Thư giãn với những câu hỏi khoa học lý thú

author 06:35 04/04/2014

(VietQ.vn) – Nếu bạn cảm thấy vô cùng chán nản mỗi khi nhìn thấy những lỗ đen, hạt Higgs, thuyết tiến hóa,… trên những bản tin khoa học hàn lâm đầy phức tạp, hãy thư giãn với những câu hỏi khoa học lý thú sau đây.

Bọ chét chó nhảy cao hơn bọ chét mèo?


Trong cuộc tranh luận bất tận giữa những người yêu mèo và những người mê chó, có một câu hỏi đã tồn tại nhiều năm mà chưa có lời giải đáp: “Bọ chét trên lông chó hay trên lông mèo nhảy cao hơn?” Năm 2000, một nhóm nghiên cứu của Đại học Thú y Quốc gia Toulouse (Pháp) đã bắt tay vào tìm kiếm câu trả lời. Với một chiếc ống nhựa trên tay và một đàn bọ chét khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm. Họ đặt 2 loài bọ chét: Ctenocephalides felis (bọ chét mèo) và Ctenocephalides canis (bọ chét chó), vào các ống khác nhau và đếm số con nhảy ra ngoài. Đầu tiên là các ống cao 1cm, sau đó độ cao này cứ dần tăng thêm 1cm. Kết quả bọ chét chó đã có chiến thắng thuyết phục. Trung bình một con bọ chét chó nhảy cao 15.5cm, trong khi bọ chét mèo chỉ nhảy được 13.2cm. Con bọ chét chó nhảy cao nhất có thể đạt tới độ cao 25cm, trong khi kỷ lục ở bọ chét mèo chỉ là 17cm.

Nếu nghiêng về bên trái, ta sẽ thấy vật nhỏ hơn?

 “Có phải tòa nhà cao tầng kia sẽ trông nhỏ hơn nếu ta vừa nhìn chăm chú vào nó vừa nghiêng người về bên trái?”, có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ băn khoăn điều này. Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học đến từ Đại học Erasmus (Rotterdam, Hà Lan) đã nghĩ ra một cách thông minh để làm sáng tỏ vấn đề còn chưa được nghiên cứu này. Họ mời 91 sinh viên đại học đứng trên một tấm ván thăng bằng có tên là Wii, sau đó họ yêu cầu những sinh viên này đánh giá những con số khác nhau: từ số dân của các thành phố đến chiều cao của các tòa nhà. Trong lúc các sinh viên đánh giá, các nhà nghiên cứu bí mật điều chỉnh tấm ván sao cho những người tham gia đứng thẳng hoặc hơi nghiêng về một bên. Giả thiết được đặt ra là con người có xu hướng hình dung các con số theo một ranh giới vô hình, theo đó, họ sẽ thấy các con số nhỏ hơn nếu nghiêng về bên trái và cao hơn nếu nghiêng về bên phải. Do đó, khi gặp các yếu tố về lượng, nghiêng người về bên trái có thể khiến chúng ta nghĩ rằng các con số nhỏ hơn. Kết quả cuộc thử nghiệm cũng cho thấy nhóm người nghiêng về bên trái đánh giá các con số nhỏ hơn so với nhóm còn lại.

Công trình nghiên cứu vì sao con người nghiêng về bên trái thì thấy tháp Eiffel nhỏ hơn đạt giải Ig Nobel tâm lý học năm 2012

Công trình nghiên cứu vì sao con người nghiêng về bên trái thì thấy tháp Eiffel nhỏ hơn đạt giải Ig Nobel tâm lý học năm 2012

 

Con người có thể đi trên mặt nước?


Khi nghe câu chuyện chúa Giê-su đi trên mặt nước, chúng ta có những phản ứng khác nhau. Những người tin sẽ gọi đó là phép lạ, người hoài nghi thì cho nó là trò vui, còn các nhà nghiên cứu thì ngay lập tức quyết định tìm hiểu xem điều này có thể xảy ra trong khoa học hay không. Năm 2003, một nhóm 5 nhà nghiên cứu người châu Âu đã tiến hành một thí nghiệm bắt chước cách thằn lằn chạy trên mặt nước. Họ phải làm vậy do trong điều kiện bình thường, con người không thể chạy nhanh đến mức không phá vỡ độ căng của bề mặt nước rồi chìm xuống. Đơn giản vì chúng ta quá nặng. Thế nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta thay đổi một chút Định luật vạn vật hấp dẫn của Niu-tơn? Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm vui nhộn chỉ với một bộ dây đai an toàn và một bể bơi trẻ em. Dây đai được điều chỉnh nhiều lần để mô phỏng các cấp độ khác nhau của trọng lực. Cuối cùng, nghiên cứu này kết luận rằng về lý thuyết, con người có thể đi trên mặt nước. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể làm điều đó ở nơi có trọng lực bằng 1/10 trọng lực Trái đất, chẳng hạn như trên Sao Diêm Vương.Như vậy, để đi được trên mặt nước, tất cả những gì chúng ta cần là lòng quyết tâm, một sức khỏe dẻo dai và địa điểm thực hành là một nơi nào đó ngoài hệ mặt trời.

Con người bơi trong nước thường sẽ nhanh hơn là trong siro?


Câu trả lời có vẻ như đã quá rõ ràng. Với cấu trúc kết dính và độ dày đặc sệt, rõ ràng siro không phải là một môi trường bơi lý tưởng. Tuy nhiên khoa học không thể chỉ dựa vào giả định mà phải dựa trên các thử nghiệm. Đó là lý do vào năm 2004, 2 nhà nghiên cứu đã tạo ra 2 môi trường thử nghiệm để có được câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi tưởng chừng đơn giản này. Họ làm đầy bể bơi 25 mét với chất gôm lấy từ hạt guar (một loại cây họ đậu được trồng ở Ấn Độ), kết quả là một chất lỏng sền sệt giống siro, đặc gấp 2 lần nước thường và màu sắc được mô tả “giống như nước mũi”. 16 tình nguyện viên đã lần lượt bơi trong nước thường và sau đó là hỗn hợp “nước mũi” kia. Thời gian bơi của họ được so sánh và… thật ngạc nhiên, không hề có sự khác biệt về tốc độ bơi trong nước thường so với trong chất dịch siro. Tại sao lại như vậy? Lời giải thích được đưa ra như sau, mặc dù siro gây ra nhiều lực cản cho người bơi nhưng đồng thời nó cũng giúp người bơi có thêm lực để bơi về phía trước khi họ dùng chân đẩy chất dịch về phía sau. Có vẻ như đôi khi câu trả lời lại không hiển nhiên như chúng ta mong đợi.

 Gà cũng thích người đẹp?


Với con người thì hầu hết những con gà trông chẳng có gì khác nhau. Chúng ta không có mối liên hệ nào để có thể nói chuyện với từng con gà hay phán xét độ hấp dẫn của chúng. Vậy theo logic tương tự, liệu gà có phản ứng lại khuôn mặt khác nhau của con người? Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Stockholm (Thụy Điển) đã huấn luyện 6 con gà để chúng phản ứng lại với các bức ảnh chụp khuôn mặt con người. Những con gà đã được cho xem 2 khuôn mặt bình thường- một của nam và một của nữ. Người ta thưởng cho những con gà trống khi nó nhận ra và mổ vào bức hình khuôn mặt nữ, trong khi những con mái được thưởng nếu nhận ra và mổ vào bức hình nam giới. Khá nhanh chóng, những con gà học được cách nhận diện khuôn mặt chung chung của những người khác giới. Đó chính là lúc mọi chuyện trở nên thú vị. Người ta tạo thêm 5 khuôn mặt nữa bằng cách điều chỉnh những nét nam tính và nữ tính của 2 khuôn mặt ban đầu, sau đó họ cho 14 sinh viên xếp hạng những bức hình này theo mức độ hấp dẫn của cả hai giới. Tiếp theo, những con gà được nhìn những khuôn mặt cả xấu và đẹp rồi lựa chọn. Kết quả khá thú vị: những con gà xếp hạng các khuôn mặt theo thứ tự gần giống với cách xếp của các sinh viên. Các nhà khoa học vẫn chưa có một lời giải thích chắc chắn về điều này, họ cho rằng chính “những đặc điểm chung trong hệ thần kinh” đã dẫn tới mối tương quan về sở thích giới tính giữa con người và loài gà. Tuy có những ý nghĩa nhất định nhưng nghiên cứu này không chứng minh rằng con người có chung con mắt thẩm mỹ với loài gà, ít nhất là với một nhóm gà nhà đã qua huấn luyện.

Bùi Ly

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang