Thông tin mới nhất vụ bê bối thực phẩm thịt ngựa giả bò

author 08:56 17/02/2013

Có 11 nước châu Âu thừa nhận có thịt ngựa giả thịt bò bán trong nước. Đồng thời, Pháp và Anh bước đầu đã xác định được thủ phạm

Theo điều tra của cảnh sát Pháp - nước có 3 doanh nghiệp tình nghi nằm trong đường dây “treo đầu bò bán thịt ngựa” - vụ việc bắt đầu từ chi nhánh Công ty Thực phẩm Findus của Thụy Điển ở Boulogne-sur-mer, Pháp (số 1 trên sơ đồ).

Lòng vòng như ma trận

Đơn vị này đặt Công ty Chế biến thực phẩm Comigel có trụ sở ở TP Metz, Đông Bắc nước Pháp, làm món lasagne beef (thịt bò xay trộn bột mì và nước xốt) đông lạnh 100% thịt bò (xem sơ đồ, số 2).

Comigel giao nhiệm vụ thực hiện hợp đồng chế biến thành phẩm lasagne beef cho Tavola, một chi nhánh của Comigel ở Luxembourg nằm giữa Bỉ, Pháp và Đức, có nhà máy chế biến thịt đông lạnh lớn (số 3).

Để có nguyên liệu sản xuất lasagne beef, Tavola đặt mua thịt bò tươi ở một công ty của Pháp là Spanghero ở Castelnaudary thuộc tỉnh Aude (số 4). Công ty này không trực tiếp sản xuất thịt nên đặt mua qua một thương lái ở Cyprus (số 5). Thương lái này nhờ một thương lái khác ở Hà Lan (số 6) nổi tiếng về cung cấp thịt giá cạnh tranh nhất mua thịt ngựa của 2 lò mổ lớn của Romania (số 7).

Nhật báo  Anh Financial Times tiết lộ thương lái Hà Lan là ông Jan Fasen, chủ Công ty Draap Trading. Điều đáng nói là ông chủ có quốc tịch Bỉ này từng bị tòa án TP Breda, nơi công ty đặt trụ sở, kết án 9 tháng tù hồi tháng 1-2012 về tội bán thịt ngựa Argentina nhưng quảng cáo là thịt bò Đức trên thị trường Pháp.

Sơ đồ “quá trình” biến thịt ngựa thành thịt bò. Ảnh: LE MONDE

Lò mổ Romania vô can

 

Vô cớ bị tố cáo làm ăn gian dối trong vụ xì-căng-đan thịt ngựa biến thành thịt bò, chính quyền Bucharest cùng 2 lò mổ bị nêu tên là CarmOlimp và DoliCom đã phản ứng mạnh mẽ.

Cuối tuần rồi, Thủ tướng Romania Victor Ponta khẳng định trong một cuộc họp báo quốc tế rằng các lò mổ ở Romania đã tuân thủ nghiêm túc những quy định thương mại quốc tế, do đó “chúng tôi không thể chấp nhận bất cứ nghi vấn nào”.

Đài truyền hình Anh Sky News đã xác nhận tuyên bố của thủ tướng Romania là chính xác. Phóng viên của đài đã tìm thấy vận đơn đường bộ của lò mổ CarmOlimp ở TP Brasov gửi cho Tavola, chi nhánh của Comigel ở Luxembourg. Vận đơn ghi rõ “Carne Cal Integral”, tức là thịt ngựa 100% bằng tiếng Romania.

Bà Loredana Albu, người phát ngôn của CarmOlimp, nói với Sky News: “Hàng hóa được ghi rõ là thịt ngựa đông lạnh đóng gói từ 25 đến 30 kg. Không hề có sự gian dối nào ở đây”. Bà Albu còn cung cấp cho đài bản sao email của Công ty Draap Trading (Hà Lan), xác nhận đã nhận được lô hàng thịt ngựa của lò mổ. Năm 2012, CarmOlimp - một trong những lò mổ thịt hiện đại và lớn nhất ở Romania - đã xuất bán cho một khách hàng Hà Lan 60 tấn thịt ngựa đã lóc xương. Giám đốc CarmOlimp không cho biết tên khách hàng này.

Lò mổ DoliCom cũng đưa ra những tài liệu cho thấy đã xuất thịt đông lạnh cho thương lái Hà Lan có dán nhãn “thịt ngựa” đàng hoàng. DoliCom cũng xuất thịt ngựa cho Thụy Điển và Bulgaria nhưng chưa bao giờ xuất sang Pháp. Iulian Cazacut, giám đốc lò mổ DoliCom, than phiền công ty của ông và chính phủ Romania đã bị đối xử không công bằng. Việc đánh tráo thịt ngựa thành thịt bò xảy ra ngoài biên giới Romania.

Spanghero bị điểm mặt và kêu oan

Ngay sau khi bùng nổ xì-căng-đan thịt ngựa biến thành thịt bò, Pháp đã khởi tố vụ án, mở cuộc điều tra đại quy mô. Ngày 14-2 vừa qua, kết quả điều tra ban đầu đã được trình báo lên chính phủ Pháp. Theo đó, Spanghero đã đưa vào thị trường các nước 750 tấn thịt dán nhãn thịt bò nhưng thực chất là thịt ngựa trong nhiều tháng qua, thu lãi 550.000 euro.

Bộ trưởng đặc trách tiêu dùng Pháp, ông Benoit Hamon, đã cáo buộc Spanghero biết rõ đó là thịt ngựa vì giá nhập rẻ hơn giá thịt bò trên thị trường rất nhiều nhưng vẫn dán nhãn thịt bò. Vì lẽ này, Spanghero phạm tội “Lừa đảo kinh tế” và sẽ bị khởi tố. Spanghero có thể bị phạt 180.000 euro - một số tiền mà ông Hamon cho là quá nhỏ so với lợi nhuận. Riêng người có trách nhiệm có thể bị phạt 2 năm tù giam.

Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane le Foll cho biết bộ đã tạm thời rút giấy chứng nhận chế biến thịt an toàn của công ty. Tuần tới, bộ mới quyết định xem có rút giấy này vĩnh viễn hay không.

Spanghero đã phản pháo ngay sau đó. Ngày 15-2, phát biểu trên đài truyền hình Europe 1, Barthélémy Aguerre, Chủ tịch Công ty Spanghero, khẳng định rằng công ty ông “không hề đặt mua thịt ngựa” và cũng “không hề biết công ty bán thịt ngựa”. Ông chỉ trích Bộ trưởng Benoit Hamon “ăn nói hồ đồ”, đe dọa đời sống của hơn 331 công nhân viên và gia đình họ “mà không trưng ra được bằng chứng nào”. Ông Aguerre cho biết đang hợp tác nghiêm túc với cơ quan điều tra và sẽ đâm đơn kiện thương lái giao thịt cho công ty.

Trường học, bệnh viện Anh cũng bị lừa

Trong khi cuộc điều tra ở Pháp tiếp tục mở rộng thì tại Anh, nơi khởi nguồn vụ lừa đảo lớn nhất trong ngành chế biến thực phẩm châu Âu, chính quyền vùng Lancashire (Tây Bắc nước Anh) xác nhận 47 trường học trong vùng từng ăn nhầm thịt ngựa xay giả thịt bò. Tại Bắc Ireland hôm 15-2, công ty cung cấp thịt cho cơ sở y tế xác nhận đã phát hiện thịt ngựa băm hiện trong các bệnh viện của lãnh thổ thuộc nước Anh này.

Ngày 15-2, Cục An toàn thực phẩm Anh đã khám xét thêm 3 cơ sở chế biến thịt, lấy mẫu đem xét nghiệm. Máy tính và nhiều tài liệu khác cũng bị tịch thu. Trước đó, ngày 14-2, cảnh sát đã bắt tạm giam 3 người về tội bán thịt ngựa giả thịt bò. Hai cơ sở chế biến thịt đã bị đình chỉ hoạt động.

Theo NLD

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang