Thông tư 20 hay lại chuyện 'chân lý thuộc về tôi - ông lớn'

author 18:31 04/08/2016

(VietQ.vn) - Đây chính là lúc Thông tư 20 cần khép lại, trả lại môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia.

Chính thức thì Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã có văn bản gửi Thủ tướng về vấn đề bãi bỏ Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu xe ô tô và nhấn mạnh rằng điều đó "có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước".

Vấn đề gây tranh cãi trong Thông tư 20 ban hành năm 2011 chính là quy định về việc nhập khẩu xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống cần phải có giấy uỷ quyền chính hãng của hãng sản xuất, có xưởng bảo hành xe...

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng từ khi thông tư này ra đời thì hàng trăm nhà nhập khẩu xe tư nhân Việt Nam đã bị loại ra khỏi cuộc chơi, một số ít đang sống lay lắt, thị trường xe Việt Nam hiện chỉ dành cho các ông lớn nước ngoài và một số rất ít ông lớn trong nước như Thaco Trường Hải.

Chính quy định về giấy ủy quyền chính hãng đã là rào cản khiến cho các nhà nhập khẩu xe tư nhân ở Việt Nam bị loại khỏi cuộc chơi. Vì sao?

Lý do là các nhà sản xuất ô tô lớn như Toyota, Ford không dễ dàng gì trao giấy uỷ quyền nhập khẩu cho doanh nghiệp nào khác ngoài doanh nghiệp của họ đang hoạt động tại Việt Nam.

Hệ quả là có đến hàng trăm nhà nhập khẩu xe tư nhân ở Việt Nam bó tay chịu trói, dù nhiều trong số họ đã chi rất nhiều tiền đầu tư lớn cho hệ thống của mình.

Cuối cùng thì cũng chỉ hoạt động lay lắt, cầm chừng, chủ yếu sống bằng nghề nhập xe cũ. Phần nhập xe mới gần như hoàn toàn nằm trong tay các công ty nước ngoài, và một số ít công ty lớn trong nước như Trường Hải.

Chính Trường Hải là một trong những doanh nghiệp đứng đơn đề nghị xin giữ lại Thông tư 20 này.

Trong văn bản của mình gửi Thủ tướng, ông Vũ Tiến Lộc nêu rõ: " Trường Hải từng xuất phát từ một doanh nghiệp nhỏ, phân phối xe, sau đó mới phát triển trở thành doanh nghiệp sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam. Nhà nước nên trao cho các doanh nghiệp nhỏ cơ hội để phát triển chứ không nên ngăn cản, từ đó mới có các doanh nghiệp tư nhân lớn như Trường Hải"

Ngày 21/7, một cuộc họp bàn về Thông tư 20 tại Bộ Công Thương đã diễn ra với một thế lực theo ông Tuấn mô tả là "không cân sức" khi đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), và Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng (VIVA) có đến hàng chục các ông lớn, và chiếm phần lớn thời lượng diễn đàn thì các nhà nhập khẩu ô tô trong nước chỉ vỏn vẹn 3 người.

Bên ngoài, nhiều doanh nghiệp chờ sẵn, xin vào tham dự, nhưng không được. "Ngay cả những đại diện được tham dự hầu như chưa từng tham dự các cuộc họp dạng bàn về chính sách như thế này bao giờ, chưa quen diễn đạt các lập luận về luật pháp, không kiềm chế được cảm xúc khi phát biểu.... VCCI có lẽ là tiếng nói hiếm hoi ủng hộ họ", ông Tuấn kể.

Bên ngoài, một nhóm các nhà nhập khẩu xe đã kịp treo lên một băng rôn khẩu hiệu kêu gọi bỏ Thông tư 20 để tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh.

Điều đáng nói là cuộc vận động chính sách này là "cuộc chơi" không hề cân sức giữa một nhóm các nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô nước ngoài chuyên nghiệp, bài bản, tổ chức tốt và một nhóm nhỏ các nhà nhập khẩu xe ô tô tư nhân trong nước, thậm chí chưa hề có hiệp hội.

Sự bất bình đẳng có thể thấy rõ khi môi trường kinh doanh không còn mang tính cạnh tranh, khiến người tiêu dùng mua xe không có lợi.

VCCI chỉ rõ rằng Thông tư 20 không hề có tác dụng hạn chế nhập siêu như một trong những mục tiêu đề ra. Các số liệu cho thấy, năm 2011, thời điểm ban hành, nhập khẩu xe dưới 9 chỗ đạt giá trị  1,02 tỷ USD. Đến năm 2015, con số này lên tới 2,98 tỷ USD, ấy là còn chưa tính thuế.

Tỷ trọng của ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn quốc năm 2011 là 0,94%, nhưng đến năm 2015 là 1,81% (tăng gần gấp đôi).

Và đây chính là lúc Thông tư 20 cần khép lại, trả lại môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia.

Trần Hoàng Phi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang