Thu hút vốn FDI- Cần thiết kế những gói chính sách mang tính chất 'may đo'

author 06:30 05/09/2020

(VietQ.vn) - Để có thể thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng, sử dụng công nghệ cao từ Hoa Kỳ và từ châu Âu, chúng ta phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”, chứ không “may sẵn”, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ đó, chọn được nhà đầu tư có chất lượng.

Khởi sắc thu hút vốn FDI vào Việt Nam

Ngày 4/9/2020, tại cuộc tọa đàm “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới và Việt Nam nhưng cả nước vẫn thu hút được gần 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi, theo đánh giá của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư của thế giới năm 2020 có thể suy giảm tới 40%. Các nền kinh tế thế giới giảm sâu, thậm chí là âm. Đặc biệt, trong tháng 7 và tháng 8 đã có tín hiệu khả quan của dòng vốn FDI đang dịch chuyển vào Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế tham vấn về giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: VGP

 

Với rất nhiều nỗ lực cải cách trong thời gian qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố bên trong của nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài.

Các yếu tố bên trong, các điểm lợi thế, thuận lợi sẵn có của môi trường đầu tư Việt Nam, gồm: chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi.

Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà ĐTNN hoạt động thành công tại Việt Nam. Sự thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua cũng tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm uy tín cho Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Về các yếu tố bên ngoài phải kể đến là xung đột thương mại giữa nền kinh tế lớn khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Đại dịch COVID-19 và các hệ quả nặng nề của nó khiến các quốc gia, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác. Một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... đã ban hành chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ để kêu gọi các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ ba nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

“Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư cũng như sự thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 thời gian qua”- ông Đỗ Nhất Hoàng khẳng định.

Thu hút FDI giai đoạn bình thường mới- cần hành động và giải pháp đột phá

Nói về thu hút vốn FDI trong giai đoạn bình thường mới hiện nay, ông Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng- cho rằng, muốn giành lợi thế thu hút vốn FDI trong giai đoạn hiện nay thì cần phải tạo ra sức hấp dẫn riêng.

Cho đến nay, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phần lớn đầu tư đến từ các nước châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc. Không có hoặc rất ít đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ và châu Âu. Xu hướng này thực tế chưa có cải thiện.

Trong khi đó chúng ta rất kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ và từ châu Âu- là đầu tư chất lượng cao, sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng chi phí lao động thấp. Loại đầu tư này rất phù hợp với chúng ta khi chúng ta muốn cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng- ông Cung cho hay.

Để đón được làn sóng đầu tư đang chuyển dịch, Việt Nam cần có sự cải cách mạnh mẽ, tiếp tục cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư.

Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU rất “e ngại” các “rào cản” thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp, chi phí không chính thức nhiều, thậm chí nạn vòi vĩnh, "tham nhũng vặt" của một số công chức trong bộ máy hành chính cả ở trung ương và địa phương. Điều này cần phải xóa bỏ triệt để và nhanh chóng. Có như vậy, Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư.

Đặc biệt, theo ông Cung, chúng ta phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”, không “may sẵn”, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ đó chọn được nhà đầu tư có chất lượng.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, trong giai đoạn mới, việc thu hút, hợp tác ĐTNN sẽ theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Cơ hội là rất lớn nhưng để có thể đón được làn sóng đầu tư theo đúng định hướng, yêu cầu của ta thì cần có sự phối hợp, vào cuộc của nhiều Bộ, ngành trung ương cũng như các địa phương. Các bộ, ngành, địa phương cần giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh đối với các dự án lớn dịch chuyển để dự án sớm đi vào hoạt động. Riêng với các dự án lớn, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ ngay từ đầu để nhà đầu tư có thể triển khai dự án thuận lợi trong thời gian sớm nhất- ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang