Thử nghiệm vaccine COVID-19 giai đoạn 1 trên Chồn sương

author 17:26 02/04/2020

(VietQ.vn) - Mới đây, Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine phòng chống COVID-19.

Theo thông tin từ báo Chính Phủ, Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine phòng chống COVID-19. Hiện Chồn sương được cho là có hệ thống hô hấp tương tự như con người, phù hợp cho việc thử nghiệm vaccine.

Theo đó, hai con Chồn sương sẽ được tiêm vaccine và giữ trong 4 tuần để hệ miễn dịch của chúng phát triển. Sau đó, chúng sẽ được tiêm một liều virus SARS-CoV-2 và bắt đầu tiến hành theo dõi các phản ứng cơ thể. Tiến trình thử nghiệm dự kiến kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng tại cơ sở thiết lập an toàn sinh học mức độ cao ở Geelong.

 Nhiều nước đang cố gắng chạy đua để thử nghiệm thuốc cũng như vắc xin phòng dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Thử nghiệm trước mắt chỉ sử dụng đối tượng là động vật để kiểm tra xem liệu loại vaccine tiềm năng do Đại học Oxford (Anh) và Hãng Dược phẩm Inovio (Mỹ) sáng chế có an toàn và hiệu quả hay không.

Trong một diễn biến liên quan khác, hãng dược phẩm sinh học AnGes Inc. của Nhật Bản và Đại học Osaka vừa nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 mà 2 bên đã hợp tác phát triển và bào chế.

Cụ thể, các chuyên gia của 2 bên đã nghiên cứu sử dụng một virus bị khử hoạt tính để bào chế vaccine DNA. Theo AnGes Inc., phương pháp này có thể giúp sản xuất vaccine phòng ngừa SARS-CoV-2 nhanh hơn so với sử dụng protein.

Hôm 31/3, AnGes Inc. thông báo đã hoàn tất quá trình bào chế loại vaccine trên. Hiện các nhà khoa học của AnGes Inc. và Đại học Osaka đang thử nghiệm các hợp chất vaccine này trên động vật.

Trong khi đó, Reuters đưa tin, ngày 1/4, British American Tobacco (BAT) - nhà sản xuất của 2 thương hiệu thuốc lá Dunhill và Lucky Strike- tuyên bố chi nhánh công nghệ sinh học của Tập đoàn này ở Mỹ đang nghiên cứu một loại vaccine tiềm năng chống virus SARS-CoV-2, sử dụng các protein được chiết xuất từ lá cây thuốc lá.

Theo BAT, Kentucky BioProcessing (KBP), đơn vị phát triển loại vaccine trên, có thể sản xuất từ 1-3 triệu liều/tuần kể từ tháng 6 với sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ và các nhà sản xuất phù hợp.

Vaccine mới đang được tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng, sử dụng một bộ phận sao chép trong chuỗi gene của virus SARS-CoV-2 để tạo ra một kháng nguyên và sau đó được cấy vào cây thuốc lá để sản sinh thêm. Khi thu hoạch, các kháng nguyên này là những chất kích thích phản ứng miễn dịch trong cơ thể- sẽ được chiết xuất, tinh chế và cấy vào cơ thể để chống virus.

Cũng theo BAT, công thức mà KBP đang phát triển có sự ổn định ở nhiệt độ phòng, không giống như những loại vaccine hiện nay vốn thường đòi hỏi môi trường lạnh.

BAT cho hay, tập đoàn này sẽ hợp tác với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) trong những bước tiếp theo và cũng phối hợp với các cơ quan y tế của Anh để đưa loại vaccine vừa đề cập vào các nghiên cứu lâm sàng một cách sớm nhất có thể.

Bệnh nhân nhiễm Sars-CoV-2 sau điều trị vẫn mang virus trong 8 ngày dù triệu chứng đã mất(VietQ.vn) - Một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện, một nửa số bệnh nhân nhiễm Sars-CoV-2 dạng nhẹ mà họ điều trị vẫn mang virus tới 8 ngày sau khi triệu chứng biến mất.

Trong diễn biến liên quan tới tình hình chạy đua nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) Vladimir Chekhonin cho biết, thuốc triazavirin được các nhà nghiên cứu RAS phát triển vài năm trước tại Viện Tổng hợp hữu cơ, chi nhánh ở vùng Urals. Trung Quốc hiện đang sử dụng thử nghiệm loại thuốc của Nga để điều trị Covid-19.

“Đến nay, loại thuốc đặc trị này đã sẵn sàng, có thể sử dụng cho người nhiễm virus corona chủng mới. Tôi chắc chắn rằng việc điều trị Covid-19 sẽ rất phù hợp", ông Vladimir Chekhonin nói.

Ngoài ra, ông Vladimir Chekhonin cũng cho biết, Viện Tổng hợp hữu cơ và Viện Hóa hữu cơ Zelinsky ở Matxcơva đã lập ra phác đồ tổng hợp thuốc kháng virus của Nhật Bản là favipiravir. Loại thuốc này cũng sẵn sàng đưa vào thử nghiệm.

“Theo thông tin tôi nắm được, loại thuốc này đã sẵn sàng đưa vào thử nghiệm tại các phòng khám chuyên khoa tại Nga”, ông Vladimir Chekhonin cho hay.

Ngoài ra, ông Vladimir Chekhonin còn đề cập đến thuốc fortepren, do Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh quốc gia Gamaleya và Viện Hóa hữu cơ điều chế. Loại thuốc này vừa vượt qua các thử nghiệm lâm sàng và đang chờ đăng ký cấp phép sử dụng.

“Fortepren đã vượt qua tất cả các thử nghiệm lâm sàng, nghĩa là đã được thử nghiệm trên người. Hiện đang chờ đăng ký, sau đó có thể gửi bản dùng thử để đánh giá xem khả năng có thể sử dụng điều trị Covid-19 hay không”, Viện sĩ Nga cho hay.

Theo các nhà nghiên cứu, việc đánh giá khả năng của 3 loại thuốc này để nhanh chóng đưa vào điều trị Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Bộ Giáo dục và Khoa học Nga hiện nay.

"Tôi hy vọng rằng, cuối cùng chúng ta sẽ có vaccine hiệu quả, không chỉ kháng virus corona chủng mới mà còn nhiều bệnh nhiễm trùng do chủng virus corona khác gây ra", Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga Vladimir Chekhonin nhấn mạnh.

Ông Chekhonin cho biết thêm, 3 loại vaccine kháng virus corona chủng mới đang được phát triển tại 3 tổ chức khác nhau và đang thu hút sự quan tâm của Bộ Y tế Nga.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang