Thu hút dòng vốn FDI theo hướng chọn lọc, bền vững

author 06:44 22/09/2020

(VietQ.vn) - Việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không phải ồ ạt mà cần hướng tới có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Theo thông tin mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, 8 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài sụt giảm mạnh nhưng vốn đầu tư cấp mới và vốn tăng thêm vẫn giữ xu hướng tăng với mức tăng tương ứng 6,6% và 22,2% nhờ thu hút được các dự án lớn.

Đánh giá về kết quả trên, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, kết quả thu hút đầu tư 8 tháng năm 2020 tuy giảm sút so cùng kỳ, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

Việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài không phải ồ ạt mà cần hướng tới có chọn lọc theo hướng chất lượng, bền vững. Ảnh minh họa.

Trao đổi về vấn đề trên, GS. TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phân tích: Cùng với Ấn Độ và Indonesia, Việt Nam đang nổi lên là một trong ba điểm đến thu hút làn sóng dịch chuyển vốn. Trước đây, Việt Nam có lợi thế ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp và bắt đầu được đánh giá cao về nguồn nhân lực có chất lượng thì nay được bổ sung thêm lợi thế mới làm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Đó là được các tổ chức quốc tế hàng đầu như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá là hình mẫu về ứng phó khủng hoảng trong tác động của dịch Covid-19 và khả năng cầm cự của doanh nghiệp Việt Nam rất tốt... Nhưng để đón được dòng vốn FDI dịch chuyển không dễ, vì các nước cạnh tranh trực tiếp là Ấn Độ và Indonesia đã kịp thời đề ra chiến lược rất rõ ràng với chính sách ưu đãi vượt trội để đạt mục tiêu thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia bằng mọi giá.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu từ chính sách đất đai, sẵn sàng quỹ đất sạch… đến nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí phải chăng. Bởi theo các nhà đầu tư vào Việt Nam, hiện họ vẫn quan ngại liên quan đến vấn đề về sự thiếu ổn định về chính sách, các quy định pháp luật chưa rõ ràng và thiếu minh bạch, gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện; hạ tầng cho các hoạt động logistics chưa phát triển đồng bộ; nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao còn hạn chế.

Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài không phải ồ ạt mà cần hướng tới có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…

Việt Nam sẵn sàng ‘đón đại bàng’ FDI (VietQ.vn) - Nếu Việt Nam có những hành động mau lẹ để đón bắt được dòng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ là “cơ hội vàng” để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó đưa Việt Nam bứt phá lên một vị thế khác trên trường quốc tế.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang