Thời khó, trưởng phòng bất động sản phải đi kiếm thêm nhờ may vá

author 05:55 11/04/2016

(VietQ.vn) - Không mặn mà với mức lương trưởng phòng công ty bất động sản, chị Hoàng Ngân (Hà Nội) phải kiếm thêm bằng nghề may vá.

Sự kiện: Bất động sản

Tại Việt Nam, trong thời buổi khó khăn, những cử nhân cầm tấm bằng trên tay vẫn đi buôn đồng nát, phụ quán cơm, bán trà đá, làm bảo vệ... để kiếm sống qua ngày là thực trạng không hề hiếm.

Đơn cử như 2 trường hợp mà báo chí đã đưa tin, trong đó, cử nhân Nguyễn Bảo Anh (quê tại Diễn Châu, Nghệ An), mặc dù tốt nghiệp ĐHQG Hà Nội với tấm bằng khá trên tay, nhưng lại cất vào tủ để làm kỷ niệm và theo hàng xóm sang Lào buôn đồng nát.

Hay như chị Trần Thị Nhung (quê ở Thanh Chương, Nghệ An), tốt nghiệp trường Đại học Vinh với tấm bằng giỏi. Đã ra trường gần 2 năm nhưng chị nhung vẫn chưa tìm được việc đúng ngành, thay vào đó, chị làm thêm, phục vụ quán ăn với số lương 3 triệu/tháng tại thành phố Vinh.

Tốt nghiệp đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, khoa Tâm lý học, sau khi ra trường, Hoàng Ngân (sinh năm 1987, cư ngụ tại Lạc Long Quân, Hà Nội) lại bén duyên với lĩnh vực bất động sản. Bước đầu làm trái nghề, chị chập chững đứng ở vị trí một nhân viên bán hàng, sau những cố gắng nỗ lực của chị đã được sếp tín nhiệm bầu làm trưởng phòng tư vấn. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng: “cần câu cơm” của nữ trưởng phòng công ty bất động sản tại Hà Nội này lại là nghề may vá.

“Kiếm cơm” từ nghề may vá

Không mặn mà với mức thu nhập của trưởng phòng hành chính dự án bất động sản bằng đồng lương ba cọc, ba đồng, chị Hoàng Ngân chia sẻ rất thật: Bình thường ai cũng nghĩ lương trưởng phòng sẽ rủng rỉnh tiêu xài, nhưng trái với thực tế, lương trưởng phòng bèo bọt quá nên số tiền sử dụng cho cả gia đình như “muối bỏ biển”. Sẵn có nghề may vá trong tay từ nhỏ, chị bắt đầu nhen nhóm thực hiện những đam mê của mình ngoài giờ làm để kiếm thêm lợi nhuận.

Chân dung nữ trưởng phòng bất động sản Hoàng Ngân đam mê may vá.

Chị bắt đầu may túi xách “của nhà làm được”, dần dần những sản phẩm của chị trở thành mặt hàng quen thuộc với dân công sở. Họ yêu thích bởi những đường kim, mũi chỉ được tỉ mỉ may vá cộng thêm khâu lựa vải cẩn thận chỉn chu, chị Ngân đã tạo nên các sản phẩm đẹp đúng theo sở thích của người đặt. Từng chiếc túi xách chị làm nên đã tạo dấu ấn rất riêng cho từng người sử dụng cả trong và ngoài nước…

Chị Ngân cho biết: Nếu làm mải miết, tỉ mỉ các khâu, chưa kể việc mình lựa vải vóc theo kiểu dáng và phù hợp với túi thì trung bình mỗi tháng cũng kiếm được trên dưới chục triệu là điều bình thường.

Trung bình cứ 2 buổi tối, chị tạo được hoàn chỉnh một chiếc túi vừa ý. Giá cả mỗi cái tùy theo kích thước khách hàng đặt. Túi nhỏ có giá dưới 200.000 đồng/cái, túi to tầm 300.000-500.000 đồng/cái. Thậm chí, nếu khách nào chuộng cả bộ 3 túi gồm: 1 túi xách để đựng đồ, 1 ví dẹt để tiền, 1 túi nhỏ để đồ mỹ phẩm thì có giá dao động 400.000-1 triệu đồng/bộ tùy theo khách yêu cầu.

“Dân công sở đặt nhiều quá, có ngày mình nhận được gần chục đơn hàng từ phía chị em. Tuy vậy, thời gian ở công ty mình đảm nhận dự án gần như kín lịch, rời công ty là chỉ muốn “tăng tốc” may túi cho kịp ra sản phẩm. Túi xách thường đa dạng mẫu mã nhưng phụ nữ lại thường “chuộng” cả hình thức lẫn độ an toàn. Do đó, buộc mình phải có sự tỉ mỉ mới chiều được khách hàng khó tính như chị em khối văn phòng”, chị Hoàng Ngân tự hào chia sẻ.

Đam mê với nghề tự làm túi xách cho giới văn phòng

Nữ trưởng phòng công ty bất động sản trên cũng nhấn mạnh: Tại Việt Nam, hầu hết các loại túi xách thường được nhập từ nước ngoài về, thậm chí không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên nhiều người tiêu dùng khá lo lắng về độ an toàn. Thêm vào đó, có nhiều loại vải trôi nổi được sử dụng may túi làm cho người sử dụng bị dị ứng. Do đó, khi gắn bó với nghề may vá này, chị Ngân luôn tâm niệm: Phải chú trọng chất liệu rất kĩ, đảm bảo tính an toàn sức khỏe cho khách hàng của mình.

Với nghề may vá vào buổi đêm, chị Ngân có thể kiếm được trên dưới chục triệu/tháng.

Ngoài ra, chị Ngân cho rằng: Để có một sản phẩm tự may hoàn chỉnh của chính mình tạo ra sẽ mất rất nhiều công sức, kỳ công, chưa kể nguyên liệu mua cũng rất khó tìm kiếm theo ý thích của từng người. Do đó, các loại túi xách được giao tận tay cho khách sẽ có giá trị tương đối cao, thậm chí cao hơn so với những loại túi xách đang được bày bán sẵn trên thị trường Việt Nam.

Nữ trưởng phòng trẻ cũng khẳng định: Để người Việt Nam hiểu được tác hại của túi xách khi không rõ xuất xứ, nguồn gốc và thuyết phục họ chi trả cho những loại túi xách tự may, tự chọn cho an toàn và chất lượng, điều này không dễ chút nào. Tuy vậy, chị Ngân luôn tự nhủ: “Mình sẽ không bỏ cuộc và tôi cũng đã có chiến lược dài hạn cho thương hiệu “của nhà làm được” này”.

“Đôi lúc, do bận công việc từ phía công ty nên khá nặng gánh và vất vả, tôi cũng cảm thấy nản, mà lương văn phòng vẫn thấp lẹt đẹt muốn chuyển đổi hẳn sang lĩnh vực may túi này của mình. Tuy nhiên, để tạo ra những túi xách mang thương hiệu an toàn đến cho người Việt không phải là chuyện một sớm, một chiều, tôi cần có thời gian “chuyển mình”, chị Ngân bày tỏ.

>>> AirAsia vào cuộc vụ khách tố có xác thằn lằn trong đồ ăn trên máy bay

Kiều Oanh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang