Thông tin bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân là chưa chính xác

author 17:30 07/11/2017

(VietQ.vn) - Thông tin bỏ sổ hộ khẩu, bỏ chứng minh thư nhân dân là chưa chính xác. Trên thực tế đây chỉ là thay đổi về cách thức quản lý dân cư bằng hình thức hiện đại hơn.

Theo thông tin trên báo Công an TP. Hồ Chí Minh, ngày 30/10, Chính phủ có Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Trong đó, có quy định “bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân”... Cùng với việc bỏ sổ hộ khẩu, các loại giấy tờ, thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu như: tách sổ hộ khẩu, đổi sổ hộ khẩu, xóa đăng ký thường trú, đổi sổ tạm trú... cũng được bãi bỏ.

Tuy nhiên, việc hiểu sâu, hiểu đúng về vấn đề này thì không phải người dân nào cũng rõ.

Báo VietnamPlus đưa tin, sáng 7/11, Bộ Công an đã tổ chức họp báo về lộ trình bỏ các thủ tục về hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.

 Trung tướng Trần Văn Vệ trong buổi họp sáng nay. Ảnh: PV/Vietnam+

 Trung tướng Trần Văn Vệ trong buổi họp sáng nay. Ảnh: Vietnam+

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ (quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), hiện nay, công tác quản lý dân cư đang được nhiều bộ ngành cùng thực hiện. Do đó, mỗi cơ quan quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực khác nhau đều cấp cho công dân một loại giấy tờ, dẫn đến việc công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân… với các con số khác nhau.

Điều đáng lưu ý là thông tin trong các loại giấy tờ này đều có một phần nội dung có thể trùng lặp như họ tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch.

Việc trùng lặp thông tin như nêu trên đã gây ra tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của công dân trong các cơ sở dữ liệu đã gây lãng phí về nguồn lực về tài chính trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng; gây lãng phí nguồn nhân lực khi các cơ quan đều thực hiện nhập các dữ liệu trùng lặp.

Chính vì vậy, Chính Phủ đặt ra mục tiêu đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.

Nói về thông tin bỏ sổ hộ khẩu, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết đây là thông tin chưa chính xác.

 Thẻ căn cước công dân sẽ được cấp trên cả nước vào năm 2020. Ảnh minh họa

 Thẻ căn cước công dân sẽ được cấp trên cả nước vào năm 2020. Ảnh minh họa

“Các nước trên thế giới không nước nào bỏ Sổ hộ khẩu cả, chẳng qua là quản lý bằng công nghệ thông tin. Ở đây là thay đổi cách quản lý. Người dân sau này chỉ khai một lần đầu, từ đó về sau cơ quan quản lý nhà nước cập nhập thông tin, còn các trường thông tin như thế nào. Không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu. Về sau sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy, còn Bộ Công an vẫn quản lý. Khi thu thập xong Cơ sở dữ liệu dân cư, đưa vào ứng dụng rồi thì mới bỏ Sổ hộ khẩu giấy. Khi đó sẽ dùng số định danh cá nhân để thực hiện các giao dịch,” quyền Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Bộ Công an giải thích.

Đối với thông tin bỏ chứng minh thư nhân dân, đại diện Bộ Công an cũng khẳng định đây là thông tin không chính xác. Ngay trong Luật căn cước công dân cũng quy định: Chứng minh thư nhân dân là loại giấy tờ bắt buộc.

Tuy nhiên, theo lộ trình, chứng minh thư nhân dân sẽ được đổi sang căn cước công dân. Hiện nay việc cấp thẻ căn cước công dân đang được thực hiện tại 16 địa phương. Tới năm 2020, căn cước công dân sẽ được cấp trong toàn quốc. Tuy nhiên, ngay cả thời điểm 2020, những người có chứng minh thư nhân dân nhưng chưa hết hạn vẫn được sử dụng tiếp chứ không bắt buộc phải đi đổi ngay.

Những điều cần biết về thủ tục đổi thẻ căn cước công dân(VietQ.vn) - Theo quy định của Bộ Tài chính, phí đổi thẻ căn cước công dân là 50.000 đồng. Tuy nhiên có những trường hợp được giảm hoặc miễn phí đổi thẻ căn cước công dân.

Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, Trung tướng Trần Văn Vệ thông tin thêm, hiện nước ta đang có 3 loại giấy tờ chứng minh nhân thân bao gồm: CMND cũ (9 số), CMND mới (12 số) và căn cước công dân. Cả 3 loại giấy tờ trên đều có giá trị sử dụng như nhau. 

Từ ngày 1/1/2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành tại 16 tỉnh, thành phố đã triển khai cấp CMND mới đã chuyển sang cấp thẻ Căn cước công dân. Như vậy, hiện Bộ Công an đang tổ chức cấp căn cước công dân cho công dân tại 16 tỉnh, thành phố và cấp CMND (9 số) cho công dân tại 47 tỉnh, thành phố. 

Nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện về nguồn vốn và các bộ, ngành khẩn trương tập trung nghiên cứu, trình Chính phủ sớm phê duyệt dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân thì đến 1/1/2020 sẽ đảm bảo được việc mở rộng cấp căn cước công dâ trên phạm vi toàn quốc. Khi đó căn cước công dân sẽ dần thay thế CMND 9 số hiện nay. 

Về lộ trình, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Cư trú 2016 và Luật sửa đổi Luật Cư trú cùng 7 nghị định, 5 thông tư liên tịch.

Ánh Ngân (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang