Thời kỳ mới của phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam

author 06:32 25/10/2014

(VietQ.vn) - Với những quyết định mang tính chất chiến lược, nước ta đang bước vào một thời kỳ mới phát triển ngành năng lượng nguyên tử (NLNT) với nhiều mục tiêu và kế hoạch quan trọng, trong đó có phát triển điện hạt nhân.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Đánh giá về sự phát triển ngành NLNT ở Việt Nam trong đó có phát triển điện hạt nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Phát triển, ứng dụng NLNT quốc gia, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho rằng, Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006 trong đó khẳng định mục tiêu “từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước”.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội thảo quốc gia về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển KT-XH diễn ra trong hai ngày 23 và 24/10 tại Đà Nẵng

Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội thảo quốc gia về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển KT-XH diễn ra trong hai ngày 23 và 24/10 tại Đà Nẵng. Ảnh: L. P

Kể từ đó đến nay, nhiều hoạt động quan trọng trong lĩnh vực NLNT ở Việt Nam đã được triển khai thực hiện như Quốc hội đã phê duyệt và ban hành Luật NLNT; thông qua chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 và các quy hoạch chi tiết triển khai Quy hoạch tổng thể; thành lập Ban chỉ đạo nhà nước dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT;…

"Với những quyết định mang tính chiến lược này, Việt Nam đã bước vào một thời kỳ mới: phát triển ngành NLNT với nhiều mục tiêu và kế hoạch quan trọng, trong đó có phát triển điện hạt nhân", Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.

Theo Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia, việc phát triển ngành NLNT ở Việt Nam hiện nay đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt là trng nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, trong lĩnh vực y học hạt nhân, các cơ sở y học hạt nhân ở nước ta hiện đã được trang bị 8 hệ ghi đo gamma in vivo và in vitro, 21 máy SPECT và SPECT/CT, 6 máy PET/CT và 3 Cyclotron (sắp tới sẽ là 7 PET/CT và 4 cyclotron).

Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bênh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), số lượng bệnh nhân xạ hình SPECT là khoảng 7.000 – 8.000 ca/năm. Một số bệnh viện có số bệnh nhân xạ hình SPECT trung bình từ 2000 - 3000 ca/năm. Các kỹ thuật xạ hình bằng SPECT và SPECT/CT để điều trị ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hoá, xương khớp, hô hấp... đã và đang được thực hiện có kết quả cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm tại các cơ sở có trang bị SPECT& SPECT/CT.

Trong xạ trị, hiện cả nước có 23 cơ sở xạ trị, 4 bệnh viện chuyên khoa ung bướu, trong đó có 3 cơ sở lớn điều trị ung thư có các thiết bị xạ trị hiện đại là Bệnh viện K, Trung tâm YHHN & Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Ung bướu ở TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có một số trung tâm và khoa ung bướu có máy xạ trị ở các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành.

Về điện quang, có 174 máy chụp cắt lớp vi tính, 51 máy chụp cộng hưởng từ và 21 máy chụp mạch máu, 500 máy X quang cao tần. Các kỹ thuật cao về điện quang được áp dụng hiệu quả ở những bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bênh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh).

Ứng dụng NLNT trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá là nước đứng hàng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, được trao Giải thưởng thành tựu xuất sắc về đột biến tạo giống cho Viện Di truyền nông nghiệp và GS.TSKH. Trần Duy Quý và 2 giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống cho tập thể Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam và Trung tâm hạt nhân TP. Hồ Chí Minh, và cho 2 cá nhân của Sở KH&CN Sóc Trăng (ông Hồ Công Cua và ông Trần Tấn Phương) đã đạt được các thành tích trong lĩnh vực đột biến tạo giống.

Nhiều ứng dụng NLNT ở Việt Nam mang lại hiệu quả tích cực cho đời sống kinh tế xã hội

Nhiều ứng dụng NLNT ở Việt Nam mang lại hiệu quả tích cực cho đời sống kinh tế xã hội. Ảnh: L. P

Tính đến thời điểm hết năm 2013, cả nước đã có trên 50 giống cây trồng nông nghiệp được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến, bao gồm các giống lúa, đậu tương, bưởi,…riêng đậu tương có tới trên 50% diện tích được trồng là các giống được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ. Giống lúa đột biến VND-95-20 là giống chủ lực để xuất khẩu đã chiếm 30% trên tổng số 1 triệu ha đất canh tác tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Giống lúa đột biến DT10 được tạo ra trong những năm 1990 và từ đó đến nay đã tạo ra tổng giá trị thu nhập lên đến 3 tỷ USD, tăng thêm 537,6 triệu USD so với việc sử dụng các giống cũ. Giống Khang Dân đột biến đã được tạo ra và nhanh chóng trở thành một giống quan trọng trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam.

Cùng với những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp, hiện phát triển NLNT trong công nghiệp cũng đạt được được những bước tiến dài. Ứng dụng công nghệ bức xạ đã được ứng dụng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Việt Nam. Đi đầu là Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Công ty cổ phần chiếu xạ An Phú,...với doanh thu từ ứng dụng công nghệ bức xạ lên tới hàng trăm tỷ đồng hàng năm.

Hiện nước ta cũng nghiên cứu hoàn thiện và áp dụng ở quy mô công nghiệp các quy trình công nghệ chiếu xạ thanh trùng thủy hải sản, bảo quản nông sản, hoa quả, thuốc đông nam dược, dụng cụ y tế phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị chiếu xạ Co-60 và đã cử chuyên gia sang hỗ trợ cho Cuba trong việc triển khai dự án khôi phục thiết bị chiếu xạ.

Phát triển kỹ thuật đánh dấu trong khảo sát mỏ dầu, nghiên cứu sử dụng các chất đánh dấu hoá học, chất đánh dấu tự nhiên bên cạnh chất đánh dấu phóng xạ; phát triển công nghệ đánh dấu pha khí trong mỏ, nghiên cứu ứng dụng phương pháp đánh dấu đa pha cho công nghệ khảo sát chẩn đoán các quá trình công nghiệp.

Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã thắng thầu quốc tế trong dịch vụ kỹ thuật đánh dấu cho công nghiệp dầu khí của Cô-oét và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập...

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, trong những năm qua, năng lượng nguyên tử đã có nhiều đóng tích cực phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam đang tích cực triển khai kế hoạch xây dựng phát triển điện hạt nhân. Đây là bước phát triển mới của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.

"Tại khóa họp 58 Đại hội đồng IAEA và nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Phòng thí nghiệm liên hiệp giữa IAEA và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp, lương thực, Việt Nam đã đạt 3 trong 23 giải thưởng trong lĩnh vực đột biến tạo giống, trong đó có một giải thưởng "Thành tựu xuất sắc" cho Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, đóng góp hiệu quả vào bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững” – Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết.

Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia được thành lập theo Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 08/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Qua các phiên họp, Hội đồng đã đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, làm rõ những việc chưa thực hiện được, đồng thời xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâmcho giai đoạn tới, chuẩn bị cho công tác tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vào năm 2015.

Hồng Anh


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang