số thịt lợn bẩn, bơm nước này sẽ được đưa ra thị trường nếu không bị phát hiện

Tiêm thuốc ngủ, nước vào bụng lợn là thủ đoạn của nhiều cơ sở bất minh

Thịt lợn bẩn do hóa chất bị tiêm thuốc ngủ, nước trước khi đưa đi tiêu thụ. Ảnh Tuổi trẻ

Ông Vui khai nhận đã tiêm một loại thuốc ngủ dạng an thần vào heo để việc bơm nước được dễ dàng, hạn chế sự vận động của heo để giữ nước. Sau khi bơm nước, heo sẽ được đưa đến lò mổ Nam Phong tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) để tiêu thụ. Đây là vụ phát hiện mới nhất sau hàng loạt vụ việc tiêm thuốc an thần và bơm nước vào bụng lợn trước khi đem bán bị phát hiện khiến người dân hoang mang, lo sợ.

Theo cơ quan chức năng, loại thuốc thường được tiêm vào lợn trước khi đem bán thịt có tên Prozil 20 ml, Prozil fort, có tác dụng an thần, giảm đau, chống co giật. Thuốc này tác động lên hệ thần kinh trung ương, chống các chứng co giật, an thần, giảm đau khi đẻ, mổ, thiến hoạn lợn. Nó cũng có tác dụng chống sốc, chống stress cho lợn nái quậy phá trong khi sinh. Thuốc an thần Prozil là loại thuốc dùng chữa bệnh cho động vật, chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, ngoài chức năng chống động kinh và giảm đau trong mổ cho động vật, thuốc này lại có tác dụng phụ làm cho thịt heo hồng tươi và dẻo, dai, theo báo Kinh doanh và Pháp luật.

Tiến sĩ dược khoa Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y TP HCM, cho biết: "Hiện nay nhiều người chăn nuôi tiêm Prozil (acepromazine) cho lợn thịt nhằm mục đích an thần cho chúng trước khi giết mổ, để lợn không bị kích động, giẫy giụa la hét trong quá trình vận chuyển đến lò mổ, gây sụt cân, bầm dập làm giảm giá".Theo ông Đức, đây là việc làm hết sức nguy hiểm, bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có khả năng tích lũy trong cơ thể sống và gây hại. Đặc biệt, nhiều loại thuốc an thần có thời gian tồn đọng trong cơ thể rất dài. Prozil là tên biệt dược của acepromazine. Hoạt chất acepromazine có thể gây các phản ứng có hại, trong đó có tác dụng gây hạ huyết áp trầm trọng vì làm giãn mạch ngoại biên nếu sử dụng liều cao hoặc quá liều.

Thuốc ngủ, thuốc an thần trong thịt lợn khó tiêu và gây ra nhiều chứng bệnh nghiêm trọng

Phân biệt thịt lợn bẩn để tránh ảnh hưởng với sức khỏe. Ảnh minh họa

Nếu dư lượng thuốc chưa được lợn đào thải hết, ăn phải loại thịt lợn này, dư lượng thuốc đó sẽ xâm nhập vào cơ thể gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, run chân tay, thay đổi huyết áp, nhức đầu và chóng mặt. Đặc biệt, trẻ em ăn phải thịt lợn tiêm thuốc an thần sẽ chịu ảnh hướng rất lớn vì trẻ hấp thụ thực phẩm rất nhanh, nên hấp thụ thuốc rất nhanh. Lượng chất độc được hấp thụ vào cơ thể nếu lớn sẽ khiến trẻ bị nhiễm độc dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đần độn, quấy khóc, theo báo Kiến thức.

BS thú y Nguyễn Thị Lương, phụ trách Phòng khám thú y Bích Lương (Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Nếu người liên tục ăn thịt lợn có chứa thuốc an thần thì tồn dư thuốc an thần trong lợn sẽ xâm nhập vào cơ thể người. Thuốc an thần tích tụ trong người sẽ gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật như hại thận, tác hại đến thần kinh gây ra các hội chứng đãng trí, run tay chân, thậm chí có thể bị hỏng xương như mục xương”.

Phương Khanh (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang