Thông tin mới nhất về tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích ngày 12/3

author 07:52 12/03/2014

Chiếc máy bay mất tích bí ẩn của hãng hàng không Malaysia Airlines đã gửi đi ít nhất là 2 tin báo kỹ thuật cho hãng hàng không này trước khi biến mất, trang tin MSN (Mỹ) dẫn báo cáo từ tạp chí khoa học New Scientist (Anh) khẳng định ngày 12.3.

Sự kiện:

 

“Malaysia Airlines đã không tiết lộ họ có biết được gì từ dữ liệu ACARS được gửi tự động từ máy bay hay không, hoặc họ có nhận được dữ liệu dạng này hay không”, New Scientist cho hay.

ACARS là tên gọi kỹ thuật của loại tin nhắn được tạo ra bởi một hệ thống máy tính có khả năng tự động liên lạc với mặt đất được trang bị trên chiếc máy bay Boeing 777-200ER. Tin nhắn ACARS được gửi qua sóng radio VHF hay vệ tinh tại một số thời điểm trong chuyến bay, chẳng hạn như lúc cất cánh, trong quá trình tăng độ cao, một số thời điểm trong lúc đang bay và lúc hạ cánh.

Các tin nhắn này giúp nhân viên kỹ thuật dưới mặt đất tiến hành các bước cần thiết nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị cho máy bay sau khi hạ cánh. Chúng cũng có thể giúp các nhà điều tra biết được máy bay đã gặp sự cố gì.

Tạp chí New Scientist lưu ý rằng thông báo thứ 11 của Malaysia Airlines có nói: “Tất cả máy bay của Malaysia Airlines đều được trang bị hệ thống truyền tin tự động ACARS. Tuy nhiên, đã không có cuộc gọi báo tình huống nguy cấp nào và cũng không có thông tin nào được gửi đi (từ chiếc máy bay)”.

 

 

“Thông báo này có nghĩa là (Malaysia Airlines) đã không có dữ liệu cụ thể nào trong tay. Nhưng New Scientist được biết Rolls Royce, hãng sản xuất động cơ cho chiếc Boeing 777 bị mất tích, đã nhận được 2 báo cáo từ chuyến bay MH370 tại trung tâm giám sát tình trạng động cơ toàn cầu của Rolls Royce ở thành phố Derby (Anh), nơi giám sát 24/24 động cơ đang được sử dụng do hãng này sản xuất”, tạp chí Anh cho hay.

“Một báo cáo được truyền đi lúc MH370 cất cánh từ sân bay quốc tế Kualar Lumpur và báo cáo còn lại được gửi lúc chiếc máy bay này đang tăng độ cao hướng về phía Bắc Kinh”, theo New Scientist.

Tạp chí này còn khẳng định thêm rằng báo cáo về động cơ có trong tin báo tự động ACARS, vốn báo cáo tổng thể về tình trạng hệ thống chuyến bay, vì thế “điều này đồng nghĩa với việc Malaysia Airlines đã có một số manh mối về tình trạng của chiếc máy bay trước khi nó biến mất”.

“Chiếc máy bay có vẻ đã không bay được đủ lâu để có thể phát đi thêm các báo cáo ACARS”, New Scientist nhận định.

 

 

Tạp chí này cho biết thêm rằng, theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, các báo cáo dạng này thông thường phải được giữ bí mật cho đến khi giao cho nhân viên điều tra hàng không.

Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích bí ẩn đã bước sang ngày thứ 5, nhưng tung tích chiếc máy bay vẫn chưa được tìm thấy.

Trước đó, CNN cho biết hiện hải quân Mỹ đã triển khai máy bay tuần tra P-3C Orion hiện đại tới bờ biển phía tây Malaysia để tìm kiếm chiếc Boeing mất tích.

Máy bay Orion có các cảm biến có thể phát hiện những mảnh vỡ nhỏ trên mặt biển. Phía Trung Quốc cũng cho biết đã triển khai 10 vệ tinh có khả năng chụp hình ảnh độ nét cao nhằm hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.

Việc có hai hành khách sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp lên máy bay đã làm dấy lên nghi vấn khủng bố cướp máy bay. Tuy nhiên AFP cho biết hôm qua Cảnh sát quốc tế (Interpol) xác định hai người sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp là người Iran, một 18 tuổi, một 29 tuổi. Họ nhập cảnh Malaysia bằng hộ chiếu thật vào ngày 28-2, trước khi dùng hộ chiếu bị đánh cắp để lên chuyến bay MH370.

“Càng có thêm nhiều thông tin chúng tôi càng tin rằng đây không phải là một vụ tấn công khủng bố” - tổng thư ký Interpol Ronald Noble tuyên bố. Chiều 11-3, sau khi PV Tuổi Trẻ tại Sepang (Malaysia) đặt câu hỏi: “Khi nào thì ngài công bố cho báo chí hình hai người dùng hộ chiếu giả?”, ông Tan Sri Khalid Bin Abu Bakar - chỉ huy Lực lượng cảnh sát hoàng gia Malaysia - đã đồng ý cung cấp.

Ngay sau khi cuộc họp báo kết thúc, bà Aloyah Binti Mamat - giám đốc Cục Xuất nhập cảnh Malaysia - đã công bố hình hai người dùng hộ chiếu giả. Cảnh sát Malaysia cũng cho biết thanh niên Iran 18 tuổi tên Pouria Nour Mohmammad Mehrdad và anh này “không có dáng vẻ giống như một kẻ khủng bố”.

Cảnh sát hoàng gia Malaysia cho biết có thể hai người này muốn nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Tin cho hay mẹ của Mehrdad đang đợi con trai bà ở Frankfurt.

Bất chấp thông tin này, cảnh sát Malaysia vẫn chưa loại trừ khả năng máy bay bị không tặc. Theo AFP, mới đây có một nhóm tự xưng là Lữ đoàn tử sĩ Trung Quốc khẳng định đã cướp chiếc máy bay mất tích. Nhóm này đã gửi thư điện tử cho nhiều nhà báo ở Trung Quốc khẳng định: “Mi giết một người của chúng tao, chúng tao sẽ giết 100 người để báo thù”. Bộ trưởng giao thông Malaysia Datuk Seri Hishammuddin cho biết bức thư điện tử này được gửi qua dịch vụ web Hushmail có mã hóa. Do đó không thể dò tìm được nguồn gốc của bức thư này. Phía Malaysia tình nghi đây chỉ là một vụ “nhận vơ” để kích động căng thẳng sắc tộc ở Trung Quốc.

 

Sáng nay 12-3, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam cho biết thông tin phát hiện dấu vết máy bay số hiếu MH370 mất tích ở eo biển Malacca chưa thể xác thực và có khả năng chỉ là tin đồn, không chính xác.

Tin từ Trung tâm Chỉ huy chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370 mất tích tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết Việt Nam đã có được sự xác nhận từ phía Malaysia về thông tin tìm thấy dấu vết máy bay mất tích ở eo biển Malacca.

Malaysia cho biết họ đang xác minh, kiểm tra và đó chỉ là tin đồn.

Tối qua (11-3) Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng lên tiếng xác nhận chưa có cơ quan nào thông báo chính thức cho Việt Nam và cần phải cảnh giác trước những thông tin có thể gây nhiễu loạn.

 

Tại buộc họp báo sáng nay tại Sở chỉ huy tiền phương đặt tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết Việt Nam sẽ ngưng phần lớn hoạt động tìm kiếm máy bay Malaysia.

Trước đó, ông Phạm Văn Long - Phó giám đốc Công ty quản lý bay miền Nam - thừa ủy quyền của Ủy Ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia - tuyên bố trong ngày hôm nay (12-3) tất cả lực lượng không quân, hải quân và các lực lượng khác tham gia tìm kiếm máy bay CH370 của Malaysia mất tích đang phải tạm dừng, lực lượng đang ở biển cũng phải dừng tại chỗ chờ lệnh chính thức của Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, Việt Nam sẽ dừng phần lớn hoạt động tìm kiếm, nhưng vẫn duy trì hoạt động tìm kiếm tại vùng FIR (vùng thông báo bay). Phía VN chờ thông tin chính thức từ Chính phủ Malaysia.

Trả lời câu hỏi của báo chí: Cơ quan chức năng của Việt Nam có thất vọng hay không về việc chậm trễ công bố thông tin dấu hiệu máy bay Malaysia mất tích ở Malacca, thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đáp: "Để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ nên hỏi thân nhân của những nạn nhân trên máy bay đó có thất vọng hay không?"

Thông ông Tiêu, cơ quan chức năng của VN sẵn sàng chờ thông tin chínn thức về việc hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn của Chính phủ Malaysai. Nếu nước bạn có yêu cầu, Việt Nam sẽ điều ngay lực lượng để hỗ trợ. Từ khi xảy ra vụ tai nạn đến nay, cơ quan chức năng của Việt Nam chỉ nhận được thông tin trao đổi từ một Ủy viên quân sự của Malaysia. Tuy nhiên, vị này cũng chủ yếu đề nghị phía VN cung cấp thông tin về việc triển khai tìm kiếm, chứ cũng không cung cấp cho VN thông tin nào khác về dấu hiệu máy bay hay quá trình tìm kiếm của cơ quan chức năng Malaysia.

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo TT-TN-HNM

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang