TS. Phan Đức Hiếu: 'Cần bãi bỏ quy định về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc'

authorNgọc Xen 07:02 22/02/2019

(VietQ.vn) - TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh cần bãi bỏ ngay quy định bắt buộc về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc trong thời buổi mà bằng cấp không phải là yếu tố quyết định.

Bày tỏ nhiều trăn trở tại Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp", TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chia sẻ hết sức thực tế về vấn đề quản trị doanh nghiệp cũng như trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc trong Luật doanh nghiệp hiện nay.

 TS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. 

QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP CÒN TƯƠNG ĐỐI 'XA XỈ'?

Về quản trị doanh nghiệp, tôi tạm gọi vấn đề này ở Việt Nam còn tương đối ‘xa xỉ’, có nghĩa tôi thông cảm với doanh nghiệp ở điều, hiện nay, việc mà họ tìm ra thu nhập, tìm ra lợi nhuận để tồn tại trước mắt là điều vô cùng quan trọng. Nhưng nếu xét về phát triển bền vững, lâu dài thì không thể không có quản trị tốt. Tôi khẳng định những công ty mà không phát triển được, phần lớn là do quản trị yếu kém hoặc quản trị một cách tùy tiện.

Xét về mặt luật pháp, khi đo chỉ số Khung khổ quản trị doanh nghiệp một cách đơn thuần, nghĩa là luật pháp quy định thế nào thì chấm điểm ra như vậy thì chúng ta xếp thứ 81/189 quốc gia. Chúng ta hơn Philippines, sau Thái Lan và tạm gọi tương đương với Indonesia. Tuy nhiên, các nước lại sử dụng chỉ số này một phần rất hạn chế, mà họ sử dụng chỉ số “Quản trị thực tế”, có nghĩa rằng có thể luật quy định như vậy nhưng thực tế quản trị doanh nghiệp lại rất khác biệt.

Hiện, quản trị thực tế doanh nghiệp ở Việt Nam còn rất đáng buồn, nếu như Thẻ điểm quản trị ASEAN mà đo lường các công ty niêm yết tốt nhất của Việt Nam trên sàn chứng khoán, trong đó thang điểm tốt nhất là 120 điểm thì Việt Nam được 35 điểm. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ công bố thang điểm năm 2018 của Việt Nam là 42/120 điểm. Và tôi gọi đây là thang điểm ‘kém’.

Điển hình như Indonesia, họ chỉ có một Khung khổ pháp luật như vậy, nhưng thực tiễn quản trị họ hoàn toàn có thể áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế để vươn lên dẫn đầu, cho thấy luật pháp chỉ là cái hạn chế tối thiểu và luôn luôn khuyến khích doanh nghiệp làm tốt hơn. Nếu như lần này sửa luật, chúng tôi có lẽ sẽ nâng luật, thậm chí phải gò bó hơn về vấn đề này.

TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN VÀ KINH NGHIỆM LÀM VIỆC LIỆU CÓ PHẢI LÀ 'CHUẨN MỰC'?

Bên cạnh đó, tôi thấy băn khoăn khi trong Luật doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp tư nhân, chúng ta lại có quy định bắt buộc về trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm của người làm Giám đốc (!?)

Bởi vì, hiện nay, xu hướng tuyển dụng là không cần bằng cấp. Tuy nhiên, khi tôi tìm hiểu các điều kiện kinh doanh thì phổ biến trình độ phải từ cao đẳng trở lên và kinh nghiệm phải từ 2 - 5 năm?

Vậy thì tại sao chúng ta lại muốn có startup? Rõ ràng chúng ta mong muốn những người không có trình độ chuyên môn hoặc đang còn là sinh viên thành lập doanh nghiệp là điều không thể.

Cho nên, chúng tôi gương mẫu yêu cầu các Bộ, ngành bãi bỏ các điều kiện vô lí nêu trên, vì sự thông minh của con người nhiều khi không phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc.

Chủ tịch VCCI: Vẫn thấy tình trạng 'gập ghềnh' trong tư duy quản lý của các bộ, ngành!(VietQ.vn) - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, việc tổng rà xét các quy định pháp luật kinh doanh nhằm ban hành các văn bản "một luật sửa nhiều luật", tạo sự nhất quán trong hệ thống pháp luật về kinh doanh là vô cùng cần thiết.

Ngọc Xen

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang