Thủ đoạn chuyển hàng giả, hàng lậu trong và ngoài nước

author 13:47 13/08/2013

Trong 7 tháng đầu năm, Chi cục QLTT TP HCM kiểm tra 2.312 vụ, phát hiện đến 2.191 vụ vi phạm (chiếm hơn 95%). Trong 6 tháng đầu năm, Cục Hải quan TP kiểm tra, phát hiện hơn 3.400 vụ buôn lậu, gian lận thương mại (năm 2012 là 6.909 vụ), đặc biệt trong tháng 7 nhiều vụ vi phạm rất nghiêm trọng bị phát hiện tại cửa khẩu sân bay. Thực tế trên cho thấy, hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp…

 Liên tiếp trong những ngày tháng 7, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, Đội Kiểm soát phòng chống ma túy - Cục Hải quan TP HCM đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển lậu tiền chất Pseudoephedrine (để sản xuất ma túy) được ngụy trang rất tinh vi trong các lô hàng quà biếu từ Việt Nam xuất khẩu đi Australia. Lực lượng kiểm tra phát hiện trong các gói cà phê, bột mè đen, bột đậu đỏ, bột bánh xèo… của 3 lô hàng khác nhau chứa tổng cộng 17kg tiền chất Pseudoephedrine (ước trị giá hơn 15 tỷ đồng).

Cảnh sát bắt giữ 1 vụ vận chuyển hàng lậu
Cảnh sát bắt giữ 1 vụ vận chuyển hàng lậu

Hải quan đã bàn giao hồ sơ và tang vật cho Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) Công an TP HCM để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định; Tại các cảng biển, lực lượng Hải quan cũng đã phát hiện nhiều vụ có dấu hiệu “buôn lậu” và gian lận thương mại trong xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND TP đã có cuộc họp về tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại ở các cửa khẩu cảng biển, sân bay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, diễn ra vào cuối tháng 7. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM nhận định, thời gian qua, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tăng nhanh. Nếu năm 2010, hải quan TP phát hiện 3.500 vụ, thì năm 2012 đã tăng lên đến 6.909 vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ hơn 3.400 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng cấm với nhiều vụ việc nghiêm trọng.

Từ đầu năm đến nay, số lượng hàng vi phạm đã bị cơ quan QLTT TP HCM, kiểm tra, thu giữ với số lượng cực lớn: gồm 1.869.877 đơn vị sản phẩm, 296 tấn, 31.063 mét và 1.640 lít các mặt hàng thực phẩm, bia, rượu, sữa nước, nước trái cây, quần áo, đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, mỹ phẩm, đồng hồ, kính mắt, giày dép, túi xách, đĩa CD phim...Theo đại diện của Cục Hải quan TP, nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp (DN), Hải quan TP đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử 100% với 90% hàng hóa được miễn kiểm tra. Chính vì thế, một số đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng này để buôn lậu, gian lận thương mại. Thủ đoạn mà các đối tượng thường áp dụng là không khai báo hoặc khai sai hàng hóa nhập khẩu; Tự ý phá dỡ niêm phong lấy hàng hóa hoặc đánh tráo hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan; làm giả hồ sơ chứng từ để đăng ký mở tờ khai hải quan… Với những thủ đoạn này, nhiều container hàng hoá có giá trị được đánh tháo ra khỏi cảng một cách an toàn.

Trong số lượng hàng “khổng lồ” bị bắt giữ như trên, phần lớn là hàng đang kinh doanh hoặc cất giữ tại kho chờ tiếp ứng ra thị trường. Theo đánh giá của lực lượng kiểm tra, số hàng bị phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm một phần rất nhỏ hàng vi phạm đang lưu thông trên thị trường.

Ông Đỗ Thanh Lâm - Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết, nguyên nhân khiến hàng giả tung hoành chủ yếu là do lực lượng cán bộ QLTT hiện còn quá mỏng, trong khi đó, phương thức thủ đoạn của các đối tượng, DN làm ăn phi pháp ngày càng tinh vi. Ông cho biết, hiện nay việc gian lận thương mại, sản xuất hàng giả được các đối tượng sử dụng những thiết bị công nghệ cao, có dấu hiệu móc nối với nước ngoài ngày càng tăng mạnh, nhiều sản phẩm được làm giả y như thật, nếu không được đào tạo bài bản về khả năng nghiệp vụ thì rất khó phát hiện ra.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì một phần là do các lực lượng kiểm tra còn mỏng, nhưng quan trọng nhất là các lực lượng chưa “đánh” tận gốc nơi “đẻ” ra hàng giả, hàng lậu và mức xử phạt hiện nay cũng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Với hàng giả, “nguồn” cung ứng cho thị trường là các cơ sở sản xuất trong nước hoặc hàng gia công đặt làm từ nước ngoài (chủ yếu Trung Quốc) sau đó đưa về Việt Nam tiêu thụ. Trong khi đó, lực lượng QLTT thì chuyên “trị” hàng hoá đang bán ngoài thị trường. Cơ quan Công an thì truy đến tận “hang ổ” sản xuất hàng giả nhưng số vụ bị phát hiện, xử lý còn quá ít so với thực tế hàng giả lan tràn.

Còn việc xử phạt đối với hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả” thì hiện đang áp dụng NĐ 08/2013/NĐ-CP. Theo Nghị định này thì tùy theo hành vi, tính chất và mức độ vi phạm, mức xử phạt từ 100.000đ - 70 triệu đồng đối với hành vi “buôn bán hàng giả”; phạt từ 200.000đ - 100 triệu đồng đối với hành vi “sản xuất hàng giả”… là mức phạt quá nhẹ.

Theo một cán bộ QLTT, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả rất ma mãnh. Chúng không bao giờ sản xuất cùng một lúc số lượng lớn, sản xuất tới đâu tiêu thụ tới đó. Tại các điểm kinh doanh cũng vậy, không bao giờ họ trữ nhiều hàng tại điểm bán. Vì vậy, khi lực lượng QLTT đến kiểm tra, tang vật thu giữ không đáng là bao nên mức phạt cũng không đáng kể.

Do sản xuất, kinh doanh hàng giả thu lợi rất lớn nên các đối tượng chấp nhận đóng phạt để tiếp tục làm giả. Vì vậy, để triệt “đầu ra” của hàng giả, hàng lậu thì các lực lượng kiểm tra cần quyết liệt tấn công vào các “ổ” sản xuất hàng giả, đồng thời kiểm soát gắt gao tại các cửa khẩu cũng như cần tăng mạnh mức xử phạt, chủ yếu xử lý hình sự.

Ông Bùi Văn Quyền - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ cũng cho rằng: Nếu DN chịu đầu tư mạnh vào khoa học kỹ thuật để cho ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao thì các đối tượng làm giả cũng sẽ khó bắt chước, từ đó dẫn đến việc hàng giả giảm xuống. Hơn nữa, chính DN phải đi đầu trong việc chống hàng giả và gian lận thương mại.

Thúy Hà

Theo Công an nhân dân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang