Thông tư 12 góp phần bảo vệ người tiêu dùng, loại bỏ kinh doanh hàng kém chất lượng

author 19:48 08/11/2018

(VietQ.vn) - Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN góp phần bảo vệ người tiêu dùng, loại bỏ tình trạng kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo về Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho rằng: “Việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN (hay còn gọi là Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN) nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng, loại bỏ tình trạng các đối tượng vi phạm lợi dụng kẽ hở của quy định trước đó để kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng. Trong quá trình đưa Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN vào thực tế, chúng tôi có nhận được phản hồi của một số đơn vị doanh nghiệp, hiệp hội về những điểm vướng mắc. Do đó, hội thảo hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng bàn bạc, tháo gỡ các vướng mắc đó để cho việc thực hiện quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường được thực hiện nghiêm minh, hiệu quả”.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL chủ trì Hội thảo. Ảnh: Hán Hiển 

Tại cuộc họp, ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng SPHH đã trình bày báo cáo về quá trình xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN. Cụ thể, Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (Thông tư số 26) tính tới thời điểm sửa đổi, bổ sung đã ban hành được 5 năm.

Trong thực tiễn thi hành Thông tư 26 đã bộc lộ một số quy định còn thiếu tính khả thi, một số vấn đề chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất. Đặc biệt có những quy định còn kẽ hở nên các đối tượng vi phạm lợi dụng để kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng.

 Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hán Hiển

Tại Công văn số 401/BDN ngày 17/12/2016 của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển kiến nghị của cử tri tới kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, có nêu kiến nghị của tỉnh Tây Ninh: “Quy định lấy mẫu hàng hóa, nhất là mặt hàng xăng dầu còn nhiều bất cập, còn tạo kẽ hở nên các đối tượng vi phạm lợi dụng để vi phạm trong sản xuất kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng theo quy định. Như tại điểm d khoản 2 Điều 9 tại Thông tư số 26/TT/2012/TT-BKHCN… Đa số các lần thử nghiệm lại đều đạt yêu cầu chất lượng so với quy định”.

Tại thông báo số 367/TB-VPCP ngày 14/11/2016, thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An, có nêu tại mục III.A.7. Lĩnh vực khoa học và công nghệ: “về điều chỉnh quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, việc lấy mẫu hàng hóa để kiểm tra chất lượng giao Bộ KH&CN nghiên cứu, xem xét cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh”.

Do đó, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN là cần thiết nhằm: Sửa đổi các quy định bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, đồng thời cũng tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh bình đẳng trước pháp luật; Bổ sung các quy định còn thiếu nhằm đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật được thực hiện đầy đủ và chặt chẽ; Đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất không tạo kẽ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng; Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong quá trình xây dựng Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN, BKH&CN đã gửi Dự thảo thông tư đi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ KH&CN đã điều chỉnh các quy định trong dự thảo thông tư cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nhưng vẫn đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại Dự thảo 3 gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội các cơ quan chức năng của Bộ KH&CN đã dự thảo quy định mẫu được chia làm 3 đơn vị mẫu. Trường hợp kết quả thử nghiệm mẫu lần đầu không đạt chất lượng, người bán hàng có thể đề nghị thử nghiệm lại hai đơn vị mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra, nếu cả hai đơn vị mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra có kết quả thử nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, chứng nhận hợp chuẩn hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì kết luận hàng hóa đạt yêu cầu chất lượng (Dự thảo 3 cũng đã được công khai trên Cổng thông tin Bộ KH&CN).

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hán Hiển 

Tuy nhiên, không có căn cứ để kết luận kết quả thử nghiệm mẫu lần sau sẽ chính xác hơn vì tổ chức thử nghiệm khi đã đăng ký hoạt động thử nghiệm hoặc được chỉ định phải có năng lực thử nghiệm và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc cung cấp kết quả thử nghiệm cho cơ quan kiểm tra. Hơn nữa, quy định như vậy sẽ gây mất thời gian, tốn kém lãng phí cho cơ quan kiểm tra, doanh nghiệp. Vì vậy, tại dự thảo tiếp theo (dự thảo 4) đã bỏ đi quy định này.

Dự thảo 4 tiếp tục được Tổng cục TCĐLCL gửi đi lấy ý kiến của một số bộ ngành, địa phương (UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế) và đa phần các ý kiến đều thống nhất với dự thảo.

Riêng chỉ có Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh đề nghị làm rõ việc quy định phải lưu 01 đơn vị mẫu tại cơ quan kiểm tra nhằm mục đích gì, trường hợp sau khi nhận được kết quả thử nghiệm mẫu không đạt, cơ sở có khiếu nại về kết quả thử nghiệm mẫu thì cơ quan kiểm tra xử lý như thế nào. Nội dung này đã được Tổng cục TCĐLCL làm rõ tại Công văn trar lời các hội, hiệp hội trong ngành chế biến thực phẩm (Công văn số 2892/TĐC-QLCL)

Về việc bãi bỏ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN, theo ông Trần Quốc Tuấn, từ thực tế công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và ý kiến phản ánh của cử tri được nêu tại Công văn số 401/BDN ngày 7/12/2016 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy quy định này còn nhiều bất cập, còn kẽ hở nên các đối tượng vi phạm lợi dụng để vi phạm trong sản xuất kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng vì đa số các lần thử nghiệm lại đều đạt yêu cầu chất lượng so với quy định. Vì vậy, Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN đã bãi bỏ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN.

Việc bãi bỏ quy định này là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và không để các đối tượng vi phạm lợi dụng để kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng không làm mất đi quyền khiếu nại của người bán hàng liên quan đến kết quả thử nghiệm mẫu.

Khi kết quả thử nghiệm mẫu không đạt, người bán hàng có khiếu nại thì cơ quan kiểm tra, người giải quyết khiếu nại xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Tùy theo tình hình thực tế, người giải quyết khiếu nại có thể xem xét quyết định thử nghiệm mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra để giải quyết thiếu nại.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến. Ảnh: Hán Hiển 

Cũng tại Hội thảo, lần lượt các hiệp hội, các bộ, ngành và doanh nghiệp có liên quan đã có những ý kiến đóng góp, chia sẻ những khó khăn trong quá trình đảm bảo thực hiện Thông tư 12/2017/TT-BKHCN đặc biệt là đối với vấn đề lấy mẫu, thử nghiệm.

Thay mặt phía Tổng cục TCĐLCL, ông Nguyễn Hoàng Linh cùng với cũng đã tiếp nhận các ý kiến phản hồi của hiệp hội, bộ ngành, cơ quan liên quan về những vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 12/2017/TT-BKHCN. Đồng thời, cùng với các cơ quan trong Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL có những chia sẻ thẳng thắn, giải đáp những khúc mắc từ các hiệp hội, bộ ngành, cơ quan liên quan trong việc thực hiện thông tư nêu trên.

Hán Hiển

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giải đáp về quy định phân tích mẫu hàng hóa(VietQ.vn) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẳng định, Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN không tước bỏ quyền khiếu nại của người bán hàng, theo đó người bán hàng có quyền khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang