Thứ trưởng Bộ KH&CN: 'Bài toán xử lý rác thải ngày càng bức thiết'

author 15:41 10/04/2019

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy khẳng định, cho đến hiện nay, công nghệ xử lý rác của nước ngoài và Việt Nam nghiên cứu phát triển đều gặp vấn đề lớn do rác thải chưa được phân loại.

Sự kiện: Cảnh báo

Xử lý rác thải còn gặp nhiều khó khăn

Những năm gần đây, vấn đề xử lý chất thải được đề cập nhiều, tuy nhiên việc xử lý, phân loại còn nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa ở Việt Nam chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, hầu như các loại chất thải đều dồn chung với nhau và được thu gom bởi các xe chở chất thải.

Bên cạnh đó, công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp.

Trong khi đó thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn dẫn đến ngày càng gia tăng rác thải nhựa tại các thành phố lớn ở nước ta.

Công nghệ xử lý rác thải khó lòng phát huy tác dụng khi việc phân loại rác còn thờ ơ

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&CN - Bùi Thế Duy chỉ ra một vài điểm ảnh hưởng trực tiếp tới việc xử lý rác thải. Cụ thể, về công nghệ xử lý rác thải. Hiện nay, có nhiều cách để xử lý rác thải như: chôn lấp, đốt, đặc biệt là công nghệ xử lý rác thải bằng máy móc hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm tái chế (với loại rác có khả năng tái sử dụng) hoặc tạo ra điện năng.

Đối với Bộ KH&CN, hiện nay cũng đã triển khai, hỗ trợ việc xử lý rác bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ, hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ để xử lý rác; Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ cho các nhà sáng chế đăng ký những sáng chế, giải pháp hữu ích liên quan đến công nghệ xử lý rác. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Duy, cho đến hiện nay, công nghệ xử lý rác của nước ngoài và Việt Nam nghiên cứu phát triển đều gặp vấn đề lớn do rác chưa được phân loại.

Phân loại rác thải trở thành vấn đề khó hiện nay. Ảnh: ST

“Rác thải sinh học nếu trộn lẫn bao bì, thủy tinh, túi nilong khi đốt sẽ tạo ra khí độc. Nếu không được phân loại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường”, Thứ trưởng nói và ví dụ “Chị em nội trợ trong gia đình thường không có thói quen phân loại rác. Từ rác hữu cơ có thể phân hủy, tới túi nilong, báo bì… khó tiêu hủy làm quá trình phân loại rác khó hơn”. Do vậy, việc phân loại rác rất quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xử lý rác thải, ngay cả khi công nghệ áp dụng cũng khó lòng “gỡ rối” được bài toán này.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cũng cho rằng, hiện nay, bài toán xử lý rác thải trở nên bức thiết hơn. Bởi việc phân loại rác liên quan đến ý thức người dân và hạ tầng thu gom rác. Muốn phân loại rác, theo ông Duy cần phân chia cụ thể: loại rác có thể tái chế, sử dụng được; giác giấy và sinh học. Ở Việt Nam, rác dễ xử lý nhất là rác sinh học. Tuy nhiên, ý thức của người dân về việc phân loại rác sinh học còn chưa cao. Ông Duy ví dụ, hầu hết mọi người không có thói quen tách rác riêng sau khi sử dụng, đặc biệt sau khi ăn. Nếu làm được điều này, việc xử lý rác sẽ phát huy khả năng rất tốt.

Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ từ Nhật BảnSở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức ra mắt công nghệ xử lý rác hữu cơ mới từ Nhật Bản. Với công nghệ này, rác sẽ được xử lý thành 2 dạng: thành phần phân hữu cơ cho nông nghiệp và năng lượng điện tái tạo

Hiện nay, một số tỉnh thành phố bắt đầu đưa công nghệ vào trong việc tuyên truyền, khuyến khích xử lý rác thải. Đặc biệt, phát hiện ra những điểm đổ rác, gây ô nhiễm môi trường nhằm xử lý ngay. Ông Duy cho biết, Phó Thủ tướng Võ Đức Đam cũng đã chỉ đạo xây dựng phân hệ để giúp tuyên truyền dọn rác, đưa thông tin về ô nhiễm rác tới nhiều người dân. Ví dụ, TP Huế đã có hệ thống thông tin mà cứ điểm dân cư nào phát hiện xả rác bừa bãi, người dân có thể báo cáo bằng hình ảnh, đưa thông tin lập tức sẽ có cơ quan chức năng xử lý.

Để giảm thiểu ô nhiễm rác thải, theo Thứ trưởng Duy cần khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm có khả năng tái sử dụng. Không dùng sản phẩm sử dụng một lần như cốc nhựa, ống hút, bát đĩa nhựa…

Những sản phẩm làm từ nhựa sử dụng một lần thời gian phân hủy lâu. Đặc biệt, mỗi khi mưa lớn, các loại rác khó phân hủy này sẽ chảy ra biển, đại dương làm ô nhiễm nước, làm các động thực vật dưới nước bị ô nhiễm… Ngược lại, khi nắng nóng sẽ làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang