Thứ trưởng Bộ Y tế nói về từ chối mổ cho bệnh nhân là phóng viên

author 15:06 25/03/2015

(VietQ.vn) - Là bác sĩ, việc ứng xử đối với bệnh nhân là vô cùng quan trọng, đừng vì bực bội mà trút vào chỗ nọ chỗ kia.

Thứ trưởng Bộ Y tế: “Đừng vì bực bội mà trút vào chỗ nọ, chỗ kia”

GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế

Sự việc PGS.TS Vũ Bá Quyết – GĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ chối mổ cho một bệnh nhân khi biết bệnh nhân là phóng viên đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Trong hai ngày qua, cả hai người trong cuộc là PGS Vũ Bá Quyết và người bệnh - 'phóng viên' - tên Trang đều đã lên tiếng. Tuy nhiên, sự việc này dường như vẫn chưa ngã ngũ.

Để rộng đường dư luận sáng 25/3, PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên GĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương bên hành lang cuộc Hội thảo: “Báo chí với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Khi nói về quyền của người dân khi đi khám bệnh dịch vụ, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Bất kỳ loại hình khám chữa bệnh nào cũng đều phục vụ cho nhân dân cả, nên chúng ta không nên phân biệt y tế công và y tế tư. Cái quan trọng nhất là chúng ta phải phục vụ người bệnh tốt nhất trong điều kiện có thể. Nhìn chung người thầy thuốc và người bệnh phải biết thông cảm và chia sẻ cho nhau”.

Theo GS Tiến, về cơ bản người làm trong ngành y cũng như người làm công tác truyền thông phải làm cho tốt công việc của mình. Tuy nhiên, ở chỗ này, chỗ khác còn có mặt này mặt nọ, thậm chí còn có những tiêu cực. Tuy nhiên, chúng ta nhìn nhận vấn đề đó như thế nào và xử lý như thế nào mới là vấn đề quan trọng. 

“Cách giải quyết các vấn đề chúng ta không thể nhìn theo hướng toàn màu đen, mà chúng ta phải nhìn thấy màu hồng, nhìn thấy sự phát triển …Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là “mặc kệ” tiêu cực. Mà chúng ta phải quyết tâm xóa và loại bỏ tiêu cực để xã hội phát triển hơn. Ví dụ khi xảy ra sự việc nào đó, chúng ta phải đánh giá trên mọi góc độ, hoàn cảnh như thế nào. Có thể cùng một biến cố như vậy mình phải xử lý rất nặng, cũng có trường hợp mình xử lý nhẹ hơn”, Thứ trưởng Tiến chia sẻ.

Riêng vấn đề mổ hay không mổ? GS Tiến cho biết: “Đã là bác sĩ thì phải nhìn nhận vấn đề hết sức nhân văn. Tôi là người cầm dao mổ 33 năm liên tục, chưa bao giờ ngừng nghỉ, thậm chí đi ra nước ngoài tôi vẫn cầm dao. Tuy nhiên, không phải lúc nào anh cũng có thể làm được hết mọi trường hợp.

Cho nên, anh phải làm đúng với năng lực tối đa của anh thì người bệnh sẽ chấp nhận. Nhưng làm thế nào, tiếp xúc người bệnh thế nào là một vấn đề. Trong ngành y đã ban hành quy tắc ứng xử giữa bác sĩ và người bệnh. Cách ứng xử là điều cực kỳ quan trọng không chỉ với ngành y mà trong đời sống cũng vậy”.

GS Tiến lấy ví dụ: “Trong trường hợp cần phải mổ xẻ nhưng bác sĩ không thể mổ được vì lý do công việc thì người bệnh sẽ thông cảm ngay. Hoặc có thể bác sĩ khi chẩn đoán ra bệnh nhưng vì lý do không mổ được thì có thể giới thiệu cho bác sĩ nọ, bác sĩ kia có đủ năng lực để giúp bệnh nhân …

Trong trương hợp không phải cấp cứu, nếu bệnh nhân chỉ muốn được bác sĩ đó mổ thì bác sĩ có thể giải thích cho bệnh nhân đợi đến dịp này, dịp kia mới có thể mổ được, như vậy người bệnh sẽ thấy hài lòng và cảm thấy người thầy thuốc có trách nhiệm”.

Tuy nhiên theo GS Tiến, đó là nghệ thuật ứng xử của mỗi người, nếu ứng xử thật tâm, thật bụng, thật lòng thì người bệnh sẽ hiểu. Chứ không nên vì bực bội mà trút vào chỗ nọ chỗ kia là hoàn toàn không nên.

“Như tôi, tôi làm lãnh đạo bệnh viện hàng chục năm, tôi hiểu người bệnh vào viện là rất khổ, vì thế khi đến bệnh viện ít ra họ cũng phải được nghe những lời nói nhẹ nhàng. Bởi thế, người bác sĩ dù có bực dọc thì cũng phải vứt bỏ ở nhà để đến bệnh viện làm việc và tiếp xúc niềm nở với bệnh nhân”, Thứ trưởng Tiến nói.

Cuối cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho biết, tất cả rồi cũng sẽ qua đi, nên khi đã qua rồi thì cần phải nhìn nhận và rút kinh nghiệm cho bản thân.

Lê Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang