Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khuyên thí sinh chọn trường đại học như thế nào?

author 14:44 24/07/2015

“Kết thúc kỳ THPT quốc gia các thí sinh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có rất nhiều rủi ro. Chính vì vậy, các thí sinh nên tính điểm phù hợp trước khi mang điểm đi xét tuyển” Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói

Ít thí sinh đạt điểm tối đa

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc giaphổ điểm 8 môn thi, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT- Bùi Văn Ga về dữ liệu điểm thi năm nay.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bùi Văn Ga trao đổi với PV Infonet.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, phổ điểm của hầu hết các môn nằm trong vùng 5-6 điểm rất nhiều. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có rất ít thí sinh đạt điểm tối đa (từ 9-10 điểm – PV) và cũng ít điểm 0. Do năm nay, bộ đề thi có tính phân loại cao.

Một vài ngày tới, Hội đồng xét ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp để tư vấn cho Bộ trưởng công bố ngưỡng điểm để các trường dựa vào đó thông báo tuyển sinh. Công việc này, Bộ đã giao Cục Khảo thí khẩn trương thống kê, phân tích dữ liệu để đánh giá chất lượng kỳ thi, kết quả thí sinh đạt được năm nay so với năm ngoái cả về xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ”.

“Cách xét tuyển của các trường ĐH, CĐ năm nay không khác gì so với các năm và chỉ tiêu để xét tuyển theo các tổ hợp truyền thống. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là ngưỡng điểm tối thiểu mà thí sinh có thể học được bậc ĐH, CĐ, căn cứ vào chất lượng nguồn tuyển là chính. Sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia (thí sinh có điểm- PV) thì các thí sinh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có rất nhiều rủi ro. Chính vì vậy, các thí sinh nên tính điểm phù hợp trước khi mang điểm đi xét tuyển.

Trước khi các thí sinh mang điểm đi xét tuyển, các em đã được biết phổ điểm của mình là bao nhiêu. Chặng hạn thí sinh có 15 điểm ba môn, Bộ GD&ĐT sẽ công bố có bao nhiêu người đạt ngưỡng điểm đó và có bao nhiêu người trên điểm đó. 

Kỳ thi năm nay, nhiều trường ĐH tốp đầu có nhiều thuận lợi trong công tác tuyển sinh. Những trường hợp hy hữu như đủ điểm đỗ ĐH, nhưng lại không đỗ tốt nghiệp sẽ bị coi như trượt cả hai”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Sẽ có thí sinh ảo cục bộ ở một số trường

“Đợt đầu thí sinh có 1 phiếu kết quả điểm thi và mang phiếu đó gửi đi xét tuyển. Nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, các em có thể rút hồ sơ để nộp sang trường khác với khả năng trúng tuyển cao hơn. Những em chỉ nộp vào 1 trường nhưng với 4 nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường này với giá trị xét tuyển như nhau. Tất cả những qui định đó đều rất có lợi cho thí sinh", Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định.

"Đợt đầu có thể xảy ra thí sinh ảo cục bộ ở một số trường ĐH tổ chức xét tuyển. Đợt xét tuyển đầu tiên, các trường tuyển được phần lớn chỉ tiêu. Những thí sinh đã trúng tuyển đợt này sẽ không còn trong danh sách tham gia xét tuyển đợt tiếp theo. Đợt 2 thí sinh có 3 phiếu kết quả điểm thi, mỗi giấy báo có 4 nguyện vọng xét tuyển, tỉ lệ ảo sẽ cao, nhưng số lượng thí sinh không còn nhiều, việc xử lý sẽ không có khó khăn" Thứ trưởng Bùi Văn Ga phân tích.

"Trước hết thí sinh biết kết quả thi rồi mới đăng ký xét tuyển nên các em chỉ nộp hồ sơ xét tuyển vào những trường phù hợp với kết quả thi của mình. Thí sinh cũng cần lưu ý là khi các em đã trúng tuyển vào một ngành, trường nào rồi thì không còn được tham gia xét tuyển những đợt tiếp theo nên cần cân nhắc, lựa chọn trường, ngành đăng ký phù hợp nhất, đặc biệt là trong đợt xét tuyển đầu tiên. Điểm ưu tiên cho các thí sinh (con thương binh, liệt sỹ... PV) vẫn như mọi năm không có gì thay đổi ", Thứ trưởng Bộ Giáo dục chia sẻ.

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang