Thứ trưởng Bộ Giáo dục: "Hãy đọc kỹ phương án xét tuyển trước khi góp ý"

author 15:37 24/04/2014

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, phương án xét tuyển ĐH, CĐ 2014 có nhiều đổi mới hợp lý, đã được tính toán kỹ lưỡng nên báo chí và người dân cần đọc kỹ trước khi góp ý.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam sáng nay 24/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS. TSKH Bùi Văn Ga cho biết, dự thảo phương án xét tuyển ĐH, CĐ năm 2014 đã được bàn bạc, kỹ lưỡng với nhiều chuyên gia, đại diện các trường.

Sở dĩ có nhiều mức điểm xét tuyển cơ bản là để phân loại giữa các trường, thực hiện đúng mực tiêu phân tầng ĐH của Chính phủ. Với cách này, căn cứ vào các mức tuyển A, B, C, D thì người dân sẽ biết trường đó "xếp hạng" như nào.

Phương án xét tuyển ĐH, CĐ năm 2014 đã được bàn bạc kỹ

Phương án xét tuyển ĐH, CĐ năm 2014 đã được bàn bạc kỹ

Mặt khác, quy định mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng là cách để hạn chế việc tuyển ồ ạt, đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, chứ không "thả cửa" cho các trường muốn tuyển bao nhiêu cũng được.

Với ý kiến nhân hệ số 2 một môn thi chính, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, sở dĩ không chọn nhiều môn nhân hệ số và chỉ chọn hệ số 2 là đảm bảo tính ổn định, thống nhất khi tuyển sinh, nếu không sẽ dẫn đến mỗi nơi tuyển một kiểu.

Trước kia, cũng có trường nhân hệ số khi xét tuyển, nhưng đó là khi các thí sinh này đã qua điểm sàn quy định của Bộ. Còn với phương án mới này, có thể tổng điểm 3 môn của thí sinh thấp hơn điểm sàn nhưng nếu môn thi chính điểm cao thì khi nhân 2, điểm trung bình thi của em này vẫn cao hơn điểm sàn.

Điều này góp phần giúp các trường tuyển chọn đúng người có năng lực.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án xét tuyển ĐH, CĐ năm 2014.

Theo đó, Hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước đề xuất Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng.

Các trường đại học, cao đẳng trước ngày 20/5 hằng năm, nếu thấy cần thiết, sẽ quyết định và công bố công khai một môn thi chính theo khối thi được nhân hệ số 2 đối với từng ngành của trường;

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các mức điểm xét tuyển cơ bản:

 - Đối với các trường, ngành không qui định môn thi chính: Xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển vào trường hay vào từng ngành của trường. Điểm chuẩn xét tuyển này không được thấp hơn mức điểm xét tuyển cơ bản vào đại học (đối với các trường đại học) hoặc mức xét tuyển cơ bản vào cao đẳng (đối với các trường cao đẳng) mà Bộ đã công bố.

- Đối với các trường, ngành đã công bố môn thi chính: Xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có 1 môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường. 

Giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển này (điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn chính chia cho 4) không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào học đại học (mức điểm xét tuyển cơ bản vào đại học chia cho 3, đối với các trường đại học) hoặc giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào cao đẳng (mức điểm xét tuyển cơ bản vào cao đẳng chia cho 3, đối với các trường cao đẳng) đã được Bộ công bố.

Tổ chức xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đạt mức từ mức điểm chuẩn xét tuyển trở lên (điểm chuẩn xét tuyển cơ bản hoặc điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính) theo các quy định hiện hành của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

 

 

 

 

 

 

 

Hoàng Lan



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang