Thu hẹp hàm lượng vàng: Được một, mất mười!

author 11:24 04/09/2014

(VietQ.vn) – Việc thu hẹp hàm lượng vàng xuống chỉ còn 4 loại so với 18 loại như hiện nay vừa trái với quy định nhà nước vừa đi ngược với xu hướng thị trường vàng thế giới.

Sự kiện: GIÁ VÀNG HÔM NAY

Hàm lượng vàng phải được ghi rõ khi giao dịch mua bán. Ảnh minh họa

Hàm lượng vàng phải được ghi rõ khi giao dịch mua bán. Ảnh minh họa

Theo hướng dẫn và quy định tại Thông tư 22/2013/TT-BKHCN (Thông tư 22) của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng được quy định tại thông tư này là 18 loại.

Với lý do để đảm bảo chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ và dễ quản lý cho cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Dưng – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh (SJA) lại cho rằng, nên thu hẹp quy định hàm lượng vàng lại chỉ còn 4 loại là 8K, 16K, 18K và 24K thay vì có 18 loại như hiện nay.

Cụ thể, ông Dưng cho rằng, theo bảng hàm lượng vàng quy định tại Thông tư 22 có quá nhiều loại, từ 8 kara (K) đến 24K nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàm lượng nào rồi đóng vào hàm lượng đó nên những sản phẩm vàng trang sức trên thị trường hiện nay rối như canh hẹ. Các tiệm vàng khi lấy sản phẩm về bán cũng rất khó quản lý chất lượng vàng và người tiêu dùng cũng không biết đâu mà lần. Để đảm bảo chất lượng vàng nữ trang và dễ quản lý cho cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Văn Dưng kiến nghị thu hẹp quy định hàm lượng vàng lại ở mức 8K, 16K, 18K và 24K thay vì 18 loại như hiện nay.

Tuy nhiên theo các chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, việc thu hẹp vàng như vậy mang tính phi thị trường và chỉ phục vụ lợi ích nhóm cho một bộ phận nhỏ các doanh nghiệp, không phải là chủ trương chung của Hiệp hội và toàn ngành vàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) khẳng định, việc quy định hàm lượng vàng với 18 loại là phù hợp với thông lệ quốc tế và hài hòa lợi ích các bên trong đó có nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng và không chỉ vì một đối tượng nào.

Ông Linh cho biết, quy định định lượng hàm lượng vàng trang sức hiện nay tại Việt Nam tương đồng với các nước trên thế giới, đó là hàm lượng vàng không được thấp hơn giá trị công bố. Các doanh nghiệp phải chấp hành và chịu trách nhiệm về việc này.

“Kiến nghị bớt các tiêu chuẩn về hàm lượng vàng, Thông tư 22 hướng dẫn NĐ 24/2012 của Chính Phủ về quản lý thị trường vàng nên không thể quy định khác so với Nghị định đã ban hành”, ông Linh nói.

Danh mục hàm lượng vàng theo Thông tư 22. Ảnh: N. N

Danh mục hàm lượng vàng theo Thông tư 22. Ảnh: N. N

Cũng theo ông Linh, trong tình huống thu hẹp hàm lượng vàng như SJC kiến nghị, những sản phẩm vàng có hàm lượng ngoài các hàm lượng như: 8K, 16K, 18K và 24K đã có trên thị trường từ trước tới nay sẽ ra sao? Lẽ nào bỏ đi hoặc gom vào chế tác lại? Người tiêu dùng đang giữ các sản phẩm có hàm lượng vàng như 23k, 22k, 21k, 20k, 10k, 9k… sẽ xử lý thế nào? Và vì sao phải thu hẹp khoảng cách hàm lượng chỉ còn 4 loại như vậy trong khi đó, trên thị trường thế giới, dải hàm lượng đó đã tồn tại từ rất lâu.

Hiện trong nội dung của Thông tư 22 cũng đề cập: Khi thực hiện phân hạng theo Kara, vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo hạng thấp hơn liền kề với giá trị Kara thực tế xác định theo phân hạng danh định. Ví dụ, vàng trang sức 21,5K thì xếp vào loại vàng 21K. Trường hợp phân hạng theo độ tinh khiết hoặc hàm lượng vàng thì công bố đúng giá trị thực tế. Ví dụ vàng trang sức có hàm lượng vàng được xác định là 78,0% thì công bố là 78,0% hoặc 780.

Tất cả các thành phần của vàng trang sức, mỹ nghệ (bao gồm cả kim loại nền, vật liệu phủ, vật liệu hàn, vật liệu gắn kết…) không được chứa các thành phần độc hại hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng vượt quá ngưỡng cho phép theo các quy định hiện hành có liên quan.

Hàm lượng vàng trong sản phẩm (hoặc trong thành phần có chứa vàng) của vàng trang sức, mỹ nghệ không được thấp hơn giá trị hàm lượng đã công bố. Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 22.

Tại mục b, khoản 4, Điều 7 của Thông tư 22 quy định nội dung ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ:

- Nhãn in đính kèm với sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phải bao gồm các nội dung sau:

+ Tên hàng hóa (ví dụ: lắc đeo tay, dây chuyền, nhẫn vàng, nhẫn đính kim cương…);

+ Tên, mã ký hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất (ví dụ: PAJ, SJC, DOJ...);

+ Hàm lượng vàng (tuổi vàng) được thể hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này (ví dụ: 999 hoặc 99,9% hoặc 24K);

+ Khối lượng vàng và khối lượng của vật gắn trên vàng trang sức, mỹ nghệ (ví dụ: kim cương, saphia, ruby...);

+ Ký hiệu của sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

- Cách thức ghi nhãn trực tiếp trên vàng trang sức, mỹ nghệ (nếu kích thước sản phẩm phù hợp):

+ Mã ký hiệu sản phẩm (ví dụ: PAJ, SJC, DOJ...);

+ Hàm lượng vàng (tuổi vàng) được thể hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này (ví dụ: 999 hoặc 99,9% hoặc 24K);

+ Ký hiệu của sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Nguyễn Nam


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang