Thử nghiệm thành công tẩy độc Dioxin tồn lưu trong đất bằng chủng vi sinh Hàn Quốc

author 15:15 05/08/2017

(VietQ.vn) - Theo các nhà khoa học, hoạt động thử nghiệm tẩy độc Dioxin tồn lưu trong đất tại sân bay A Sho bằng các chủng vi sinh của Hàn Quốc đã có kết quả khả quan.

Ngày 4/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Báo cáo kết quả thử nghiệm tẩy độc Dioxin tồn lưu trong đất tại sân bay A Sho (huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế) bằng công nghệ vi sinh” với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam và Hàn Quốc.

Đây là kết quả của sự hợp tác nhằm phát huy thế mạnh về công nghệ sinh học của đội ngũ khoa học Công ty sinh học của Hàn Quốc (BJC) và Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (VACNE), góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh để lại; đồng thời giảm bớt khó khăn cho người dân vùng đất đã bị nhiễm độc Dioxin.

Theo các nhà khoa học, hoạt động thử nghiệm tẩy độc Dioxin tồn lưu trong đất tại sân bay A Sho bằng các chủng vi sinh của Hàn Quốc đã có kết quả khả quan. 

Khu vực xử lý môi trường ô nhiễm Dioxin tại Sân bay Đà Nẵng (giai đoạn 2). Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN

Thứ nhất, quá trình tiến hành thử nghiệm xử lý dioxin tại hiện trường phù hợp với quy mô thử nghiệm, khả năng tổ chức phối hợp và đặc điểm của vùng nhiễm độc tồn lưu dioxin từ nhiều năm nay.

Thứ hai, phương pháp sử dụng cho thử nghiệm đã diễn ra đúng quy trình và đáp ứng yêu cầu về kĩ thuật xử lý sinh học hiện hành, phù hợp và khả thi với điều kiện của địa phương.

Thứ ba, trong quá trình thử nghiệm các mẫu được lấy đi phân tích có thể đại diện được cho quá trình xử lý dioxin trong đất của khu vực trước và sau khi thử nghiệm.

Thứ tư, đây là phương pháp phân tích được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia và cho kết quả có độ tin cậy.

Thứ năm, phương pháp sinh học kí và hiếu khí kết hợp với 2 chủng vi sinh US6-1 và IC10 để xử lý dioxin trong đất đã có hiệu quả cụ thể rõ rệt tại khu vực thực nghiệm.

Thứ sáu, công nghệ sinh học là công nghệ tương đối đơn giản, chi phí đầu tư thấp, khả thi và có hiệu quả rõ rệt đối với vùng đất có hàm lượng dioxin <200ppt.

Sau Hội thảo, Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường sẽ kiến nghị với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá kết quả thử nghiệm và xem xét quyết định việc triển khai các hoạt động xử lý đất ô nhiễm dioxin ở A Lưới trong thời gian tới.

PV (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang