Thủ đoạn rửa tiền bán visa ở lãnh sự Mỹ

author 06:32 09/06/2013

Thủ phạm số 1 là Michael Sestak - cựu trưởng bộ phận thị thực không di dân của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM - cùng ít nhất 5 đồng phạm khác gồm người Mỹ gốc Việt và người Việt.

 Đường dây làm ăn phi pháp này bán visa cho những người muốn sống ở Mỹ với giá từ 50.000 - 70.000USD, thu lợi bất chính hàng triệu USD. Đường dây của Sestak nhắm vào các đối tượng từng bị bác đơn hoặc khó có khả năng được cấp visa.

Michael Sestak - nhân vật chính trong vụ bán visa vào Mỹ tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM , lệnh bắt và bản cáo trạng vụ án

Việt kiều tham gia lừa đảo

Ngày 1.6 qua, báo Albany Times Union ở bang New York đưa tin: bản báo cáo của đặc vụ Simon Dinits (thuộc Cơ quan mật vụ -DSS- của Bộ Ngoại giao Mỹ) Sestak có ít nhất 5 đồng phạm của một gia đình Mỹ gốc Việt.

Báo này đưa tin nữ nghi can Hồng Võ bị bắt tại Denver (bang Colorado) ngày 8.5, bị giam tại một nhà tù liên bang và không được đóng tiền bảo lãnh tại ngoại vì chính quyền Mỹ lo ngại nữ công dân này có thể bỏ trốn khỏi Mỹ. Võ 27 tuổi chào đời tại Mỹ, tốt nghiệp Đại học Denver năm 2008 và giỏi công nghệ thông tin, người sử dụng IP thông qua VPN của Công ty Black Oak Computers Inc có địa chỉ ở California, Mỹ.

Hồng Võ là đồng phạm số 3, em gái của đồng phạm số 1 Võ Tăng Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giao nhận hàng hóa Santa Fe, có trụ sở tại Q.3, TP.HCM. Theo cáo trạng, đặc vụ Dinits phát hiện 425 đơn xin visa cho 419 người được thực hiện từ IP văn phòng của Bình. Sestak phỏng vấn 404 người trong nhóm này và cấp visa cho 386 người, và tác động để 22 người khác có visa.

Sestak 42 tuổi từng là cảnh sát ở Albany hồi năm 1992 cho đến năm 1999 thì nghỉ, đến năm 2001 vào lính hải quân, đeo lon trung tá và là sĩ quan tình báo khi được giao nhiệm vụ ở Washington D.C, châu Âu và Thái Bình Dương. Vụ việc xảy ra khi ông Sestak còn đương chức tại tòa lãnh sự từ tháng 8-2010 đến tháng 9-2012, sau đó chuyển sang chuẩn bị tái nhập ngũ ở lực lượng hải quân.

Ba người còn lại gồm đồng phạm số 2 là Nguyễn Thị Anh Đào (vợ của Bình), đồng phạm số 4 là bồ của Hồng Võ và đồng phạm số 5 là anh em bà con với Bình. Tất cả những người này đều cư trú tại Việt Nam dù Bình, Hồng Võ và bồ cô ta có quốc tịch Mỹ.

Họ có nhiệm vụ tìm kiếm “khách hàng” và chuẩn bị hồ sơ, giúp “khách hàng” điền đơn xin visa và làm các thủ tục, kể cả tổ chức “luyện thi” cách trả lời khi tới buổi phỏng vấn xin visa, thu và chuyển tiền ra khỏi Việt Nam.

Với lợi thế là có mối quan hệ cả ở Việt Nam lẫn Mỹ, các đồng phạm muốn nhắm vào các đối tượng là Việt kiều tại Mỹ, bởi những người này “có tiền và tha thiết muốn mang người thân sang Mỹ đoàn tụ”. Đường dây này nhắm đến những người “không được cấp visa, như những người bị từ chối trước đây, những người sống ở nông thôn, và những người chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam”. Báo cáo của đặc vụ Dinits còn nói bố vợ của đồng phạm số 1 cư trú tại Việt Nam và một người em gái của Sestak sống ở Mỹ cũng giúp trung chuyển tiền trong đường dây bán visa bất hợp pháp này.

Đặc vụ Dinits nghi ngờ Sestak quen biết gia đình họ Võ hồi năm ngoái, khi ông ta được phân công xét duyệt visa du lịch, đặc biệt đã tạo được quan hệ với đồng phạm số 1 khi bắt đầu công tác tại TP.HCM. Theo cáo trạng của tòa án, trong một thư điện tử gửi hồi tháng 7.2012, Hồng Võ và một người quen đã thảo luận việc dụ dỗ các “khách hàng” sẵn sàng chi 50.000USD để được cấp thị thực đến Mỹ.

Võ viết trong e-mail này: “Đó chỉ là visa du lịch (không phải nhập cư) song một khi bạn đi được… bạn có thể biến mất (bằng cách kết hôn) hoặc trở lại Việt Nam và sau đó sẽ được bật đèn xanh để xin visa đi Mỹ bất cứ khi nào muốn”. Trong một đoạn chat ngày 1.6.2012, Võ viết: “Đêm qua, chúng tôi đi chơi với một anh chàng làm việc ở tòa lãnh sự - anh ta là người duyệt visa…, anh chàng độc thân này muốn kiếm bạn gái… và anh tôi biết vậy nên đã cố gắng rủ anh ta đi chơi và giới thiệu với mọi người… để sau này có thể nhờ cậy anh ta duyệt visa cho mọi người”.

Sestak bị bắt lặng lẽ tại bang California vào ngày 13.5 và không được đóng tiền bảo lãnh tại ngoại vì nguy cơ bỏ trốn cao. Ông ta phải đối mặt với các cáo buộc gian lận trong hoạt động cấp visa và nhận hối lộ được thực hiện trên nhiều quốc gia. Ông ta phụ trách bộ phận xử lý thị thực không di dân của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM từ tháng 8.2010 đến tháng 9.2012.

Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM

Theo đặc vụ Dinits, bộ phận này hoạt động nhộn nhịp và tỏ ra rất dễ dãi trong việc cấp visa. Chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn chừng ba tháng, nhưng Sestak và các đồng phạm “phất to”: Theo báo cáo, từ đầu tháng 4.2012, đồng phạm số 1 đã bàn với em trai cùng một người anh em khác về khả năng nhận tiền tại Mỹ, “nếu có người muốn chuyển”. Ông ta thậm chí còn yêu cầu người bà con “mở một tài khoản đô-la ở Vietcombank cho an toàn, bởi tài khoản HSBC có thể bị chính phủ Mỹ kiểm tra”.

Các giao dịch chuyển tiền bắt đầu diễn ra từ cuối tháng 5.2012, nhưng thực sự ồ ạt bắt đầu từ tháng 6.2012. Từ ngày 1.5.2012 đến ngày 6.9.2012, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM nhận 31.386 hồ sơ xin cấp thị thực không định cư và tỷ lệ bác đơn là 35,1%. Trong cùng thời gian, Sestak xử lý 5.489 hồ sơ và chỉ từ chối 8,2% số đó. Tỷ lệ bác đơn của Seatak giảm xuống còn 3,8% trong tháng 8, không lâu trước khi ông ta thôi nhiệm vụ để trở lại phục vụ lực lượng hải quân Mỹ.

Rửa tiền ở Sài Gòn?

Trong 4 tháng nói trên, chừng 3,2 triệu USD được chuyển vào tài khoản ngân hàng tại Thái Lan của Sestak và gần 3 triệu USD vào tài khoản tại Mỹ của vợ đồng phạm số 1. Hầu hết các khoản này đều được chuyển đi từ ngân hàng của Trung Quốc, có chi nhánh tại TP.HCM. Báo cáo điều tra dài 28 trang của đặc vụ Dinits ghi nhận một số giao dịch chuyển tiền ở Mỹ vào tài khoản cũng ở Mỹ của vợ ông giám đốc, dường như để thanh toán cho “dịch vụ visa”. Tuy nhiên, đây chỉ là một số khoản nhỏ với tổng trị giá chừng 55 ngàn USD.

Vụ việc chỉ bị phát giác khi chính quyền Mỹ vào tháng 7.2012 nhận được thư tố cáo gửi đến Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, cho biết có thể có người nhận hối lộ để cấp visa nhập cảnh Mỹ. Bức thư báo động về một sự bất thường: từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 7.2012, khoảng 50-70 người trong cùng một ngôi làng ở Việt Nam ồ ạt nhận được visa du lịch một cách bất hợp pháp, kèm theo hình ảnh và thông tin cá nhân của bảy người trong số này. Từ đó, Cục An ninh của Bộ Ngoại giao Mỹ cử đặc vụ Dinits điều tra và phanh phui hoạt động gian trá của Sestak.

Việc nhận tiền mặt ngay tại TP.HCM, sau khi khách nhận được visa, cũng được cho là đã xảy ra. Báo cáo của đặc vụ Dinits được nộp lên tòa hôm 6.5.2013, kết luận: “Cuối cùng ông ta đã chuyển số tiền 3,2 triệu USD ra khỏi Việt Nam bằng cách sử dụng những kẻ “rửa tiền” trong các ngân hàng nước ngoài, chủ yếu ở Trung Quốc, đến một tài khoản ở ngân hàng Siam Commercial Bank PLC ở Bangkok (Thái Lan) mà ông ta mở hồi tháng 5.2012. Sau đó, ông ta sử dụng số tiền này để mua 4 căn nhà ở Phuket và 5 căn ở Bangkok”.

Trong thư điện tử Sestak gửi “cò” nhà đất ở Thái Lan ngày 2.6.2012 có viết: “Chúng tôi vẫn chưa tìm được cách chuyển tiền ra khỏi Việt Nam... Chúng tôi đã tìm được dịch vụ giúp chuyển tiền qua Thái Lan, nhưng là tiền mặt, mà tôi nghĩ là không thanh toán cho các ông bằng tiền mặt được... tôi nghĩ ngân hàng Thái cũng không cho phép tôi nộp tiền mặt vào tài khoản. Còn một cách khác, nhưng chúng tôi phải trả 25% thuế công ty khi chuyển tiền, cao quá. Các ông có gợi ý gì không? Thật là tức khi không thể chuyển tiền của mình đi được... Tôi bị mắc kẹt ở Việt Nam”.

Tuy nhiên, chỉ sau đó ít hôm, Sestak khoe với “cò” là đã tìm được cách chuyển tiền qua ngả Hong Kong, và bắt đầu từ 20.6.2012, tiền bắt đầu được chuyển từ Bank of China (Trung Quốc) vào tài khoản của Sestak tại Thái. Báo cáo của đặc vụ Dinits không xác định đường đi của các khoản tiền chuyển ra khỏi Việt Nam.

Theo TGHN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang