Nhập khẩu ô tô: Thông tư 20 'bóp nghẹt' doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng?

author 06:21 31/08/2016

(VietQ.vn) - Thông tư 20 của Bộ Công thương về thủ tục nhập khẩu xe ô tô dưới 09 chỗ ngồi được đánh giá là còn nhiều bất cập, cản trở doanh nghiệp và người tiêu dùng

Sự kiện: Ô tô - Xe máy

Ngày 26/6/2011, Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống (Thông tư 20) chính thức có hiệu lực. Theo đó, để nhập khẩu mặt hàng trên, ngoài tuân thủ quy định hiện hành, nhà kinh doanh phải có giấy chỉ định hoặc ủy quyền của nhà nhập khẩu/phân phối từ chính hãng sản xuất hay hợp đồng đại lý chính hãng. Các giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo pháp luật.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũng cần phải có chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Chứng nhận là bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân. Tuy nhiên, không hề đơn giản để một doanh nghiệp nhỏ và vừa có được các giấy tờ theo quy định tại thông tư 20. Vì thế, giới kinh doanh ô tô đánh giá quy định của Bộ Công Thương như động tác “khép cửa” với thị trường xe hơi nhập khẩu không chính thức.

Theo quy định của Luật Đầu tư, từ ngày 1/7/2016, Thông tư 20 đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc bỏ hay giữ những quy định về nhập khẩu ôtô, thậm chí có đề xuất nên đưa những quy định này lên thành Nghị định vẫn chưa ngã ngũ.

Nhiều cơ quan ban ngành đã lên tiếng trước những hạn chế của Thông tư 20. Đứng về phía các nhà quản lý, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cơ quan đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là đơn vị đầu tiên có văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ. VCCI mong muốn Chính phủ sớm bãi bỏ Thông tư 20 vì các quy định trong Thông tư này đã vi phạm Luật Đầu tư, giảm cạnh tranh thị trường và chỉ bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp lớn.

Ngoài VCCI, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài Chính cũng là một trong những đơn vị quyết liệt đề nghị Bộ Công Thương xem xét tính pháp lý của Thông tư 20 với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Cơ quan này khẳng định Thông tư gây hạn chế thương mại của các doanh nghiệp nhỏ, gây hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Thậm chí, Vụ Hợp tác Quốc tế còn có văn bản gửi Tổng cục Hải Quan, trả lời về những đánh giá khó khăn, vướng mắc của Thông tư 20 hiện nay.

Cụ thể, Vụ Hợp tác Quốc tế khẳng định: "Tổng cục Hải quan cho rằng, việc bãi bỏ Thông tư 20 sẽ dẫn đến lượng nhập ô tô tăng, làm tăng thu ngân sách là chưa hoàn toàn đúng. Lượng xe nhập khẩu tăng sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, dẫn đến ảnh hưởng nguồn thu thuế nội địa, việc làm và phúc lợi xã hội. Xét về góc độ cạnh tranh bình đẳng, Thông tư 20 có phần làm hạn chế khả năng thương mại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa".

Về quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Bộ Giao thông Vận tải cấp, Vụ Hợp tác Quốc tế cho rằng: “Xét về góc độ người tiêu dùng thì có phần hạn chế quyền lựa chọn sản phẩm mức giá khác nhau của người tiêu dùng”. Về khía cạnh pháp lý, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương đánh giá về sự phù hợp của Thông tư với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các cam kết quốc tế khác trong các Hiệp định thương mại để báo cáo Chính phủ.

Cơ quan thuộc Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm: “Trong bối cảnh hiện nay, với xu thế loại bỏ hàng rào thuế quan của các FTA thì càng cần nghiên cứu xây dựng các quy định, tập trung vào xây dựng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật, việc này phù hợp hơn là hạn chế thương mại, vừa đảm bảo quyền lợi và lợi ích người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực còn non trẻ của Việt Nam”.

Trong khi đó, Bộ Công Thương - cơ quan soạn thảo Thông tư 20 và thực hiện quyền quản lý Nhà nước về hoạt động nhập khẩu xe ô tô vẫn chưa có phát ngôn chính thức nào về việc giữ hay xóa bỏ Thông tư trên. Mới đây, trong văn bản trả lời Tổng cục Hải Quan về đề nghị cho biết có tiếp tục duy trì các quy định của Thông tư 20 để nhất thể hóa hoạt động hải quan các tỉnh, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Tổng cục chờ Bộ này tiếp thu ý kiến các cơ quan khác, trình Chính phủ xem xét.

Đại diện các doanh nghiệp lớn đang chiếm phần đông thị trường cung ứng xe ủng hộ việc duy trì Thông tư 20, lý do đưa ra là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thị trường trong nước cũng như dư địa phát triển nền công nghiệp ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khá nhiều DN nhỏ và vừa đã và đang tham gia nhập khẩu, phân phối các loại xe ô tô tại Việt Nam đều kiến nghị xóa bỏ Thông tư với lý do chúng là rào cản gia nhập thị trường, phản cạnh tranh, bảo vệ quyền, lợi ích cho số đông doanh nghiệp lớn và vi phạm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Thông tư 20 hay lại chuyện 'chân lý thuộc về tôi - ông lớn'(VietQ.vn) - Đây chính là lúc Thông tư 20 cần khép lại, trả lại môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia.

Minh Tâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang