Thứ trưởng Bộ Giao thông: ‘Không muốn mất phí, có thể đi đường khác’

authorHoàng Nguyên 18:29 21/05/2016

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ Giao thông nói như vậy trước bức xúc của tài xế, vì trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Bình, chiều dài 100 km nhưng có đến 4 trạm thu phí.

Tại buổi tọa đàm về minh bạch thu phí các dự án BOT giao thông do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 20/5, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định không thể phủ nhận việc đưa nhiều tuyến cao tốc vào hoạt động đã mang lại hiệu quả kinh doanh cho DN vận tải và người dân khi đi trên những con đường tốc độ cao, an toàn, lượng lưu thông nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Liên cho rằng hiện nay đang có tình trạng “phí chồng phí”, DN vừa đóng phí trên đầu phương tiện lại vừa đóng phí BOT, trạm thu phí bủa vây khắp nơi nên DN phải đóng phí vận tải khá nhiều.

“Ví dụ như QL5 (Hà Nội-Hải Phòng), xe 42 chỗ giường nằm xuất phát từ bến xe Nước Ngầm mà chi phí hết 24,5 triệu đồng/tháng, chưa kể phí vận tải xuất bến 700.000 đồng/chuyến. Phí như vậy là quá cao vì có chuyến khi xuất bến chỉ có 5-7 khách. Rồi quãng đường Hà Nội-Thái Bình hơn 100 km mà có đến 4 trạm thu phí”, ông Bùi Danh Liên nói.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ cũng rất chia sẻ khó khăn này với doanh nghiệp vận tải. Nhưng theo Thứ trưởng Trường, việc thu phí được Bộ cân nhắc kĩ và mức tăng phí phù hợp theo lộ trình. Việc đưa ra mức phí là căn cứ vào mức thu nhập của người dân cũng như tình hình kinh tế của khu vực trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng.

 Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường trong một lần trả lời phỏng vấn.

“Nếu đi qua cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, qua QL21 mới, cầu Tân Đệ, sẽ phải qua 4 trạm thu phí và sẽ bị tính tiền theo quy tắc của đường cao tốc là đi bao nhiêu km, trả tiền bấy nhiêu.

Nhưng có nhiều đường khác để đi nếu như không muốn mất phí. Thứ trưởng lấy dẫn chứng như đi theo QL 1 cũ, đường QL 21 cũ sẽ không mất phí.

Còn ngược lại muốn đi nhanh, thuận lợi được đáp ứng nhu cầu vận tải cao thì đi tuyến cao tốc và BOT”, Thứ trưởng Bộ Giao thông giải thích.

Liên quan đến việc nhiều dự án BOT vừa làm xong chất lượng đã xuống cấp hoặc bị thanh tra, kiểm toán phát hiện sai phạm, ông Trường cho biết cũng có nhiều yếu tố liên quan như nắng nóng, xe quá tải, nhựa đường nhập chất lượng kém… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

“Bộ GTVT khẳng định từ nay về sau các dự án giao thông sẽ không hằn lún vệt bánh xe nữa. Các nhà đầu tư phải bảo hành dự án từ 2-4 năm, nếu có hư hỏng chủ đầu tư phải tự bỏ tiền sửa chữa và không được tham gia đấu thầu các dự án tiếp theo”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường quả quyết.

Cuối chương trình tọa đàm, Thứ trưởng Trường khẳng định về tính minh bạch trong công tác thu phí, các trạm thu phí đang được áp dụng công nghệ thu phí một dừng, được kiểm soát chặt bằng thẻ điện tử và phần mềm.

Công tác quản lý nhà nước giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện nên không có chuyện bị thất thu phí. Thời gian tới, với việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng, chắc chắn sẽ bảo đảm tuyệt đối việc minh bạch trong thu phí.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang