Thứ trưởng Bộ Tài chính: Cơ quan quản lý đóng vai trò 'bà đỡ' cho thị trường chứng khoán

author 06:54 03/05/2019

(VietQ.vn) - Cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam thực sự đã trở thành ‘bà đỡ’ cho thị trường chứng khoán phát triển; thị trường bảo hiểm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển...

Tại tọa đàm “Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, nhiều giải pháp được triển khai để thực hiện Nghị quyết TW 10 và nghị quyết 98 của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân. Bộ Tài chính đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp và minh bạch hóa thông tin; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, hiện các bộ, ngành đang phối hợp để triển khai các giải pháp phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm. Những biện pháp này đã và đang tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển với đầu tư tăng trưởng khá, kim ngạch xuất nhập khẩu được nâng cao tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

 
Tính đến cuối năm 2018, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 110% GDP, trong đó thị trường cổ phiếu đạt khoảng 72% GDP, thị trường trái phiếu đạt hơn 39% GDP với trái phiếu doanh nghiệp đạt 8,6% GDP. Con số này được đánh giá cao hơn mục tiêu đề ra tại lộ trình phát triển tính đến năm 2020. “Thị trường chứng khoán với vai trò là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho đầu tư phát triển đã có sự phát triển đáng ghi nhận", ông Hà khẳng định.

 

Tuy nhiên, để đạt được kết quả như trên, Thứ trưởng nhìn nhận thị trường chứng khoán đã trải qua một quá trình dài mà bắt đầu là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách.

Đại diện Bộ Tài chính cũng nhắc lại thời điểm năm 1998, 2000, khi Việt Nam chỉ có trong tay duy nhất nghị định về phát triển thị trường chứng khoán, rồi ra đời ủy ban chứng khoán. Cơ quan quản lý nhà nước đã làm mọi việc để hình thành và phát triển thị trường chứng khoán. 

"Chúng tôi đánh giá cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam thực sự đã trở thành "bà đỡ" cho thị trường chứng khoán phát triển", ông Hà bày tỏ.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhận định, thị trường bảo hiểm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển. Ông cho biết thị trường này duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 25% mỗi năm. Theo đó, quy mô của thị trường này đến cuối năm 2018 đạt trên 3% GDP đối với doanh thu bảo hiểm gốc, gấp đôi so với 10 năm trước.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô TTCK mới khoảng 175 tỷ USD đến cuối năm 2018, con số này còn nhỏ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các định chế quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư chứng khoán mặc dù cơ chế chính sách đã có nhưng triển khai hoạt động vẫn còn những khó khăn. Bên cạnh đó, tiến trình cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt được như kế hoạch đã đề ra.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng những năm qua, từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, khu vực tư nhân đã không ngừng phát triển, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nghị quyết số 10-NQ-TW xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nhiều năm qua đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiêu biểu như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn theo năng lực tài chính, kinh doanh đồng thời mở rộng kênh cấp vốn tín dụng khác (bảo lãnh, thuê tài chính...) của tổ chức tín dụng cho nền kinh tế. Hai là, chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản cho tổ chức tín dụng, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ổn định nhằm cân đối vốn kịp thời hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ba là, chỉ đạo tổ chức tín dụng cân đối năng lực tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với mức độ rủi ro khoản vay; chia sẻ khó khăn với khách hàng; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cấp tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Cụ thể, ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có doanh nghiệp tư nhân; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng vay; cải cách quy trình và thủ tục hành chính trong cho vay nhằm giảm bớt phiền hà cho khách hàng trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về cấp tín dụng.

 
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã góp phần đưa tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (tỷ trọng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng từ mức 21,6% năm 2016 lên mức 24,8% trong năm 2018 và mức 25,2% tháng 3/2019...); tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý; qua đó khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, kinh doanh.

 

Các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận được vốn tín dụng dễ dàng với lãi suất hợp lý. Nhờ đó, hệ thống tổ chức tín dụng đã thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, chuyển hóa các nguồn vốn huy động nhỏ, lẻ, ngắn hạn thành các nguồn vốn cho vay trung, dài hạn đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập. Trong khi nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô và chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này. Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ).

Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung thì phát triển thị trường chứng khoán là điều kiện tất yếu, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt là các nhu cầu vốn trung, dài hạn.

Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế tư nhân nói riêng, để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Trong thời gian tới, về phía ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nhanh, bền vững các phân đoạn thị trường tài chính; tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân huy động vốn trên thị trường chứng khoán...

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang