Thu hút FDI: Tiêu chuẩn giúp sàng lọc các nhà đầu tư uy tín

author 06:49 02/06/2020

(VietQ.vn) - Việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết, mà để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực quan tâm, Việt Nam cần để ý đến ban hành các tiêu chuẩn.

Những tháng đầu năm 2020, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đến nay chúng ta cơ bản đã khống chế được dịch. Tuy nhiên trên thế giới, tình hình dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp. Đây là lúc chúng ta cần nhìn nhận lại những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để có biện pháp tháo gỡ, đưa nền kinh tế phát triển. Những điểm nghẽn này thực tế không phải đến lúc có dịch Covid-19 mới xuất hiện, mà đã có từ trước chưa khắc phục được. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19, các điểm nghẽn đó có thể có những biến đổi cần phải nhìn nhận rõ.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy, hiện các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Không ít đánh giá cho rằng, tác động đối với kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn so với cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu và những hệ lụy này có thể kéo dài.

Theo ông Dương, đã có chuyên gia cảnh báo khủng hoảng nợ toàn cầu do hệ lụy của các biện pháp kích thích tài khóa - tiền tệ trong thời kỳ trong và sau đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Quý I/2020 thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2010- 2019. Xuất khẩu và cán cân thương mại vẫn tích cực trong các tháng đầu năm, nhưng khả năng duy trì điều này là rất khó khăn kể từ tháng 4 trở về sau.

Tiêu chuẩn được xem như chiếc sàng sàng lọc các nhà đầu tư uy tín khi bước chân vào Việt Nam. Ảnh minh họa.

Liên quan đến câu chuyện nhận diện điểm nghẽn đối với phát triển hậu Covid-19, ông Dương nhấn mạnh đến chất lượng thể chế; triển khai Chính phủ điện tử (tiến tới Chính phủ số); hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công; phát triển bao trùm và bền vững; ứng xử với nhà đầu tư.

Đặc biệt, ông Dương nhấn mạnh, việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết, mà để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực quan tâm, Việt Nam cần để ý đến ban hành các tiêu chuẩn. Bởi tiêu chuẩn như chiếc sàng sàng lọc các nhà đầu tư uy tín khi bước chân vào Việt Nam.

Nhằm hạn chế những tồn tại, thách thức trong thu hút nguồn lực FDI, Chính phủ Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Theo định hướng đề án, phát triển kinh tế - xã hội yêu cầu thực hiện đột phá về thể chế, nhân lực và hạ tầng, đi đôi với cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Về dài hạn, Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người khoảng 22 nghìn USD, tiến tới trở thành một xã hội thịnh vượng và sáng tạo. Mục tiêu cụ thể được đưa ra gồm: Tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì bình quân khoảng 20 đến 25%.

Tăng cường thu hút FDI quy mô lớn từ tập đoàn xuyên quốc gia trong danh sách Global 2000 của Forbes vào các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến và dịch vụ hiện đại. Lĩnh vực ưu tiên thu hút là công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, tự động hóa, vật liệu mới...

Ngoài ra, gợi mở về một số yêu cầu cải cách thể chế, đại diện CIEM cho biết, cần tiếp tục theo dõi diễn biến dịch Covid-19 kết hợp với tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác quốc tế liên quan trong vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19. Cụ thể là cần xây dựng và thực thi kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện chính sách công nghiệp và thu hút FDI.

Cùng với đó cần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua phát triển hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng số); phát triển kỹ năng thích ứng cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại (FTA), đặc biệt là các FTA mới (CPTPP, EVFTA), tận dụng tối đa các mô hình kinh tế mới: kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... để thúc đẩy kết nối dịch vụ, sản xuất kinh doanh, phục hồi đà tăng trưởng.

Hậu COVID-19: ‘Chớp’ lấy cơ hội từ EVFTA, đơn giản hóa thủ tục để thu hút FDI(VietQ.vn) - Các chuyên gia cho rằng, sau dịch COVID-19 là cơ hội để doanh nghiệp chớp lấy cơ hội từ hiệp định EVFTA, đơn giản hóa thủ tục để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm khôi phục nền kinh tế.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang