Thu hồi đất vì mục đích kinh tế: Dễ tham nhũng

author 10:45 20/11/2012

(VietQ.vn) - Các đại biểu cho rằng Nhà nước thu hồi đất vì mục đích kinh tế gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Ngày 19-11, thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi, hầu hết các đại biểu (ĐB) đều đưa ra quan điểm để bảo vệ lợi ích tốt nhất cho người dân khi bị thu hồi đất. Tuy nhiên, các ĐB “cãi nhau” về quy định Nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội của dự thảo luật.

Ràng buộc thêm điều kiện
 
ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nêu: Việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội như dự thảo đề cập là phù hợp. Thực tế, thời gian qua vấn đề này gây nhiều khiếu kiện vì nhà đầu tư không thỏa thuận được mức giá nên bỏ cơ chế này. Tất cả dự án đang sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch để phát triển kinh tế đều được thực hiện theo hình thức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Khi đã giải phóng mặt bằng xong, có đất sạch, Nhà nước tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, thực hiện phân chia hài hòa giữa ba lợi ích người có đất bị thu hồi, Nhà nước và nhà đầu tư.
Đại biểu Quốc hội Lê Trọng Sang
Đại biểu Quốc hội Lê Trọng Sang
 
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng để không nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, cần quy định cụ thể hơn những trường hợp thu hồi đất vì mục đích lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, xã hội để tránh tình trạng lợi dụng, gây bức xúc trong dân. “Để tránh tình trạng lạm dụng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội để chuyển sang mục đích có lợi khác do chủ đầu tư hay một nhóm lợi ích nào đó thì chúng ta cần phải có những điều kiện, quy định cụ thể hơn nữa” - ĐB Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) nói.
 
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) đề nghị lập ra một tổ chức thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng và giải quyết tái định cư cho dân trên tất cả dự án an ninh, quốc phòng, phúc lợi xã hội.
 
Dễ tham nhũng và lãng phí
 
Trái lại, ĐĐ Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng quy định Nhà nước thu hồi đất để phục vụ vào mục đích phát triển kinh tế, xã hội như dự luật đề cập là quá rộng. Với mục đích này thì phải qua thỏa thuận chứ không nên ép buộc người dân.
 
ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) nhận định: Thực tế thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua quá nhiều nhưng rồi lại để hoang hóa, lãng phí, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến khiếu kiện. “Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng an ninh và phục vụ các dự án vì lợi ích công cộng. Trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế, xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các dự án 100% vốn nước ngoài, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA thì chúng ta sử dụng cơ chế khác. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất”.
 
ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) thì cảnh báo nếu Nhà nước thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội thì rất dễ dẫn đến tình trạng bắt tay để tham nhũng, dân bị thiệt. “Các mục đích kinh tế chúng ta không nên quy định mà hãy để thị trường tự điều tiết” - bà Hải đề nghị.
ĐB Quốc hội LÊ TRỌNG SANG (TP.HCM):
 
Phải đảm bảo sinh kế sau thu hồi đất
 
Lâu nay việc bảo đảm sinh kế cho người bị thu hồi đất thường bị xem nhẹ. Ngay trong dự thảo sửa đổi lần này cũng chỉ dừng ở mức xem xét, hỗ trợ nhằm tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống. Quy định như vậy là có phần xem nhẹ, vừa không ràng buộc trách nhiệm vừa thiếu cụ thể trong việc bảo đảm sinh kế của người bị thu hồi đất.
 
Việc xem những chi phí liên quan đến việc bảo đảm sinh kế và ổn định cuộc sống của họ chỉ là khoản hỗ trợ có thể hiểu là sự ban ơn. Được “xem xét” dễ suy diễn là có thể có hoặc không; có thể có nhiều mà cũng có thể có ít… Vì vậy cần bổ sung quy tắc giá trị được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất dựa trên cơ sở sự bảo tồn mức tài sản và nguồn sinh kế cho người dân vào dự thảo. Theo nguyên tắc này, giá trị bồi thường phải bằng với giá mảnh đất và giá trị các tài sản gắn liền với đất; ngang bằng với giá trị các điều kiện bảo đảm nguồn sinh kế như trước khi họ bị thu hồi. Giá đất chỉ là một phần trong toàn bộ giá trị đền bù cho người dân. Thực hiện nguyên tắc này vừa đảm bảo cuộc sống của người bị thu hồi đất vừa tạo ra sự công bằng giữa người bị thu hồi với người không bị thu hồi…

Theo PTP

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang