Thông tin cập nhật bão số 10: Miền trung thành tâm bão

author 07:54 29/09/2013

(VietQ.vn) - Bão Wutip, cơn bão số 10 mạnh lên rất nhanh vượt đảo Hoàng Sa, hướng thẳng vào miền Trung.

Theo bản tin của Trung tâm Khí tượng Thủy văn TƯ phát đi lúc 21h30p (29/9), tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 22m/s (cấp 9); ở trạm đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 17m/s (cấp 7) do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10.

Hồi 19 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.


Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km. Đến 07 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế khoảng 150km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

 

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km. Đến 19 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 88 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.


Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây rồi suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 19 giờ ngày 01/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 101,3 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7 – 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

 

 

Từ sáng mai (30/9), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.

 

Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) hàng chục hộ dân vùng ven biển đã phải di dời vào sâu bên trong để tránh gió bão. Tuy nhiên nhiều hộ dân vẫn chủ quan, không chịu di dời khi gió bão và nước lũ dâng cao, đóng cửa “cố thủ” ở trong nhà Ông Lê Duân (khu tái định cư Hòa Duân) cho biết chỉ được thông báo về tình hình về hướng đi của bão và cấp độ bão chứ chưa nhận được lệnh di dời của chính quyền nên ở nhà.

Tại thành phố Huế, gió mạnh khiến nhiều cây cổ thị trên đường phố ngã đổ. Hơn 300 hộ dân ở các vùng thấp trũng khu vực 4 (phường Phú Hậu); dân vạn chài trên sông Kẻ Vạn (phường Kim Long) được di dời lên bờ.
Ông Lê Trường Lưu, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết toàn tỉnh đã di dời 3.200 hộ ở vùng xung yếu, cửa biển, vùng sạt lở lên các nhà kiên cố, an toàn.
* Sáng 30-9, tại Đà Nẵng, mưa to, gió lớn càng lúc càng mạnh, khu vực biển sóng đánh dữ dội. Tất cả học sinh, sinh viên trên địa bàn TP được nghỉ học.
Một thông tin đáng quan ngại là có nhiều hồ chứa ở miền Trung đang trong nguy cơ mất an toàn. Trong đó, các tỉnh ven biển có khoảng 12 hồ/4 tỉnh (Quảng Trị có 7 hồ,  Huế có 1 hồ, Quảng Nam có 1 hồ; Quảng Ngãi có 3 hồ). 

Trong suốt sáng 30-9, tại Quảng Trị gió bão đã tăng dần cùng với mưa to. Tại các vùng ven biển như Cửa Tùng, Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh) sóng biển ầm ập đổ vào bờ cao hơn 3 mét.

Đoạn qua bãi tắm cửa Tùng, sóng có lúc đã vượt đường ngang. Trong khi đó toàn huyện Vĩnh Linh đã mất điện từ buổi sáng; các cây xăng trên địa bàn đã đóng cửa hoàn toàn, khiến người dân hết sức khó khăn trong sinh hoạt. Hiện hầu như các nhà dân tại các vùng ven biển này đã đóng cửa hoặc di dời đến nơi an toàn. Chủ yêu còn lại lực lượng trực chiến.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có xuất hiện không khí lạnh. Theo ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, yếu tố này có thể tác động đến sức công phá của cơn bão. Theo quan sát của phóng viên tại khu vực Cửa Tùng, càng về trưa, sức gió càng lớn và kèm theo mưa.

Hiện phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại Quảng Trị để chỉ đạo công tác phòng chống.

Quảng Ngãi: 97 ngư dân ở Hoàng Sa rời khu vực nguy hiểm

Sáng nay (30-9), theo tin từ Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Ngãi còn 407 phương tiện với 4.741 ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động ở vùng đảo Trường Sa, vùng biển phía Nam và vùng biển tỉnh Quảng Ngãi. Số tàu thuyền này vẫn duy trì thông tin với đất liền để tìm nơi tránh trú bão.

Riêng 14 phương tiện với 97 lao động đang hoạt động tại vùng đảo Hoàng Sa đã ra khỏi khu vực ảnh hưởng của bão. Đến sáng nay, Quảng Ngãi đã kêu gọi được 3.571 phương tiện/17.219 lao động vào bờ tránh trú bão an toàn. 

14h15, tin mới nhất từ Trung tâm Khí tượng - Thủy văn QG: Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Như vậy khoảng chiều và tối nay (30/9), vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị. Đến 19 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/h), giật cấp 9, cấp 10...

Theo bản tin phát lúc 15 giờ 15 ngày 30.9 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 15 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Tại Quàng Bình - Quảng Trị - Huế, hàng trăm ngôi nhà dân đã bị gió thổi tốc mái, cuốn bay. Cây cối đổ chắn ngang đường. Người dân địa phương đang tiếp tục di tản vào các nơi an toàn. Trên biển, các thuyền bè đi biển cũng đã tìm chỗ neo đậu, tránh bão.

Ông Trương Minh Tuấn - Phó giám đốc cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh, tính đến 13 giờ ngày 30.9, toàn bộ tàu thuyền trên biển và người dân sống khu vực bờ biển cảng Vũng Áng đã được cơ quan chức năng vận động, hỗ trợ hướng dẫn di dời đến nơi trú bão an toàn. Hiện cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh và cơ quan chức năng liên quan đang tiếp tục theo dõi, chỉ đạo sát sao những diễn biến phức tạp của bão số 10.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh sẵn sàng các biện pháp ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn xảy ra, đề phòng địa bàn bị chia cắt, cô lập dài ngày, sẵn sàng cứu đê, chủ động xã lũ, điều tiết mực nước tại các hồ đập trên địa bàn.

Lúc 15h30 chiều nay, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đang có mặt tại Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, tâm bão đang ở rất sát Đồng Hới, gió cấp 11-12, kèm theo mưa to. Khoảng 1-2 giờ tới, tâm bão dự kiến ở phía bắc tỉnh Quảng Bình.

Từ huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình), đến13g ngày 30-9, toàn huyện đã di dời 586 hộ dân đến nơi an toàn, gần 800 nhà dân khác cũng neo buộc nhà cửa kỹ càng, tập kết trâu bò lên chỗ cao, chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống đủ dùng 10 ngày. Nhiều thuyền máy, đò và ca nô được huy động sẵn sàng đối phó bão.

Lúc 14g30, quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Quảng Trị, kéo dài ra Đông Hà, qua Gio Linh, Hồ Xá, Quảng Trạch đến thành phố Đồng Hới chìm trong mù mịt mưa.Từng dãy phố im ỉm không bóng người. Trên quốc lộ những đoàn xe không thể tiếp tục lưu thông đã khựng lại hai bên đường. Những chiếc xe cố gắng chạy thoát khỏi tâm bão bị gió quật chao đảo như người say rượu trên đường.

Nhiều chiếc xe máy bị bỏ lại trên đường trong khi chủ nhân của nó tìm những nơi an toàn để trú ẩn. Đất trời xám xịt, tối sầm. Từng trận gió quật liên hồi dưới mưa dày đặc. Những thân cây to bị bắt đầu gãy đổ, những tàn cây bị gió phạt đứt ngang tung bay khắp các mặt đường.

 

 

Quốc lộ 1A ngổn ngang cây cối. Trong những cây xăng từng đoàn xe tải trú ẩn, những chiếc xe đậy bạt bị gió cuốn sạch. Những mái tôn của các căn nhà tạm ven đường bắt đầu bay liệng phần phật trong gió. Những biển quảng cáo đổ ngổn ngang trên các đồng ruộng. Nhiều căn nhà ở Cam Thủy, huyện Quảng Trạch bắt đầu đổ sập, nhiều người la khóc trong tiếng gió rít.

Những cành tre, trúc, dừa cúi gập đầu xuống mặt đất vì gió. Tiếng mái tôn xô xác, tiếng gió rít đanh tai bắt đầu nổi dậy. Những cành cây bắt đầu bị tuốt lá chỉ còn trơ cành đứng trơ mình hứng gió. Trước đó, điện lưới đã hoàn toàn bị cắt. Mọi phương tiện liên lạc bắt đầu bị đứt, sóng điện thoại chập chờn sắp tắt.

Có mặt tại vùng biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), PV Tiến Long đang cho biết bão đã ở gần bờ biển, mưa to gió lớn mịt mù. Ngoài trời chỉ thấy một màn mưa xối xả và gió gầm rú.

Lúc 15g, gió giật mạnh mẽ hơn, cây cối đổ ngẩn ngang khắp bốn phía. Sóng biển tràn lên đập vỡ nhiều chiếc thuyền, dù đã được ngư dân kéo lên bãi cát cao. Một số nhà dân đã bị gió thổi tốc mái. Có tiếng người kêu cứu trong mưa. Sóng điện thoại rất yếu, sóng 3G mất hoàn toàn.

Từ Đồng Hới, PV cho hay mưa gió đã bắt đầu dữ dội, cây cối ngã khắp các đường phố, không còn một bóng người trên đường, điện đã cúp hoàn toàn. Mưa to và gió gầm rú nên phải gào lớn thì mới nghe qua điện thoại được. Sóng dâng cao khiến nước sông Nhật Lệ lên nhanh, đã ngập hết các nhà ven sông.

Bên cạnh đó ở Quảng Bình, Quảng Trị đã có hàng chục ngàn nhà bị tốc mái và sập đổ; nhiều tàu thuyền bị hư hỏng do va đập tại nơi tránh trú, hàng ngàn cây cối bị đổ và nhiều tuyến giao thông bị ngập sâu, chia cắt cục bộ (chưa có số liệu cụ thể).

Đến chiều tối 30/9, văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, thống kê chưa đầy đủ tính đến 18g30 ngày 30-9, đã có 3 người bị thương trong bão số 10 (Quảng Bình 2 người, Thừa Thiên Huế 1 người).

Tại Thừa Thiên - Huế, bão làm sập 3 nhà, tốc mái 76 nhà. Hiện 7 thôn thuộc 2 xã Phong Thủy, Phong Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế bị cô lập do nước ngập sâu, mất điện toàn huyện. Tại các xã Vĩnh Hải, Vinh Hiển, huyện Vĩnh Lộc và xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, nước biển xâm thực sâu vào đất liền khoảng 20-35 m, dài khoảng 10,4 km.

Trước đó, lúc 7g ngày 30-9, tại của Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tàu vỏ sắt không số (quốc tịch Trung Quốc) với 3 người trên tàu bị sóng đánh đứt dây neo, trôi dạt. Biên phòng Nghệ An tổ chức lai dắt tàu bị nạn vào bờ an toàn.

Nhằm phòng chống và khắc phục hậu quả của bão, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, quân chủng huy động  14.408  bộ độ và dân quân tự vệ cùng 153 phương tiện (106 ô tô, xe đặc chủng, 47 tàu xuồng) tham gia ứng trực, phòng chống bão.

 

 

Lo ngại thiệt hại của bão số 10 gây ra như bão Xangsane

Nhiều chuyên gia nhận định bão số 10 rất nguy hiểm

Nhóm PV Thời Sự tổng hợp

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang