Thu phí xe máy tại TPHCM: Cử tri muốn dừng, lãnh đạo kêu 'khó'

author 09:16 29/07/2015

Ngày 28/7, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 18, nhiều đại biểu tiếp tục đề nghị tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy nhưng lãnh đạo HĐND TPHCM cho rằng thành phố vẫn phải chấp hành Nghị định của Chính phủ và Nghị quyết đã ban hành cuối năm 2014.

Thu phí xe máy là đánh vào túi tiền dân nghèo.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng thu phí từ 1/1/2016 vì không hiệu quả, không công bằng, nhiều địa phương dừng thu.

Dân bất bình

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp của Ủy ban MTTQVN TPHCM, cử tri các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Tân Bình… cho rằng phí đường bộ đối với xe máy đã tính vào giá xăng dầu, không nên thu nữa để tránh phí chồng phí. Cử tri đề nghị kỳ họp này TPHCM phải làm rõ, nếu không khả thi thì kiến nghị bỏ thu phí như HĐND tỉnh Khánh Hoà, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hà Nội đã làm. 

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Tấn Ngời cho rằng xe máy là phương tiện, kế sinh nhai tối thiểu của người lao động mà chiếm đa số là người nghèo, nộp thêm phí xe máy thì khó khăn lại càng chất chồng nên nhà nước cần chia sẻ với người lao động.

Đại biểu Huỳnh Quốc Cường nói: Lãnh đạo mình nói cái gì có lợi cho dân thì làm, đại biểu cũng hứa cái gì có lợi cho dân thì bảo vệ. Kỳ họp này phải có ý kiến chính thức, nếu không đại biểu không biết trả lời thế nào với cử tri.

Vẫn thu

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói cá nhân bà không đồng tình thu phí xe máy nhưng HĐND TPHCM không có thẩm quyền quyết định có thu hay không.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp bà Tâm cho biết Thường trực HĐND TPHCM đã thảo luận về vấn đề này. Theo đó, Nghị định 18 của Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đang còn hiệu lực dù Quỹ bảo trì đường bộ trung ương đã có văn bản xin tạm dừng thu và giao cho Bộ Giao thông cùng các bộ, ngành liên quan sửa đổi một số nội dung của Nghị định 18.

“Đó chỉ mới là đề nghị của Quỹ bảo trì đường bộ, còn Nghị định của Chính phủ vẫn đang có hiệu lực. HĐND TPHCM và chính quyền các cấp phải tổ chức thực hiện. Đó là quy định của pháp luật. Tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ nghe các đại biểu phản ánh ý kiến của cử tri nhưng tinh thần là vẫn tiếp tục thực hiện Nghị định 18” - bà Tâm nói.

Theo bà Tâm, trong quá trình thực hiện, nếu xét thấy không hợp lý, vượt thẩm quyền thì HĐND TPHCM sẽ phản ánh đến trung ương. HĐND thành phố không có quyền ra nghị quyết dừng thu phí sử dụng đường bộ và Nghị quyết của HĐND TPHCM cuối năm 2014 về thu phí xe máy vẫn còn hiệu lực.

Báo cáo tình hình triển khai thực hiện thu phí xe máy gửi đến kỳ họp này cũng thể hiện dù gặp nhiều khó khăn do lần đầu tiên triển khai, các địa phương chưa có kinh nghiệm, số lượng xe thực tế khác nhiều so với hồ sơ quản lý của địa phương...  nhưng UBND TPHCM vẫn kiến nghị Thường trực HĐND thành phố đồng ý để cơ quan này thực hiện đúng quy định về thu phí xe máy. Theo thống kê của UBND TPHCM, tính đến đầu năm 2015, thành phố có trên 6,8 triệu mô tô, xe máy, nguồn thu phí dự kiến khoảng 307 tỷ đồng/năm.

Tăng phí đăng ký ô tô

Tại phiên khai mạc, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM đã thống nhất với tờ trình của UBND TPHCM về tăng phí đăng ký ô tô. Theo đó, mức tăng cao nhất là ô tô dưới 10 chỗ không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách có mức thu 11 triệu đồng (tăng 5,5 lần). Các loại phương tiện khác cũng tăng phí như sơmi rơmoóc đăng ký rời, rơmoóc (xe container) có mức thu 150.000 đồng (tăng 50.000 đồng). Phí đăng ký xe máy lần lượt là 750.000 đồng, 1,5 triệu đồng và 3 triệu đồng đối với xe trị giá 15 triệu đồng trở xuống, từ 15 - 40 triệu đồng và trên 40 triệu đồng.

Theo Tiền phong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang