Thời của vắc xin quý như...vàng

author 06:06 11/07/2014

Ngày 9/7, tại tất cả các điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn Hà Nội đều dán biển thông báo hết vaccine Pentaxim “5 trong 1”, “6 trong 1” và vaccine phòng thủy đậu. Điều khiến các bà mẹ có con chưa được tiêm chủng càng thêm lo lắng là, các điểm tiêm đều thông báo không rõ khi nào mới có các loại vaccine này.

Không nhiều người may mắn như chị Nguyễn Huyền Huyền (Galaxy Cinema), khi sau mấy ngày đưa con đi các điểm tiêm chủng, cuối cùng, chị đã may mắn tiêm được một mũi “5 trong 1” cho con nhờ sự hỗ trợ của “người thân”. Đọc chia sẻ trên mạng xã hội của chị, đủ biết chị vui mừng đến mức nào: “Tiêm xong được mũi “5 trong 1” cho con trai, nhẹ hết cả người. Thuốc gì mà quí như vàng vậy!”. Và bên dưới là vô số bà mẹ comments bày tỏ sự lo âu vì không được may mắn như chị.

Có đến các điểm tiêm chủng ở Hà Nội những ngày này, mới thấy việc tiêm được vaccine “5 trong 1” thời gian này quả là “khao khát” của các bà mẹ. Lượng thuốc có hạn, trong khi, người đi tiêm rất đông. Tại Trung tâm tiêm chủng dịch vụ 131 Lò Đúc, mới 9h30 sáng 9/7, đã treo biển hết số thứ tự, trong khi còn rất đông người chờ bên ngoài. Những người đến sớm, có được phiếu tiêm tỏ ra hân hoan, dù nhân viên tư vấn thông báo đã hết vaccine “6 trong 1” và “5 trong 1” từ 2 ngày trước.

Chị Nguyễn Thị Bích Lan, nhà ở Mỹ Đình, đi từ sớm, hy vọng tiêm được cho con liều “5 trong 1”, nhưng phải thất vọng trở về. Chị vớt vát hỏi nhân viên hướng dẫn tiêm chủng thì nhận được câu trả lời khiến chị càng nản hơn: “Chắc phải đến tháng 9 mới có!”. Chị Lan cho biết, con chị đã đến thời hạn tiêm mũi thứ 2, nhưng không có thuốc, khiến chị rất lo sẽ ảnh hưởng đến việc phòng bệnh của con.

Rất đông người chờ tiêm phòng cho trẻ, nhưng không điểm nào còn vaccine “6 trong 1” và “5 trong 1”.

Một điểm tiêm chủng lớn khác là Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, ở 70 Nguyễn Chí Thanh, cũng đông nghịt người. Theo nhân viên tư vấn tiêm chủng, thì ở đây nhập về 2.000 liều vaccine “5 trong 1”, nhưng đã hết ngay trong vòng 4 ngày. Có ngày, khoảng 800-1.000 người đến tiêm chủng. Bà Trần Thị Nga ở ngõ Văn Chương, Khâm Thiên, cho biết: Từ sáng sớm, bà đã đưa cháu đi nhiều điểm tiêm chủng, từ số 50 Hàng Bài đến số 3 Tây Sơn, cả một số trạm y tế các phường, nhưng không nơi nào còn vaccine “5 trong 1”. Đến 70 Nguyễn Chí Thanh, cũng không còn, nhưng lại lấy được số thứ tự, nên bà quyết định cho cháu tiêm vaccine viêm não Nhật Bản: “Vì nếu chờ vaccine “5 trong 1” thì cũng chưa biết đến bao giờ. Thôi thì cứ phòng được bệnh nào, hay bệnh đó, còn hơn cháu không được tiêm phòng”.

Tại điểm tiêm chủng số 3 Tây Sơn, cũng rất đông người đến tiêm, nhưng cũng đều phải trở về, vì tờ giấy dán bên ngoài thông báo rõ đã hết các vaccine “5 trong 1”, “6 trong 1”, thủy đậu, viêm màng não, não mô cầu v.v… Chị Lê Thị Hảo, một cán bộ của Bộ Y tế, cũng đã phải đưa 2 cậu con trai quay về trong tâm trạng lo âu, sau khi đã đi khắp các điểm tiêm dịch vụ, mà vẫn không tiêm được vì chỗ nào cũng thông báo hết.

Lý giải cho việc thiếu vaccine dịch vụ đang diễn ra, Bộ Y tế cho biết: Vaccine tiêm dịch vụ được nhập khẩu phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, do các công ty tự nhập từ các nước Mỹ, Pháp, Cuba, Hàn Quốc… để cung ứng cho các đơn vị tiêm chủng. Do những sự cố trong tiêm chủng khiến người dân hoang mang, không cho trẻ đi tiêm chủng, nên các công ty đã không nhập vaccine về nhiều. Nay một số sự cố, đặc biệt là vụ 3 cháu bé ở Quảng Trị tử vong sau tiêm vaccine, được làm rõ nguyên nhân, đồng thời, một số dịch bệnh bùng phát, gây tử vong cao, như sởi, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản v.v… khiến các gia đình lo lắng, nên đã cho con đi tiêm phòng trở lại. Nhu cầu tiêm phòng cao, trong khi các công ty chưa thể nhập về ngay, vì thời gian đặt hàng sản xuất, kiểm định, phải mất 6 tháng.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược thì đã có giải pháp chấn chỉnh là yêu cầu các Sở Y tế phải lập dự trù vaccine phòng bệnh, đồng thời, đề nghị “người dân cũng phải lập kế hoạch tiêm chủng”! PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì cho rằng, việc khan hiếm vaccine đang diễn ra, Bộ Y tế không thể đổ cho dân, mà phải có sự chỉ đạo, để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Các bà mẹ nên chờ đợi và cho con đi tiêm chủng, để phòng bệnh.

Trước tình hình tiêm chủng dịch vụ đang quá tải, ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn khẩn chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường quản lý tiêm chủng dịch vụ, giảm quá tải cục bộ, tránh xảy ra các sự cố. Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế bổ sung nhân lực, trang thiết bị tại các cơ sở tiêm chủng, bố trí các bàn tiêm chủng, tổ chức các buổi tiêm chủng hợp lý, tăng giờ tiêm chủng; nghiên cứu mở thêm các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thuộc TTYT các quận, huyện, thị xã… Chỉ đạo các cơ sở thực hiện đúng qui trình tiêm chủng, sàng lọc bệnh nhân trước khi tiêm, đảm bảo không xảy ra tai biến.

Tử vong sau tiêm chủng ở Đồng Tháp:
Không có bằng chứng liên quan đến vaccine

Chiều 9/7, Bộ Y tế cho biết, sau khi xảy ra trường hợp phản ứng sau tiêm vaccine BCG, Quivaxem mũi 1 và uống OPV lần 1 của bé gái 2,5 tháng tuổi vào ngày 7/7, tại Đồng Tháp, Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành điều tra toàn bộ quy trình tiêm chủng, bảo quản vaccine, sau đó, đã họp với đại diện Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, BV Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh. Sau khi phân tích, tổng hợp từng nhóm nguyên nhân và kết quả khám nghiệm tử thi, Hội đồng kết luận ban đầu: có thể tử vong do sặc sữa; không có bằng chứng tử vong có liên quan đến vaccine và tiêm chủng. Hội đồng tư vấn chuyên môn sẽ tiếp tục họp để xem xét và có kết luận chính thức sau cùng khi có kết quả giám định về vi thể. Được biết, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Đồng Tháp cũng đã tiến hành giám định pháp y.

Theo CAND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang