Thờ ơ khoa học cơ bản như hái quả quên tưới cây

author 06:15 01/07/2013

(VietQ.vn) – GS Bùi Công Quế cho rằng, nếu chỉ quan tâm đến KH ứng dụng mà thơ ơ với KH cơ bản thì như kẻ mải hái quả mà quên tưới cây.

Chất lượng Việt Nam có cuộc trao đổi với GS Bùi Công Quế (nguyên Trưởng ban Kế hoạch – Tài chính của viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, nguyên viện trưởng viện Vật lý địa cầu) xung quanh luật KHCN sửa đổi và những tồn tại trong việc quản lý KHCN hiện nay.

Ba nhà khoa học trẻ, nghiên cứu cơ bản nổi tiếng của Việt Nam: GS Ngô Bảo Chau, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn
Ba nhà khoa học trẻ, nghiên cứu cơ bản nổi tiếng của Việt Nam: GS Ngô Bảo Chau, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn

- GS đánh giá như nào về việc sửa đổi luật KHCN?

- Mỗi lần chỉnh sửa là một lần, Luật sát với thực tế hơn. Lần này, Bộ KHCN đã rất công phu khi biên soạn những nội dung trong luật KHCN sửa đổi. Nhiều nội dung và tư tưởng rất đúng hướng, phản ánh được khát vọng chính đáng của các nhà khoa học.

Tuy nhiên, có thể khi đi vào thực tế, nhiều nội dung sẽ vướng vào các quy định hiện hành như luật Ngân sách, luật công chức – viên chức…

- Để đưa luật vào thực tế, cần cụ thể qua Nghị định và Thông tư. Theo GS, chúng ta cần quan tâm đến những điểm nào?

- Đầu tiên, việc xã hội hóa đầu tư cho khoa học là cần thiết. Nhưng khi doanh nghiệp đầu tư cho khoa học thì họ có quyền lợi gì thì phải quy định thật sự cụ thể.

Thứ hai là việc hưởng lợi từ sáng chế. Tỷ lệ phần trăm này là bao nhiêu không phải lúc nào cũng tính toán minh bạch. Vì những công trình đem lại lợi ích chung cho xã hội thì được hưởng lợi ra sao. Ví dụ, nghiên cứu về trữ lượng khoáng sản, hải sản trên biển…có ý nghĩa rất lớn với kinh tế, sẽ được hưởng lợi như nào?...

Mặt khác, có nhiều đề tài khoa học phải sau hàng chục năm mới nhận thấy những lợi ích mang lại thì được hưởng ưu đãi ra sao?...

Thứ ba là cụ thể hóa các chức danh trong ngành nghiên cứu như nghiên cứu cao ấp thì được hưởng các chế độ gì…

- Có ý kiến cho rằng, các nước nghèo nên tập trung làm khoa học ứng dụng, không nên tốn tiền nghiên cứu khoa học cơ bản. Giáo sư có ý kiến gì?

- Một phản ví dụ cho ý kiến trên là khi chúng ta mua tàu ngầm. Dù đã có các kỹ sư khai thác, sử dụng thành thạo trang thiết bị trên tàu…nhưng rõ ràng, nước biển của Nga khác với nước biển Việt Nam. Vì thế, sự ăn mòn kim loại, tần số phát sóng truyền dẫn…cũng khác nhau. Nên nếu không có những nghiên cứu cơ bản về biển Việt Nam thì làm sao dùng được tàu ngầm trong điều kiện vùng biển của chúng ta…

Bởi thế, nếu thơ ơ với nghiên cứu cơ bản cũng giống như người mải hái quả mà quên tưới cây, rồi sẽ đến một ngày, cây ít quả dần dần vì không có nước…

- Trong quản lý khoa học, làm thế nào để tìm được tiếng nói chung giữa người làm khoa học và quản lý tài chính?

- Phải kết hợp “2 trong 1”, nghĩa là người làm tài chính phải am hiểu khoa học. Chứ hiện nay, có tình trạng, ngay những người làm tài chính trong các cơ quan nghiên cứu cũng không tin tưởng các nhà khoa học, dẫn đến sự nghi ngờ làm cản bước của nhau.

Phải lập ra định mức lao động hợp lý, thường xuyên cập nhật với giá cả thị trường. Hiện nay, ngay định mức 1 ngày công đi nghiên cứu trên biển cũng chưa được xây dựng hợp lý…

- Ngoài cơ chế tài chính, để quản lý tốt KHCN, cần chú ý điều gì?

- Phải chú ý đến khâu đánh giá, nghiệm thu đề tài. Người đánh giá, nghiệm thu phải có cả quyền lợi và ràng buộc trách nhiệm.

Vì nếu không, có thể vì thân quen, người ta vẫn đánh giá đề tài nghiên cứu hoàn thành, mà có khi trong thực tế không phải vậy.

Nên phải lập những hội đồng uy tín, có quyền lợi và gắn trách nhiệm pháp lý với kết quả của các đề tài. Nếu đề tài thất bại thì người phản biện cũng bị liên đới trách nhiệm…

Hơn nữa, để duyệt các đề tài dùng ngân sách lớn, cần xem xét rõ những người làm nghiên cứu, tránh tình trạng “vẽ dự án để ăn tiền Nhà nước”, mà kết quả thì không ra gì. Nhất là ở các địa phương, với lực lượng nhà khoa học ít về số lượng, “mỏng” về chất lượng, cần khống chế mức độ nhất định…để dành nguồn vốn cho những nơi có nhiều nhà khoa học giỏi.

- Việc đánh giá các nghiên cứu dựa vào các bài báo đăng quốc tế có phù hợp?

- Điều đó phù hợp với các ngành KHCN không có yếu tố bí mật. Còn ví dụ, khi nghiên cứu biển, có nhiều phát hiện thuộc bí mật Nhà nước, không thể tuyên bố rộng rãi…Vì vậy, không phải loại hình KHCN nào cũng áp dụng đánh giá dựa vào bài báo quốc tế.

Xin cảm ơn GS !

Hoàng Lan (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang