Thông tin vụ biệt thự khủng của ông Trần Văn Truyền: Nghi ngờ hợp lý?

author 12:02 26/02/2014

Mấy ngày qua, dư luận đang "nóng" lên khi biết thông tin về dinh thự "khủng" của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ ở xã Sơn Đông, TP. Bến Tre. TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cũng đưa ra quan điểm của mình xung quanh những luồng dư luận liên quan tới vấn đề này.

Theo TS Hồng thì việc dư luận nghi ngờ về khối tài sản khổng lồ của các quan chức cũng có nguyên nhân hợp lý chứ không phải đơn thuần dư luận “lên án” các quan chức ấy.

Bởi lẽ, trong bối cảnh của Việt Nam, với mức lương, thu nhập của các quan chức mà người ta gọi là “đầy tớ của nhân dân” thì rõ ràng không thể nào có được tài sản và những dinh cơ như thế. Đó là lý do vì sao người dân thấy quan chức giàu có thì họ có ý kiến, họ lên án.

Nhìn rộng ra ở các nước đang phát triển, TS Hồng nói: Dư luận rất sáng suốt. Ở những nước phát triển, nếu đơn thuần chỉ là quan chức, họ cũng không giàu và cũng không có những cơ ngơi đồ sộ. Hơn nữa, tư gia của họ khá đơn giản.

Đi từ những dẫn chứng thực tế, TS. Khuất Thu Hồng đưa ra quan điểm: Cũng có thể có những quan chức giàu có vì những lý do khác. Như tài sản của ông cha để lại hay họ có khả năng kinh doanh mặt hàng gì đó sau khi nghỉ hưu. Nhưng tôi nghĩ, dư luận khá sáng suốt ở chỗ, quan chức ở Việt Nam nếu cha mẹ có điều kiện thì ở độ tuổi về hưu cũng khó nhận được tài sản của cha mẹ. Nếu quan chức ấy về hưu rồi mới kiếm tiền thì chắc ông ấy phải làm điều gì đó “không bình thường” mới có cơ ngơi như thế.

Theo thông tin đưa ra từ một tờ báo thì không chỉ là những biệt thự, lô đất sở hữu trước đây mà ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đang triển khai “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000 m2 (3ha) tại xã Sơn Đông, TP. Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một biệt dinh hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt, không dùng đến một cái đinh sắt.

Nhưng trả lời trên báo chí, ông Truyền cũng từng nói: Tôi đã đọc bài báo nói về tôi. Tôi xác định rất nhiều thông tin trong bài báo đó không chính xác.

Cái sự không chính xác được ông Truyền dẫn dụ bằng con số lô đất đó chỉ có 1ha chứ không phải 3ha như báo chí đã nêu. Và theo một con số mà phóng viên "tiếp cận" được thì lô đất đó là 1,7ha. Câu hỏi đặt ra ở đây: Đâu là con số "đáng tin cậy"?

Hơn nữa, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa ra thông tin, ông Truyền có con làm “đại lý bia Sài Gòn”. Và cũng theo ông Truyền thì, khu đất này ngày trước do người ta để hoang hóa, con trai ông mua được với giá rẻ.

Nhưng tất cả mới chỉ là sự phản biện của ông Truyền mà chưa có văn bản, giấy tờ nào được cung cấp để chứng thực cho những dẫn chứng phản biện mà ông Truyền đưa ra.

Theo quan điểm của TS. Khuất Thu Hồng thì, trước "bão" dư luận thì ông Truyền vẫn có những cách để chứng minh mình trong sạch, để làm "dịu" đi dư luận. Ông Truyền phải chứng minh được tiền mà mình dùng để xây dựng dinh cơ đó là ở đâu ra, con trai của ông làm thu nhập một tháng là bao nhiêu, cơ ngơi của con ông ấy trị giá là bao nhiêu và có ở đó với ông Truyền hay không…

Căn biệt thự rộng trên mảnh đất hàng nghìn mét vuông được cho là một phần trong khối tài sản của ông Trần Văn Truyền

“Trong trường hợp này ông Truyền có bị oan chăng nữa thì việc người dân đánh giá ông ấy có tài sản lớn như hiện nay, theo tôi nghĩ, dư luận ấy xu hướng là đúng. Tất nhiên cũng có thể có 1 – 2 cá nhân may mắn có tài sản khổng lồ. Nhưng số đó rất ít. Nhất là trong một đất nước có mấy chục năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, quan chức của chúng ta phần lớn là giai cấp vô sản thì việc đến bây giờ ông Truyền có dinh cơ đồ sộ như thế chắc chắn sẽ khiến dư luận nghi ngờ”, TS Hồng bình luận.

TS Hồng khẳng định thêm: Những người sống ở đó họ cũng biết ai là ai và tiền của mỗi người ở đâu ra. Tôi không suy nghĩ gì về tài sản của ông Truyền nhưng để bình luận về việc dư luận đánh giá như thế nào thì tôi nói dư luận có những hạt nhân hợp lý.

Bàn thêm về “trách nhiệm của truyền thông” trong sự việc về ông Truyền nói riêng và rất nhiều sự việc khác nói chung, TS. Khuất Thu Hồng nói thêm: Truyền thông mang lại thông tin để người dân nắm được tất cả mọi việc xảy ra trong xã hội. Nhưng truyền thông cũng phải thận trọng theo nghĩa là đưa ra một thông tin như vậy chúng ta định nói gì, định chứng minh gì? Và lẽ đương nhiên, muốn định hướng được dư luận, truyền thông phải đi tới cùng sự việc đó.

Vậy đâu là sự thật phía sau biệt thự của ông Trần Văn Truyền, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới độc giả...

 

 

 

 

 

Theo trithuctre

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang