Thời của doanh nhân và ca sĩ, sao cứ bắt trẻ học Sử?

author 14:48 12/04/2013

(VietQ.vn) – Những người to mồm nhất, hay hô hào các em học sử, có cho con mình đi theo ngành này không?

Đại gia và người đẹp

Khi hình ảnh sân trường trắng xóa những mảnh giấy nghi là đề cương lịch sử tràn ngập trên mạng, những độc giả tinh ý sẽ đoán được, rồi báo chí sẽ lại ca bài cũ: lên án cách dạy Sử, nên ý kiến các chuyên gia, nhà giáo...giống như năm có nhiều bài thi tốt nghiệp môn này bị điểm 0.

Truyền thông sẵn sàng săn đón đại gia và người đẹp.
Truyền thông sẵn sàng săn đón đại gia và người đẹp.

Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Nhưng truyền thông cũng rất “hồn nhiên”, tiếp tục đưa những thông tin cập nhật của các đại gia, của người đẹp và ca sĩ.

Rồi vụ lùm xùm một cô ca sĩ “ra giá” hơn 100 triệu cho một đêm hát ở Đà Nẵng. Số tiền đó, những người giỏi Sử nhất Việt Nam có thể kiếm được trong một năm không?

Rồi chuyện đại gia và con con dâu là người đẹp khánh thành khu thương mại Tràng Tiền, (Hà Nội) cũng được người ta hồ hởi, tranh nhau đưa tin sớm nhất trên các website.

Nhưng không phải ai cũng biết, ngày xưa, chính quyền ngay lúc mới thành lập, đã bố trí Tràng Tiền là nơi bán đồ chơi cho trẻ nhỏ.

Nên nếu vị đại gia kia không kiếm lãi được ở nơi này, có những người ước ao, Tràng Tiền sẽ được quy hoạch trở thành khu vui chơi cho các cháu thiếu nhi. Để các em nhỏ khắp nơi, khi được bố mẹ đưa đến hồ Gươm, có thể vào đây để nô đùa mà mua đồ chơi, sách vở.

Đừng hô hào suông !

Alan Phan, vị chuyên gia kinh tế nổi tiếng từng nhận định: “Những huyền thoại về Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, Cường Đô La, Đào Hồng Tuyển… chiếm đầy các tít lớn của các tờ báo, tạp chí”.

Những người làm truyền thông hiểu rõ, đó là vì họ có tiền, có quyền mời phóng viên đến dự các sự kiện và điều khiển nhiều kênh truyền thông theo ý họ.

Thế nên, có thể tin tưởng được không, những con người vừa hô hào học sinh chăm học Sử, nhưng lại sẵn sàng làm “nô lệ thông tin” cho các đại gia và chân dài?

Sử học của Việt Nam đâu có dạy chúng ta làm vậy?

Sử học cũng không cần những phong trào hoành tráng, những hình ảnh nổi bật đứa trẻ cầm cuốn sách, in trên trang bìa báo và tạp chí. Sử học không chấp nhận những “tuyên truyền viên” khuyên con người khác học Sử nhưng lại hướng con mình vào ngân hàng, tài chính...

Mà Sử học cần tình yêu chân thành, khi người ta thấy nhu cầu hiểu rõ bản thân, hiểu rõ dân tộc mình, khi bước ra biển lớn. Bởi, quy luật kinh tế kinh điển đã chỉ ra: muốn chiến thắng trên thương trường phải dùng lợi thế cạnh tranh. Mà muốn biết lợi thế cạnh tranh, phải hiểu rõ chính mình.

Một doanh nhân ở FPT từng tâm sự với chúng tôi, những người làm Toán như anh hồi học ở ĐH Lomonosov (Nga), còn đọc sách Văn và Sử nhiều hơn những sinh viên ngành khác.

Nhu cầu "cân bằng" tinh thần sẽ khiến con người tự giác tìm những "món ăn" tinh thần khác, ngoài lĩnh vực mình làm việc.

Còn ở Mỹ hay các nước châu Âu, không thấy phong trào học sử hô hào trên báo chí. Nhưng các bảo tàng luôn đông người đến thăm.

Vì thế, với Việt Nam, hãy cứ để các em “khát khao và dại khờ”, được học những gì các em thích, được trở thành những gì các em muốn, được đi những con đường mà các em thấy có nhiều điều thú vị phía trước.

Việc của người lớn là trên những con đường đấy, hãy làm những biển chỉ dẫn, gắn những lời khuyên chân thành và hữu ích. 

Thùy Trâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang